Bệnh tuyến giáp gây hiếm muộn ở phụ nữ

Một trong những nguyên nhân gây hiếm muộn ở phụ nữ là do bệnh tuyến giáp. Dấu hiệu và cách phòng ngừa bệnh lý tuyến giáp như thế nào?

Tuyến giáp nằm phía trước cổ, trọng lượng khoảng 10-20 gram hình dạng như con bướm. Tuyến giáp tuy là tuyến nhỏ (sản xuất hormon) nhưng nó tác động lớn đến sức khỏe tổng thể của con người. Tuyến giáp tiết các hormon thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3), nhận ảnh hưởng điều hòa của hormon TSH từ tuyến yên trên não. T4/T3 có chức năng điều hòa nhiều chuyển hóa trong cơ thể.

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết quan trọng trong cơ thể.Một trong những nguyên nhân gây hiếm muộn ở phụ nữ được xác định là do bệnh lý của tuyến giáp.

Hơn nữa các hormon tuyến giáp còn có tác dụng kích thích sinh trưởng và phát dục vì thế nó có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Các bệnh lý về tuyến giáp phổ biến

Suy giáp

Xảy ra khi tuyến giáp không hoạt động hiệu quả, cơ quan này không tiết đủ hormone cần thiết cho quá trình chuyển hóa của cơ thể. Bệnh suy giáp (nhược giáp, giảm chức năng tuyến giáp) là một dạng bệnh nội tiết, rối loạn chức năng tuyến giáp khiến tuyến giáp không sản sinh đủ hormon như thyroxine, T3, T4 cần thiết cho quá trình kiểm soát trao đổi chất trong cơ thể.

Biểu hiện có thể xảy ra khi suy tuyến giáp là hạ canxi máu hay ảnh hưởng đến hoạt động của tim, hệ thần kinh và điều tiết nhiệt lượng cơ thể. Bệnh dễ nhầm lẫn vì có biểu hiện dễ nhầm với chứng mệt mỏi thông thường.

Bệnh suy giáp phổ biến hơn ở phụ nữ cao tuổi; Rối loạn tự miễn; Tiền sử chiếu bức xạ ở cổ hoặc phần ngực trên; Đã từng phẫu thuật tuyến giáp (hoặc một phần tuyến giáp)

Cường giáp

Đây là tình trạng do tuyến giáp tiết quá nhiều hormon triiodothyronine và thyroxine. Đây là một hội chứng có thể do nhiều bệnh gây ra, phổ biến nhất là bệnh Basedow gây lồi mắt, cường giáp; cường giáp do bướu nhân độc tuyến giáp, viêm tuyến giáp....

Các biểu hiện của bệnh bao gồm: cảm giác tim đập nhanh, mạnh trong lồng ngực, có thể cảm thấy đau ngực, khó thở. Người bệnh thường không chịu được những nơi có nhiệt độ cao hay thời tiết nóng nực. Ngoài ra người bị cường giáp còn bị tăng nhu động ruột nên dễ bị tiêu chảy, run tay chân, sút cân, ra nhiều mò hôi, rối loạn giấc ngủ, mệt mỏi…

Ung thư tuyến giáp

Ung thư tuyến giáp xảy ra khi những tế bào bình thường ở tuyến giáp biến đổi thành những tế bào bất thường và phát triển không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể. Là bệnh nguy hiểm nhưng so với các loại ung thư khác, tỉ lệ chữa khỏi ung thư tuyến giáp cao hơn rất nhiều.

Khi ung thư tuyến giáp có triệu chứng: Khàn tiếng. Nuốt vướng khi u chèn ép vào thực quản. Khó thở khi u xâm lấn vào khí quản. Ở giai đoạn muộn hơn, bạn có thể sờ thấy hạch cổ hoặc các triệu chứng của di căn xa như đau xương trong di căn xương...

Các bệnh tuyến giáp có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của phụ nữ như thế nào?

Hiện nay, có nhiều người đang có vấn đề về tuyến giáp nhưng không biết vì các triệu chứng bệnh lý của tuyến giáp không có gì đặc biệt. Hơn nữa, người có bệnh ở tuyến giáp không biết rằng mình đang phải đối mặt với nhiều bệnh khác.

Bệnh tuyến giáp không được chẩn đoán và không được điều trị có thể là một nguyên nhân gây vô sinh hoặc sẩy thai thường xuyên. Khi tuyến giáp hoạt động không tốt sẽ gây ra tình trạng nhược năng tuyến giáp (suy giảm chức năng tuyến giáp) hoặc cường tuyến giáp (tuyến giáp hoạt động quá mạnh). Suy giảm chức năng tuyến giáp (suy tuyến giáp) khiến tuyến giáp không sản xuất đủ các kích thích tố quan trọng nhất định. Mức độ hormon tuyến giáp thấp có thể cản trở sự rụng trứng, làm suy yếu khả năng sinh sản của người phụ nữ.

Ngoài ra, progesterone đóng vai trò rất quan trọng trong việc chuẩn bị nội mạc tử cung cho trứng thụ tinh. Khi progesterone bị thiếu, trứng sẽ khó thụ tinh với tinh trùng hơn nên sẽ tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn…Những phụ nữ mắc các triệu chứng tiền kinh nguyệt (trầm cảm, kích thích, lo âu, căng vú, đầy bụng hay đau bụng, đau đầu, căng tứ chi…) thường có chức năng tuyến giáp kém hơn so với những người khác. Tuyến giáp ảnh hưởng đến khả năng sản xuất ra progesterone của buồng trứng, khi chức năng tuyến giáp kém, progesterone được sản xuất ra ít hơn, dẫn đến các triệu chứng tiền kinh nguyệt.

Phòng ngừa và hạn chế bệnh lý tuyến giáp

Việc phòng ngừa mắc các bệnh lý về tuyến giáp quan trọng, nhất là đối với phụ nữ trung niên. Bạn cần thực hiện:

Chế độ ăn uống hợp lý, đa dạng. Ăn nhiều rau xanh, trái cây để cân bằng hormone tuyến giáp. Hạn chế ăn đồ chiên xào, nhiều dầu mỡ.
Phụ nữ mang thai nên bổ sung i ốt để duy trì chức năng tuyến giáp. Bởi trong tuần đầu của thai kỳ, trẻ hoàn toàn phụ thuộc vào chức năng tuyến giáp của người mẹ.
Tập thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch.
Thực hiện ngủ sớm, đúng giờ, không thức khuya.
Không sử dụng rượu bia, các chất kích.
Khám sức khỏe định kỳ.

Bs. Đỗ Thanh Huy

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/benh-tuyen-giap-gay-hiem-muon-o-phu-nu-169230719210714007.htm