Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình: Nâng cao chất lượng chăm sóc, điều trị bệnh nhân đái tháo đường

Hiện nay, đái tháo đường (ĐTĐ) là một bệnh phổ biến, bệnh không lây nhiễm nhưng đang có xu thế phát triển với tốc độ nhanh do liên quan đến chế độ ăn uống nhiều năng lượng và hạn chế vận động.

Thực hành khám cho bệnh nhân đái tháo đường tại Khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bác sĩ Vũ Khánh Chi, Trưởng khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: ĐTĐ hay còn gọi là tiểu đường, là bệnh rối loạn chuyển hóa đặc trưng với biểu hiện lượng đường ở trong máu luôn ở mức cao hơn so với bình thường do cơ thể thiếu hụt về tiết insulin hoặc đề kháng với insulin hoặc cả 2, dẫn đến rối loạn quan trọng về chuyển hóa đường, đạm, mỡ, chất khoáng.

Bệnh ĐTĐ tiến triển âm thầm trong nhiều năm, vì vậy khi phát hiện bệnh thì thường đã muộn và kèm theo nhiều biến chứng trầm trọng, như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, biến chứng thận, mắt, thần kinh ngoại vi, bệnh lý bàn chân, thậm chí phải cắt cụt chi..., ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của người bệnh, gia đình và xã hội. Bệnh có xu hướng tăng rõ rệt theo thời gian và sự tăng trưởng kinh tế.

Tại Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình thường xuyên điều trị nội trú cho hàng trăm bệnh nhân mắc ĐTĐ do gặp các biến chứng do bệnh, đồng thời có gần 5.000 bệnh nhân ĐTĐ đang được Bệnh viện quản lý và điều trị ngoại trú. Với số lượng bệnh nhân đông, dự báo sẽ còn tiếp tục tăng, hàng năm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh quan tâm phối hợp tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn, tuyên truyền cho các y bác sĩ nhằm cập nhật các kiến thức mới về khám, điều trị, chăm sóc, quản lý toàn diện cũng như nâng cao kiến thức cho bệnh nhân ĐTĐ.

Mới đây, Trung tâm đào tạo chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình đã phối hợp với Công ty Servier Việt Nam tổ chức buổi hội thảo về bệnh lý ĐTĐ với chủ đề: "Chiến dịch HbA1c (xét nghiệm chỉ số đường huyết) <7%: Đường huyết cao - Biến chứng nhiều".

Tại hội thảo, các y, bác sĩ và trên 300 bệnh nhân ĐTĐ, đại diện cho gần 5.000 bệnh nhân ĐTĐ đang được Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình quản lý, điều trị nội, ngoại trú được bác sỹ chuyên khoa Nội tiết - Khoa Nội tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec và lãnh đạo khoa Nội tiết, Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình chia sẻ thông tin, tư vấn về sự cần thiết của việc kiểm soát ĐTĐ và phòng ngừa biến chứng; ý nghĩa của chỉ số HbA1c, mục tiêu điều trị chung của bệnh nhân trưởng thành mắc ĐTĐ. Đồng thời, được trao đổi, nêu câu hỏi và được giải đáp các thắc mắc trong quá trình khám và điều trị bệnh; về chế độ dinh dưỡng và tập luyện để kiểm soát tốt đường huyết...

Lấy máu xét nghiệm lượng đường huyết cho bệnh nhân đái tháo đường.

Hội thảo đã giúp cho các cán bộ y tế cập nhật thông tin, kiến thức mới nhất về biến chứng của bệnh ĐTĐ type II. Đồng thời, các y bác sĩ còn được trực tiếp thực hành thông qua khám lâm sàng cho bệnh nhân tại khoa Nội tiết và các bệnh án, ca bệnh phức tạp đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Qua đó nâng cao kỹ năng cho đội ngũ y bác sỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội chẩn, hợp tác điều trị bệnh. Góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và đem lại kết quả tốt nhất cho người bệnh.

Bà Trần Thị Mai, xã Ninh Nhất (thành phố Ninh Bình), bệnh nhân ĐTĐ type II 65 tuổi cho biết: Tôi mắc ĐTĐ đã 5 năm nay, thường xuyên phải khám định kỳ và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Nhờ thực hiện nghiêm túc việc điều trị theo đơn và ăn uống theo hướng dẫn, bệnh của tôi giữ được sự ổn định, không bị biến chứng sang bệnh khác, Tôi sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm việc điều trị và ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ, giữ gìn sức khỏe khi bản thân ngày càng cao tuổi dễ mắc thêm các bệnh lý khác nữa.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuyên, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: Việc cập nhật những kiến thức mới về biến chứng bệnh ĐTĐ trong lâm sàng cũng như học tập, tham khảo kinh nghiệm chẩn đoán và điều trị từ các chuyên gia đến từ Bệnh viện Trung ương là vô cùng cần thiết đối với cán bộ và nhân viên y tế của BVĐK tỉnh. Thông qua buổi hội thảo, các học viên tham dự sẽ nắm bắt được những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ĐTĐ type II, từ đó ứng dụng vào thực tiễn công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện, với mục tiêu cuối cùng là nâng cao hiệu quả điều trị, mang lại những lợi ích thiết thực cho người bệnh.

