Bệnh 'ngáo' quyền lực trên mạng và những hệ lụy

Họ đều là những trí thức, nhà báo và luật sư, thậm chí vừa là nhà báo vừa là luật sư hoặc những người có uy tín trên cộng đồng mạng. Mỗi status hay mỗi lần livestream của họ có hàng trăm nghìn người theo dõi, bình luận, tung hô. Có lẽ vì thế mà họ sớm bị ảo tưởng về một thứ quyền lực trên mạng, rằng mỗi khi mình lên tiếng về một vấn đề nào đó, là đương nhiên sẽ có nhiều người ủng hộ, không cần biết đúng hay sai.

Tồn tại quá lâu trong một thế giới ảo đầy rẫy những lời ca tụng, họ càng ngày càng "ngáo quyền lực". Lên mạng có hàng nghìn người ủng hộ, thế nhưng khi đối diện với cơ quan điều tra, họ chỉ có một mình.

Luật sư Đặng Anh Quân nghe đọc lệnh bắt giữ.

1.Lúc đó họ mới nhận ra, hóa ra cái mà họ tưởng là quyền lực lâu nay chỉ là thứ ảo giác đánh lừa. Để rồi khi bị bắt vì tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" thì mọi thứ đã quá muộn màng. Mấy hôm nay, khi thông tin nhà báo, luật sư Hàn Ni (Đặng Thị Hàn Ni, 46 tuổi, ngụ quận 7), Tiến sĩ, luật sư Đặng Anh Quân (45 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, giảng viên Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh) và luật sư Trần Văn Sỹ (66 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) bị bắt vì tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", nhiều người không hề bất ngờ, bởi đó là kết quả được dự đoán từ trước.

Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, bà Phương Hằng và nhà báo Hàn Ni từng livestream và cả hai đều có đơn tố cáo đối phương bịa đặt, xúc phạm danh dự, uy tín của mình. Vụ việc lùm xùm giữa hai cá nhân này xuất phát từ các buổi livestream của bà Hằng trong năm 2021.

Cùng thời gian này, bà Hàn Ni cho rằng việc bà Nguyễn Phương Hằng tổ chức livestream có dấu hiệu vi phạm pháp luật, xâm phạm đời tư cá nhân. Đáp lại, bà Nguyễn Phương Hằng liên tục livestream, mổ xẻ đời tư cá nhân của bà Hàn Ni và thậm chí còn tổ chức livestream, lôi kéo nhiều người đến cơ quan và nơi ở của bà này, gây ồn ào suốt một thời gian.

Nhưng song song với việc gửi đơn tố cáo hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng, bà Hàn Ni lại sử dụng mạng xã hội, Youtube để đăng tải một số nội dung thông tin, video liên quan đến cá nhân bà Hằng cùng quỹ từ thiện Hằng Hữu. Nói một cách khác, bà Hàn Ni lại dùng một cái sai khác để đấu tranh với cái sai của bà Phương Hằng.

Trong khi đó, ông Trần Văn Sỹ, nguyên là Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Vĩnh Long đã dùng kênh Youtube là "LS Trần Văn Sỹ" với hơn 124.000 người theo dõi để tham gia vào vụ việc.

Trên kênh Youtube cá nhân của mình, ông Sỹ thường xuyên chia sẻ nhiều thông tin vụ việc liên quan đến bà Nguyễn Phương Hằng, ông Huỳnh Uy Dũng cùng ông Nguyễn Quang Tuấn (con trai bà Hằng) và Công ty CP Đại Nam.

Luật sư - nhà báo Đặng Thị Hàn Ni nghe đọc lệnh bắt giữ.

Trước thời điểm bị khởi tố, bắt tạm giam chỉ 1 ngày, vào ngày 23/2/2023, ông Sỹ còn đăng tải lên kênh Youtube của mình một video có thời lượng hơn 38 phút, chia sẻ ý kiến cá nhân về việc giám định tâm thần đối với bà Nguyễn Phương Hằng và suy diễn về những tình tiết xung đột có liên quan.

Còn Tiến sĩ luật - giảng viên Đặng Anh Quân được biết đến là khách mời xuất hiện nhiều nhất trong các livestream của bà Nguyễn Phương Hằng và là ''cố vấn pháp lý'' cho bà Hằng. Ông Đặng Anh Quân đã có những phát ngôn, bình luận, cùng tương tác với bà Nguyễn Phương Hằng về những nội dung xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của nhiều cá nhân. Hành vi của ông Đặng Anh Quân là giúp sức tích cực cho bà Nguyễn Phương Hằng thực hiện hành vi phạm tội liên tục, nhiều lần trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm phức tạp tình hình trên không gian mạng, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội.

