Bệnh viện Trung ương Huế cứu thành công ca bệnh nặng

Ngày 17/5, TS. BS Hồ Văn Linh,Trưởng khoa Phẫu thuật - Ung bướu (Bệnh viện Trung ương Huế) khẳng định, bệnh nhân Vũ Đ. D. (59 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế) đã được cầm máu hoàn toàn, qua cơn nguy kịch, huyết động ổn định, tình trạng toàn thân đang tiến triển tốt…

Được biết, trước đó, vào khoảng 7 giờ 5 phút ngày 15/5, bệnh nhân Vũ Đ. D. (59 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế) được người nhà đưa vào viện tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế, trong tình trạng shock mất máu, da niêm mạc nhợt, mạch quay không bắt được, huyết áp không đo được, thăm khám ghi nhận trên cơ thể bệnh nhân có 4 vị trí tổn thương ở vùng thượng vị và đỉnh phổi phải.

 Bệnh nhân Vũ Đ. D. (59 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế) được ekip y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế cầm máu hoàn toàn, qua cơn nguy kịch, huyết động ổn định, tình trạng toàn thân đang tiến triển tốt.

Bệnh nhân Vũ Đ. D. (59 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế) được ekip y bác sỹ Bệnh viện Trung ương Huế cầm máu hoàn toàn, qua cơn nguy kịch, huyết động ổn định, tình trạng toàn thân đang tiến triển tốt.

Trước tình hình đó, các bác sĩ khoa Cấp cứu kịp thời hồi sức tích cực, xét nghiệm và truyền máu ngay; khởi động quy trình phản ứng nhanh hội chẩn ca bệnh nặng trong toàn viện. Trưởng kíp trực ngoại tiêu hóa do TS. BS Hồ Văn Linh, Trưởng khoa Phẫu thuật - Ung bướu, trực tiếp thăm khám, chẩn đoán shock mất máu cấp do vết thương thấu bụng vì dao đâm/đa chấn thương và chỉ định mổ cấp cứu cầm máu. Đồng thời, hội chẩn các chuyên khoa liên quan tại phòng mổ để xử lý các tổn thương khác ở 2 tay và ở ngực bên phải.

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp về chuyên môn của GS, TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, ekip phẫu thuật do TS. BS Hồ Văn Linh trực tiếp thực hiện vào ổ bụng tràn ngập máu đỏ tươi lẫn máu cục (khoảng 1,5 lít + máu cục), hút làm sạch máu ổ bụng và nhanh chóng xác định vị trí chảy máu từ vết thương rách tĩnh mạch mạc treo tràng trên, sát mỏm móc của đầu tụy - tá tràng, vị trí giải phẫu có nhiều mạch máu phức tạp, tiến hành bộc lộ rõ đoạn tĩnh mạch, sử dụng satinsky kẹp bán phần tĩnh mạch theo chiều dọc của vết thương tĩnh mạch và khâu phục hồi lại bằng chỉ prolene 5-0.

Theo GS, TS. Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, nếu chậm trễ hoặc thiếu kinh nghiệm xử trí vết thương mạch máu thì tổn thương có thể lan rộng, nguy cơ không kiểm soát được chảy máu và bệnh nhân có thể tử vong ngay trên bàn mổ. Ngoài ra, bệnh nhân còn có các tổn thương khác: Thủng đại tràng ngang, thủng mặt sau hang vị dạ dày, đứt bán phần cơ nhị đầu tay phải, đứt gân dạng dài ngón 1, gân duổi ngắn, duổi dài ngón 1, đứt gân duỗi cổ tay quay, đứt động mạch quay và thần kinh quay tay trái. Sau khi khâu phục hồi tĩnh mạch cầm máu được hoàn toàn, tiến hành khâu lại các tổn thương đi kèm khác…

TS, BS. Hồ Văn Linh, Trưởng khoa Phẫu thuật - Ung bướu, cho biết, đến hôm nay, có thể khẳng định bệnh nhân Vũ Đ. D. (59 tuổi, quê ở Thừa Thiên Huế) đã được cầm máu hoàn toàn, qua cơn nguy kịch, huyết động ổn định, tình trạng toàn thân đang tiến triển tốt, song còn quá sớm để khẳng định là bệnh nhân phục hồi hoàn toàn bởi còn có nhiều tổn thương khác trên cơ thể cần được phải theo dõi và chăm sóc đặc biệt trong những ngày tiếp theo./.

Tin, ảnh: Hoàng Oanh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/y-te/benh-vien-trung-uong-hue-cuu-thanh-cong-ca-benh-nang-637977.html