Bệnh viện than khó giữ chân nhân lực công nghệ thông tin

Việc thu hút và giữ chân nguồn nhân lực công nghệ thông tin là thách thức lớn của các bệnh viện dù đây là đội ngũ không thể thiếu trong thực hiện Đề án Y tế thông minh.

Sáng 25-10, Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM đã có buổi giám sát về tình hình triển khai thực hiện Đề án Y tế thông minh (YTTM) giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 tại bệnh viện (BV) Nhi đồng 1.

Theo TS.BS Ngô Ngọc Quang Minh, Phó Giám đốc BV Nhi đồng 1, từ nhiều năm qua, BV đã chú trọng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong mọi hoạt động khám chữa bệnh (KCB). Tuy nhiên trong thực hiện đề án YTTM, BV còn gặp nhiều khó khăn thách thức. Một trong những thách thức lớn là khó thu hút và giữ chân nguồn nhân lực CNTT dù đây là đội ngũ không thể thiếu trong thực hiện đề án.

Theo BS Minh, hiện BV chỉ có 12 nhân sự quản lý 700 máy tính, 550 máy in. Ngành Y tế chưa có cơ chế chính sách khuyến khích nhân viên CNTT chất lượng cao làm trong môi trường BV, dẫn đến việc giữ nhân sự chất lượng cao gặp nhiều khó khăn.

“Nhân viên CNTT bên ngoài lương rất cao trong khi BV vẫn lãnh lương theo cơ chế. Vì thế để tìm một lực lượng CNTT chuyên môn cao về làm cho BV là rất khó. Hiện BV chỉ xây dựng được đội ngũ cốt lõi, còn lại các công cụ phát triển CNTT phải phụ thuộc vào doanh nghiệp chuyên về CNTT” - BS này nói.

Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM giám sát về tình hình triển khai thực hiện đề án Y tế thông minh tại bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM giám sát về tình hình triển khai thực hiện đề án Y tế thông minh tại bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Cạnh đó, về đầu tư hạ tầng và các phần mềm ứng dụng CNTT, BV đã vận hành theo cơ chế tự chủ nhưng giá viện phí chưa cấu thành đủ các yếu tố, trong đó có chi phí CNTT, điều này gây khó khăn trong việc đầu tư.

Tại buổi giám sát, BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc BV Hùng Vương cũng cho biết, khó khăn trong thu hút và giữ chân nguồn nhân lực CNTT là khó khăn chung của các BV. Hiện tại mức lương nhân viên CNTT tại các BV quá thấp. Dù BV có thể cân đối bằng quy chế chi tiêu nội bộ nhưng phải có tiền và phải cân đối với mức lương các bộ phận trong BV với nhau.

“Cụ thể, nếu mức lương CNNT của BV được trả bằng với lương CNTT mặt bằng chung thì sẽ gấp mấy lần lương BS, như vậy là vô lý. Nhưng trả lương quá thấp sẽ khó giữ chân nhân lực chuyên môn cao. Vì thế chuyện lương CNTT của BV đang rất khó xử.

Đến năm 2023, bệnh viện Nhi đồng 1 đặt ra mục tiêu hoàn thành bệnh án điện tử. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Đến năm 2023, bệnh viện Nhi đồng 1 đặt ra mục tiêu hoàn thành bệnh án điện tử. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Ths Đặng Thanh Hùng - Trưởng Phòng CNTT BV Nhi đồng 1 cũng cho biết, BV đã triển khai số hóa, xây dựng phần mềm từ những năm 1994, được nâng cấp và bổ sung tính năng từ những năm 2003 đến nay. Do đó, các phần mềm bị lỗi thời, hệ thống không mang tính tổng thể, các yêu cầu phát sinh được đáp ứng nhưng chỉ mang tính tạm thời.

“Đặc biệt trong triển khai bệnh án điện tử, hệ thống RIS/PACs từ 2020 tới thời điểm này chưa có hướng dẫn đầu tư cũng như chưa có biểu giá cho việc dùng phim điện tử thay cho phim in âm bản (không in phim), dù BV đã chuẩn bị sẵn sàng để triển khai” - Trưởng Phòng CNTT chia sẻ.

Được biết đến năm 2023, BV đặt ra mục tiêu hoàn thành bệnh án điện tử, tiến đến năm 2025 chuyển đổi số các hoạt động chính yếu của BV. Cuối năm nay, ba khối nhà mới của BV chính thức đưa vào hoạt động. Vì thế BV Nhi đồng 1 cũng rất cần hệ thống quản lý tòa nhà thông minh hiệu quả - tiết kiệm - an toàn.

Từ đó BV Nhi đồng 1 kiến nghị xây dựng các hướng dẫn về pháp lý tạo điều kiện cho các BV thuận lợi đầu tư hệ thống RIS/PACs, là thành phần quan trọng để thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử. Cơ cấu chi phí công nghệ thông tin trong giá dịch vụ kỹ thuật để các BV có đủ kinh phí đầu tư hạ tầng và các phần mềm ứng dụng triển khai đề án YTTM.

THẢO PHƯƠNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/benh-vien-than-kho-giu-chan-nhan-luc-cong-nghe-thong-tin-post704782.html