Bệnh tắc động mạch mạn tính chi dưới

Bệnh tắc động mạch mạn tính của các chi chiếm tỷ lệ 12-14% trong dân số chung, gặp ở 20% những người tuổi trên 70 và thường biểu hiện triệu chứng ở giai đoạn muộn. Người bệnh có thể đối diện với nguy cơ đoạn chi, đột quỵ và biến cố động mạch vành…

Phẫu thuật can thiệp bệnh tắc động mạch mạn tính chi dưới

Bệnh dễ nhầm lẫn

Tắc động mạch mạn tính (TĐMMT) chi dưới là tình trạng một động mạch nào đó cung cấp máu cho chi dưới bị hẹp hay bị tắc hoàn toàn, làm giảm hoặc không có máu đến nuôi chi dẫn đến tổn thương và hoại tử chi.

Mới đây, một bệnh nhân nữ 40 tuổi đến khám ở Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM trong tình trạng động mạch chi dưới bị tắc hẹp 95%. Chị nhập viện vì có triệu chứng tím và tê các đầu ngón chân. Ban đầu, chị nhầm tưởng đó là bệnh lý da liễu nên đi khám và điều trị theo phác đồ bệnh da liễu trong suốt một thời gian dài. Với tình trạng bệnh lý này, các bác sĩ đã quyết định can thiệp bằng cách đặt stend vào động mạch, giải quyết tình trạng thiếu máu chi.

Một ca bệnh khá đặc biệt là ông cụ M.V.H (104 tuổi, ngụ Bạc Liêu) được đưa vào Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM cấp cứu ở trong tình trạng đau chân trái dữ dội. Hình chụp mạch máu cho thấy các động mạch chân trái bị tắc hoàn toàn từ ngang gối trở xuống. Bệnh nhân được chẩn đoán thiếu máu chi nguy kịch do tắc các động mạch nuôi chân cấp tính trên nền bệnh động mạch mạn tính do xơ vữa. Các bác sĩ đã chọn giải pháp phẫu thuật lấy huyết khối và bắc cầu động mạch bằng tĩnh mạch hiển tại chỗ.

Th.S, BS Trần Minh Bảo Luân - Đơn vị Phẫu thuật Mạch máu, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, giai đoạn sớm của bệnh TĐMMT chi dưới có triệu chứng rất nghèo nàn và thường dễ nhầm lẫn với bệnh khác. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là tình trạng đau, thường là ở bắp chân và khập khiễng cách hồi. Người bệnh sau khi đi bộ được một đoạn đường thì cảm thấy đau hay có cảm giác chân bị bó chặt. Triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với đau do thoái hóa cột sống thắt lưng hay thoát vị đĩa đệm. Vì vậy, người bệnh ở giai đoạn này thường không được chẩn đoán và điều trị chính xác.

Giai đoạn trễ hơn, người bệnh có thể đau chân thường xuyên và liên tục ngay cả khi nghỉ ngơi, đặc biệt cơn đau thường nặng vào lúc giữa khuya hay rạng sáng. Khi thả lỏng chân, cơn đau có thể dịu hơn nên người bệnh thường mất ngủ hoặc ngủ trong tư thế ngồi thõng chân. Muộn hơn nữa, phần xa của chi (các ngón chân hoặc bàn chân) sẽ có những vết loét hay hoại tử xuất hiện tự nhiên làm người bệnh hay nhầm lẫn với các bệnh về da liễu. Phần chi hoại tử nếu không được điều trị kịp thời sẽ hoại tử tăng dần và lan đến cằng chân hoặc thậm chí cả vùng đùi.

Các triệu chứng khác bao gồm: Đau bó chặt ở háng, đùi hay các cơ bắp chân sau hoạt động như đi lại hay leo cầu thang; Thay đổi màu sắc và nhiệt độ – xanh tím và lạnh so với chân kia; Chứng nghiệm Buerger: tái nhợt khi dơ cao chân và hồng lại khi đổi sang ngồi; Rụng lông và chậm dài các móng ở bên chi bị bệnh; Tê bì hay yếu cẳng chân; Mạch cổ chân - bàn chân yếu hoặc không bắt được; Các dấu hiệu của thiếu máu chi trầm trọng ở giai đoạn muộn: các ổ loét ở bàn chân - cẳng chân do suy động mạch, đau, chậm lành hoặc không lành, và hoại thư ở các đầu ngón lan dần lên cao.

Người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh cao nhất

Theo thống kê, bệnh TĐMMT các chi có triệu chứng lâm sàng tăng theo tuổi và chỉ một thiểu số là phải can thiệp phục hồi mạch (khoảng 7%) hay cắt đoạn chi (khoảng 4%). Trong khi đó, những người mắc bệnh TĐMMT có nguy cơ đặc biệt cao về đột quỵ và biến cố động mạch vành, có tỷ lệ tử vong - 5 năm ước tính là 30% (so với 10% ở nhóm chứng). Bệnh kết hợp nhiều nhất với đái tháo đường, gặp ở 1/3 số người đái tháo đường tuổi trên 50. Năm 2010, trên thế giới có khoảng 202 triệu người mắc BTĐMMT của các chi. Năm 2013, số tử vong vào khoảng 41.000 người (so với năm 1990 – khoảng 16.000 người).

Những người hút thuốc; bệnh nhân đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh TĐMMT cao nhất. Bên cạnh đó, bệnh thường rơi vào các đối tượng như: bệnh nhân béo phì; cao huyết áp; cholesterol cao. Tất cả những người tuổi 50-69 và có nguy cơ bệnh tim mạch (nhất là đái tháo đường, hút thuốc); tuổi dưới 50 kèm các nguy cơ khác của xơ - mỡ; trong gia đình có người bị bệnh TĐMMT, bệnh tim hay đột quỵ; người được biết là có xơ - mỡ động mạch vành, động mạch cảnh, hay bệnh động mạch thận...

Theo BS Trần Minh Bảo Luân, để phòng bệnh, cách tốt nhất là giữ được nếp sống lành mạnh, kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ và nhất là việc giữ gìn bàn chân (Rửa chân hàng ngày, giữ khô hoàn toàn và đề phòng các vết nứt dễ đưa đến nhiễm trùng; Mang giày vừa khít, dày, khô ráo; Cẩn thận khi cắt móng chân; Không để chân trần khi đi lại). Cần lưu ý tránh dùng một số thuốc chữa cảm lạnh trong có chứa pseudoephedrine, gây co mạch làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh. Khi có dấu hiệu đầu tiên của đau hay tổn thương ở da, bệnh nhân nên đến khám ngay.

Khương Quỳnh

Clip một ca đặt stend can thiệp bệnh TĐMMT chi dưới

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/y-duc-y-nghiep/benh-tac-dong-mach-man-tinh-chi-duoi-511851.bld