Bệnh viện An Bình nói gì về cái chết của sản phụ 35 tuổi?

Liên quan đến cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Hạnh (35 tuổi, ngụ ở huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) xảy ra tại Bệnh viện An Bình TP.HCM, dư luận cho rằng, người trực tiếp thực hiện ca sinh không có chuyên môn trong lĩnh vực sản khoa đã gây ra cái chết của sản phụ này.

Liệu cái chết của sản phụ Nguyễn Thị Hạnh có phải do sự tắc trách của bác sĩ ở khoa sản, Bệnh viện An Bình, TP.HCM?

Một số ý kiến cho biết, bác sĩ trực tiếp thực hiện ca sinh của chị Hạnh là một người non kinh nghiệm, chỉ là bác sĩ đa khoa, chứ không phải bác sĩ chuyên khoa sản nên đã không biết cách xử lý tình huống khi máu ra nhiều, ồ ạt dẫn đến tử vong.

Tuy nhiên, trao đổi với Một Thế Giới vào chiều 27.8, bác sĩ Nguyễn Xuân Tường, phó giám đốc Bệnh viện An Bình, cho biết bác sĩ Lâm Thị Kim Duyên, người trực tiếp thực hiện ca sinh của sản phụ Hạnh, là một bác sĩ sản khoa thuộc biên chế khoa sản của Bệnh viện An Bình.

Đề cập nguyên nhân dẫn đến băng huyết của chị Hạnh, ông Tường cho rằng, không thể tiên lượng được.“ Băng huyết là 1 trong 5 tai biến sản khoa thường gặp mà các bác sĩ khó có thể tiên lượng. Sản phụ Hạnh sinh lần thứ 3, việc băng huyết sau khi sinh, đối với những sản phụ đa sản (sinh nhiều lần) cũng gặp khá nhiều”,ông Tường nói.

Người thân của sản phụ Nguyễn Thị Hạnh quá bất ngờ và đau đớn trước cái chết của chị.

Cũng theo ông Tường, ngày 17.8, sản phụ Hạnh đến sinh tại đây là ngày ông trực lãnh đạo. Sản phụ Hạnh chỉ sinh thường, ngoài bác sĩ Duyên còn có 5 điều dưỡng trực ở ca sinh này. Sau khi sinh xong, đang lúc may tầng sinh môn, bất ngờ sản phụ này xuất hiện băng huyết.

Khi sự việc xảy ra, khoảng 30 phút sau, bệnh viện đã huy động thêm bác sĩ Thư và bác sĩ Sơn đến để xử lý.

Trong đó, bác sĩ Thư là người làm việc ở khoa sản hơn 20 năm, còn bác sĩ Sơn là trưởng khoa sản của bệnh viện.

Ông Tường cho biết, đây không phải là trường hợp đầu tiên sản phụ bị băng huyết sau sinh xảy ra ở bệnh viện, trước đó đã có những trường hợp khác nên các bác sĩ ở đây nắm được phác đồ điều trị băng huyết sau sinh. Mặc dù vậy, do sản phụ Hạnh bị băng huyết quá nhiều, máu chảy nhanh, ồ ạt, bác sĩ không xử lý kịp.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đặt câu hỏi: sản phụ Hạnh bị băng huyết, nhưng bác sĩ Duyên yêu cầu người nhà mua nước đá để xử lý có nằm trong phác đồ điều trị băng huyết sau sinh không?

Ông Tường thừa nhận: việc dùng nước đá để xử lý băng huyết sản phụ sau sinh là không nằm trong phác đồ điều trị.

“Nhưng tôi chưa nghe nói bác sĩ Duyên sử dụng nước đá để xử lý băng huyết của sản phụ này. Ai nói điều này?”, bác sĩ Tường đặt vấn đề.

Sau khi nghe chúng tôi trả lời, chồng của sản phụ Hạnh cho biết thì bác sĩ Tường lại phân bua: “Trong dân gian việc dùng nước đá là để cầm máu, nên trong trường hợp này có thể dùng thêm nước đá để tác động, giúp tử cung co thêm, giảm ra máu. Hiệu quả của việc làm này cũng chưa thể nói trước được. Tôi cũng chỉ mới nghe báo chí nói bác sĩ dùng nước đá để xứ lý băng huyết cho sản phụ này. Tôi phải kiểm tra lại”.

Nếu nói đến giờ phó giám Bệnh viện An Bình, Nguyễn Xuân Tường vẫn chưa biết và phải kiểm tra lại thì có điều gì đó không ổn. Bởi sự việc này đã xảy ra cả chục ngày, không lẽ chưa báo cáo cụ thể lên ban giam đốc, hơn nữa hôm xảy ra sự việc đó lại là ca trực lãnh đạo của chính bác sĩ Tường.

Bên cạnh đó, trong lý giải về cái chết của sản phụ Hạnh, bác sĩ Tường có cho biết, do bệnh nhân máu chảy quá nhiều, chảy ồ ạt, bác sĩ không xử lý kịp.

Nhưng có lúc, bác sĩ Tường lại nói, bệnh nhân chảy máu quá nhiều, phải truyền đến 3 lít máu, nhưng tử vong là do sốc không phục hồi sau khi mổ.

Vậy bệnh nhân này tử vong là do máu chảy quá nhiều, chảy ồ ạt, bác sĩ không xử lý kịp hay tử vong do sốc không phục hồi sau khi mổ?

Hồ Quang

Nguồn Thanh Niên: http://motthegioi.vn/xa-hoi/benh-vien-an-binh-noi-gi-ve-cai-chet-cua-san-phu-35-tuoi-98350.html