Bệnh não Wernicke

Bệnh não Wernicke là một rối loạn khởi phát cấp tính, chủ yếu do thiếu vitamin B1, thường được xuất hiện ở những bệnh nhân nghiện rượu mặc dù nó không bị giới hạn ở nguyên nhân này.

Cạn kiệt vitamin B1 có thể xảy ra trong những tình trạng ít phổ biến khác, bao gồm việc bị ép buộc hoặc tự nhịn đói, suy dinh dưỡng do chế độ ăn uống không đầy đủ hoặc kém hấp thu, những tình trạng liên quan đến hiện tượng nôn mửa kéo dài, suy thận mạn tính.

Biểu hiện của bệnh (chỉ 1/3 số bệnh nhân cấp tính có 3 đặc điểm này):

Sự bất thường ở mắt: rung giật nhãn cầu theo chiều ngang và tê liệt các cơ. Cần lưu ý những bất thường dù ít xảy ra như phản xạ giác mạc chậm, sa mi mắt, đồng tử không đều.

Tình trạng lú lẫn được đặc trưng bởi: lãnh cảm, nhận thức kém đối với các tình huống xảy ra ngay lập tức. Mất định hướng về không gian, giảm chú ý, không có khả năng tập trung.

Nghiện rượu có thể gây bệnh não Wernicke.

Mất điều hòa, mất cân bằng có thể được nhận thấy trong giai đoạn đầu của bệnh này và là do rối loạn tiền đình; Mất điều hòa trên diện rộng cũng được nhận thấy trong các giai đoạn bán cấp và mạn tính của bệnh là do rối loạn chức năng tiểu não, có thể một mình hoặc kết hợp với rối loạn tiền đình.

Những triệu chứng có liên quan khác bao gồm giảm thân nhiệt, hạ huyết áp, có thể được thêm vào 3 đặc điểm trên và được cho là kết quả từ sự tham gia của vùng dưới đồi. Sự kích động, gây gổ, ảo giác và những dấu hiệu tăng động thái quá cũng được xem xét.

Bên cạnh đó, bệnh não Wernicke cần phát hiện từ hiện tượng mê sảng cấp tính thứ phát do thiếu ôxy, tăng CO2 và nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương. Dáng đi mất cân bằng có thể do nhồi máu tiểu não. Rối loạn thị giác cũng thể do viêm mạch máu hoặc nhồi máu. Mặc dù tình trạng hôn mê tương đối hiếm nhưng chúng có thể là biểu hiện duy nhất của bệnh não Wernicke và có thể gây tử vong nếu không được điều trị.

Dự phòng và điều trị

Điều trị cấp cứu: Do bản chất và biểu hiện của bệnh não Wernicke và những khó khăn trong việc đưa ra phát hiện bệnh, quá trình điều trị cần được tiến hành với tất cả các bệnh nhân, những người phụ thuộc vào rượu và những người có nguy cơ bị suy dinh dưỡng cao.

Tiêm bắp vitamin B1. Sau lần tiêm đầu tiên, liều vitamin B1 hàng ngày 50 - 100mg, tiêm bắp hoặc uống phụ thuộc vào tình trạng bệnh nhân.

Bổ sung điện giải, đặc biệt là magie và kali nếu cần thiết.

Bổ sung vitamin tổng hợp nếu bệnh nhân bị suy dinh dưỡng mạn tính.

Cần lưu ý rằng việc truyền glucose cho bệnh nhân bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng có thể làm cạn kiệt nguồn vitamin B1 và có thể gây ra bệnh não Wernicke. Do vậy, bổ sung vitamin B1 nên được bắt đầu trước khi cho truyền glucose.

Chế độ ăn uống cân bằng nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Bổ sung vitamin và điện giải cần được xem xét cùng với chế độ ăn cân bằng ban đầu; việc bổ sung có thể giảm dần nếu bệnh nhân tiếp tục ăn uống bình thường và cải thiện các triệu chứng.

Việc xuất hiện dáng đi bất thường đòi hỏi phải có trợ giúp trong suốt giai đoạn đầu điều trị. Bệnh nhân có thể cần vật lý trị liệu để được hỗ trợ đi lại. Dáng đi bất thường có thể là vĩnh viễn, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của những biểu hiện ban đầu và sự kịp thời của liệu pháp điều trị.

Vì việc sử dụng rượu lâu dài là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh não Wernicke nên việc kiêng uống rượu sẽ mang lại kết quả điều trị tốt nhất.

PGS.TS. Cao Tiến Đức

Nguồn SK&ĐS: http://suckhoedoisong.vn/benh-nao-wernicke-n135918.html