Ngoài tổ chức hội thảo về bệnh lý ĐTĐ, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng phối hợp với Công ty Servier Việt Nam tổ chức buổi sinh hoạt khoa học y khoa cho bệnh nhân ĐTĐ và hỗ trợ khoa Nội tiết bệnh viện thành lập Câu lạc bộ ĐTĐ cho bệnh nhân. Đây là việc làm cần thiết, có ý nghĩa giúp cho nhân viên y tế và bệnh nhân có thể trao đổi thông tin hữu ích. Bệnh nhân sẽ thường xuyên được cập nhật các kiến thức mới về điều trị, chăm sóc và quản lý toàn diện bệnh ĐTĐ, ngăn ngừa biến chứng, làm chậm diễn tiến của bệnh, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Bác sĩ Trịnh Ngọc Anh, chuyên khoa Nội tiết, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec cho biết: Theo thống kê chưa đầy đủ, tỷ lệ người mắc ĐTĐ đang gia tăng với tốc độ nhanh. Năm 2019, số người mắc đái tháo đường tại Việt Nam là 3,8 triệu người với dự báo tăng gần gấp đôi vào năm 2045. Tuy nhiên, chỉ sau hai năm, vào năm 2021, ước tính ở Việt Nam đã có hơn 5 triệu người mắc bệnh. Đáng chú ý, hơn một nửa trong số đó không biết tình trạng bệnh của mình.

Khi mắc ĐTĐ, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, người mắc đái tháo đường sẽ tăng nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng, có khả năng đe dọa tính mạng. Thống kê cho thấy, có 50% ca mắc ĐTĐ có biến chứng nguy hiểm. Điều này không chỉ làm suy giảm chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn tạo ra gánh nặng và áp lực chi phí lên hệ thống y tế. Tình hình đáng báo động này đòi hỏi phải có hành động thiết thực để quản lý tốt tình trạng ĐTĐ, giúp tiết kiệm chi phí điều trị cho người bệnh, đồng thời giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế.

Cũng theo bác sĩ Trịnh Ngọc Anh, những năm gần đây, y học tiến bộ với phương pháp chẩn đoán sớm, nên việc phát hiện, chăm sóc và điều trị tích cực đã làm thay đổi bệnh cảnh lâm sàng, giảm đáng kể tỷ lệ tử vong do những biến chứng cấp, mãn tính và nhiễm khuẩn ở bệnh nhân ĐTĐ. Trong đó, cùng với kiểm soát đường huyết tốt, phát hiện sớm để quản lý bệnh nhân ĐTĐ, còn cần phải theo dõi điều trị biến chứng cấp tính, mãn tính của bệnh. Đồng thời tăng cường tuyên truyền để mỗi người dân có các biện pháp phòng và điều trị kịp thời những tổn thương, hạn chế tàn phế và tử vong, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đối với bệnh nhân đã bị ĐTĐ, cần thay đổi chế độ dinh dưỡng bằng việc ăn uống lành mạnh, hạn chế tối đa việc ăn quá nhiều đồ ngọt, chiên rán, tăng cường bổ sung thêm chất xơ; hạn chế việc sử dụng mỡ động vật. Cùng với đó, tích cực luyện tập thể dục thể thao hằng ngày như đi bộ, yoga, đạp xe..., sẽ làm giảm lượng đường trong máu, hạ huyết áp và giảm hàm lượng Cholesterol mà cơ thể đang dư thừa.

Chú trọng vệ sinh cơ thể hằng ngày, bởi da của người tiểu đường bị mất chức năng làm ẩm và tái tạo sau tổn thương nên da dễ bị khô, ngứa và nhiễm trùng. Trong đó, chăm sóc bàn chân là việc làm vô cùng quan trọng, đặc biệt là với người cao tuổi. Các tổn thương dễ xảy ra nhưng khó lành lặn, đồng thời người tiểu đường lâu năm thường bị mất cảm giác đau nên đến khi thấy đau thì đã là những tổn thương rất nặng. Vệ sinh cơ thể sạch sẽ bằng việc tắm rửa kỹ lưỡng, vệ sinh răng miệng hằng ngày. Đặc biệt, cần động viên, khuyến khích người bệnh để có tinh thần lạc quan, giảm stress, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Bài, ảnh: Huy Hoàng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/benh-vien-da-khoa-ninh-binh-nang-cao-chat-luong-cham-soc/d20230904181236618.htm