Bệnh nhân ung thư mới được điều trị có nguy cơ tử vong cao khi mắc COVID-19

Theo một nghiên cứu mới đây đăng trên tạp chí JAMA Oncology, người mới được điều trị ung thư trong vòng 3 tháng có nguy cơ tử vong cao nhất khi mắc COVID-19.

Nghiên cứu do nhóm chuyên gia từ Trung tâm Ung thư thuộc Đại học Texas, Mỹ, thực hiện trên 507.307 bệnh nhân COVID-19. Độ tuổi trung bình của bệnh nhân là 48,4, trong đó có 281.165 phụ nữ (55,4%).

Bệnh nhân được chia thành 3 nhóm: Nhóm đối chứng (người không mắc ung thư), bệnh nhân mới được điều trị ung thư và bệnh nhân ung thư không được điều trị.

Người bị ung thư được khuyến cáo tiêm vaccine COVID-19 sớm để giảm nguy cơ lây nhiễm, nhập viện và tử vong

Kết quả nghiên cứu cho thấy, người mới được điều trị ung thư bằng bất kỳ phương pháp nào trong vòng 3 tháng đều có nguy cơ tử vong cao hơn 74% nhóm còn lại. Nguy cơ phải nhập viện, vào phòng hồi sức cấp cứu (ICU) của họ cũng cao hơn 69% người không bị ung thư. Người bệnh được chữa bằng hóa trị có nguy cơ mắc COVID-19 cao nhất.

Đáng chú ý là nguy cơ nhập viện khi mắc COVID-19 ở người bị ung thư chưa được điều trị lại thấp hơn nhóm đã được điều trị. Những bệnh nhân không được điều trị ung thư có nguy cơ tử vong, thời gian nằm ICU tương tự người không bị ung thư, nhưng nguy cơ thở máy, nhập viện lại thấp hơn.

Từ đó, các tác giả cho rằng ngành y tế cần xây dựng phác đồ riêng cho từng bệnh nhân ung thư mắc COVID-19, tùy thuộc phương pháp điều trị mà họ nhận được gần đây.

Nhóm tác giả cũng nhận thấy các yếu tố bất lợi là: Tuổi cao, giới tính nam, bệnh lý đi kèm, chủng tộc, béo phì đều có liên quan đến nguy cơ bệnh nặng trong nghiên cứu này.

Các chuyên gia cũng đưa ra một số giả định khi các tế bào bạch hầu giúp chống lại nhiễm trùng của cơ thể thấp hoặc không hoạt động đủ, khả năng chống lại tình trạng viêm nhiễm cũng giảm sút. Việc hóa trị hay xạ trị có thể làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể. Kết quả là các bệnh nhân ung thư đang được điều trị tích cực có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn.

Ngoài ra, những người mắc ung thư máu, bạch hầu, ung thư hạch và đa u tủy, có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn nhóm còn lại. Ung thư máu thường làm gián đoạn quá trình sản xuất bình thường của các tế bào miễn dịch. Tương tự, COVID-19 thường tấn công vào phổi, những người mắc ung thư phổi cũng có tỷ lệ gặp triệu chứng nghiêm trọng cao hơn so với nhóm còn lại.

Một nghiên cứu khác đăng trên tạp chí Cancer mới đây cũng cho thấy, những bệnh nhân nhập viện do bệnh ung thư có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao. Tỷ lệ tử vong tại bệnh viện do COVID-19 khoảng 34% ở bệnh nhân đang bị ung thư; trong đó, những người bị bệnh ung thư máu có nguy cơ tử vong do COVID-19 cao nhất.

Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã xếp người bị ung thư vào nhóm dễ tổn thương khi mắc COVID-19. Những người này thường có hệ miễn dịch suy yếu do tình trạng bệnh lý hoặc quá trình điều trị.

Do đó, WHO cũng như giới chức y tế nhiều nước đều khuyến cáo người bị ung thư nên được ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 để giảm nguy cơ lây nhiễm, nhập viện và tử vong.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/benh-nhan-ung-thu-moi-duoc-dieu-tri-co-nguy-co-tu-vong-cao-khi-mac-covid-19-post164255.html