2.Cách đây không lâu, Đặng Như Quỳnh, một Kols được coi là người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã bị tuyên án 2 năm tù vì tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân". Theo cáo trạng, đầu tháng 4/2022, nghe ngóng thông tin một số lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính, bất động sản bị xử lý, Đặng Như Quỳnh không có thông tin chính xác song vẫn suy diễn, đăng lên Facebook việc ông Đỗ Anh Dũng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh) bị xử lý hình sự. Bài đăng được hàng nghìn người chia sẻ, tương tác. Ngày 5/4/2022, khi các cơ quan tố tụng công bố thông tin chính thức, Đặng Như Quỳnh chỉnh sửa bài viết để định hướng người đọc tin là bản thân biết trước thông tin.

Khi biết thông tin do mình đăng được nhiều người tiếp cận, Đặng Như Quỳnh tiếp tục tự suy diễn về việc cơ quan chức năng sẽ điều tra ông Nguyễn Văn Tuấn là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Tập đoàn Gelex (mã chứng khoán GEX) kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Viglacera - Công ty Cổ phần (mã chứng khoán VGC). Theo đó, Đặng Như Quỳnh đăng 2 bài viết có nội dung sai sự thật, kèm hình ảnh ông Nguyễn Văn Tuấn, về việc cơ quan tố tụng sẽ khởi tố, điều tra, bắt tạm giam ông Tuấn. Việc này khiến nhiều nhà đầu tư hoang mang, liên tục bán tháo khiến các mã chứng khoán nói trên liên tục giảm sàn. Vốn hóa của các mã chứng khoán này cũng giảm hàng nghìn tỷ đồng.

Các bên liên quan và một số nhà đầu tư chứng khoán gửi đơn tố giác Đặng Như Quỳnh. Các nguyên đơn cho rằng việc làm của Đặng Như Quỳnh ảnh hưởng xấu đến thương hiệu, hình ảnh và hoạt động của doanh nghiệp, cũng như giá của các cổ phiếu, làm thiệt hại tài sản của nhà đầu tư.

Ngày 13/4/2022, Đặng Như Quỳnh bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an bắt khẩn cấp về hành vi “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Đều là những người hiểu biết, thậm chí là những tiến sĩ Luật học, nhưng không hiểu sao những người như ông Quân, bà Hàn Ni, ông Sỹ, ông Quỳnh… lại có thể "ấu trĩ" dựng chuyện, bịa đặt, thông tin, vu khống người khác công khai trên mạng xã hội như vậy. Điều này chỉ có thể giải thích bằng sự "ảo tưởng quyền lực". Nhiều facebooker hay youtuber có lượng người theo dõi đông đảo, họ nghiễm nhiên cho mình là người có quyền lực trên mạng xã hội dẫn đến ảo tưởng sức mạnh bản thân, có người livestream sẵn sàng mạt sát, công kích cá nhân kể cả trẻ em, đồng nghiệp, nhãn hàng, tổ chức, cơ quan Nhà nước nếu như không được đối xử hay cung cấp dịch vụ vừa ý. Nhiều người đăng bài quy chụp, vu khống, khi phát hiện thông tin sai thì âm thầm xóa bài, không một lời xin lỗi, giải thích.

Xu thế chửi bới, bôi nhọ, "bóc phốt", tấn công cá nhân trên không gian mạng là những biểu hiện "lệch chuẩn", đang thu hút một lượng lớn người theo dõi, lấn át các thông tin quan trọng của đất nước, của đời sống xã hội.

Đây là sự thách thức tiềm ẩn đối với thể chế, khi một số lượng lớn những người theo dõi trở thành "fan cuồng" có thể quay ra "tấn công" các cơ quan Nhà nước bằng nhiều hình thức.

Mạng xã hội là ảo nhưng hậu quả, hệ lụy mà nó mang lại là thật với những người lợi dụng mục đích tốt để thực hiện hành vi xấu. Không thể phủ nhận sức hút của mạng xã hội với những lời khen "có cánh" từ hàng trăm, hàng nghìn người xa lạ thì ai cũng có thể trở thành "người nổi tiếng", thế nhưng hãy tỉnh táo khi sử dụng chúng, đừng vì "mờ mắt, ù tai" mà tự cho mình là "người hùng trên mạng" và đứng ngoài pháp luật.

Pháp luật cho phép tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm, thái độ, ý kiến của công dân. Tuy nhiên, quyền tự do đó phải trong khuôn khổ pháp luật. Muốn làm người nổi tiếng trên mạng xã hội không có gì là sai, nhưng phải theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước những phát ngôn, hành vi của mình, nếu không, cái giá phải trả là rất đắt!

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/benh-ngao-quyen-luc-tren-mang-va-nhung-he-luy-i685372/