Bệnh khảm lá sắn phát sinh gây hại

Thời gian gần đây, bệnh khảm lá sắn (KLS) xuất hiện và gây hại cho nhiều diện tích sắn của bà con nông dân huyện Bố Trạch. Cây sắn nhiễm bệnh, lá có những đốm vàng. Đối với những cây bệnh nặng lá bị xoăn và biến dạng. Hiện, cây sắn đang trong thời kỳ sinh trưởng nhưng tình trạng cây nhiễm bệnh khiến nhiều hộ nông dân lo ngại mùa sắn năm nay năng suất sẽ giảm mạnh.Nông dân huyện Bố Trạch trồng khoảng 4.689,8ha sắn, trong đó, nhiều diện tích sắn sử dụng giống cũ đang bị nhiễm bệnh KLS. Để phòng trừ bệnh, huyện đã tiến hành trồng một số giống sắn kháng bệnh như HN1, các giống sắn lấy từ Quảng Trị với tỷ lệ kháng bệnh từ 90-95%. Hiện các giống sắn này đang phát triển tốt.

Xuất hiện ở nhiều diện tích

Sắn được xem là một trong những cây trồng chủ lực giảm nghèo của bà con nông dân ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, tình trạng bệnh KLS đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng ở nhiều địa phương, đe dọa đến chất lượng, năng suất sắn của bà con.

Sau đợt khô hạn do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiều diện tích sắn của người dân xã Tây Trạch bị ảnh hưởng. Cây sắn phát triển chậm, lá khô và nhỏ hơn so với những mùa trước. Không chỉ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, nhiều diện tích sắn nơi đây còn xuất hiện tình trạng bệnh KLS. Bà Nguyễn Thị Thương, thôn Cồn Mít, xã Tây Trạch cho biết: Gia đình tôi trồng gần 3ha sắn. Tầm cuối tháng 4, đợt nắng nóng kéo dài đã khiến một số diện tích sắn bị cháy lá. Chưa kịp hồi phục sau đợt khô hạn thì bây giờ sắn lại nhiễm bệnh. Lá sắn xuất hiện các đốm vàng rồi xoăn tít ở đọt. Với tình trạng này thì năng suất sắn năm nay sẽ bị giảm mạnh.

Vừa làm cỏ cho sắn, bà Nguyễn Thị Nhiên, xã Tây Trạch vừa cho hay, nhà bà có gần 4 sào sắn, mọi năm cây phát triển tốt và cho năng suất cao. Vậy nhưng năm nay, sắn bị xoăn lá gần hết. Cây sắn bị hạn cộng thêm dịch bệnh thì còi cọc, phát triển rất chậm.

Bệnh khảm lá sắn lây lan nhiều, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

Bệnh khảm lá sắn lây lan nhiều, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng.

Cách đó không xa, tại xã Nam Trạch, một trong những địa phương có diện tích trồng sắn lớn nhất của huyện Bố Trạch, tình trạng bệnh KLS cũng xuất hiện ở hầu hết các cánh đồng sắn của bà con nông dân. Đang bón phân cho ruộng sắn của gia đình, chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, thôn Đông Thành lo lắng: “Năm ngoái, cây sắn cũng đã bắt đầu xuất hiện tình trạng lá bị đốm vàng và xoăn, nhưng diện tích bị nhiễm bệnh còn ít. Tuy nhiên năm nay, tình trạng bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn. Nhà tôi trồng hơn 2ha sắn thì tất cả đều bị nhiễm bệnh. Năng suất năm nay có thể giảm mạnh so với mọi năm. Về giống sắn đang trồng, gia đình tôi sử dụng lại giống cũ năm ngoái nhưng không nghĩ năm nay sắn lại nhiễm bệnh nặng và nhiều đến như vậy”. “Bây giờ 10 nhà trồng sắn thì hầu như nhà nào cũng bị nhiễm bệnh. Sắn bị bệnh có thể là do giống. Vì nhà nào mua giống sắn mới thì không bị, còn dùng lại giống sắn cũ thì bị nhiễm bệnh gần hết”, chị Hằng cho biết thêm.

Xuống giống từ cuối tháng 1 dương lịch, tuy nhiên đến nay sau hơn 4 tháng, toàn bộ diện tích hơn 1 mẫu sắn của gia đình bà Võ Thị Luyến phát triển chậm hơn mọi năm. “Từ khi sắn ra lá là đã bị xoăn như vậy rồi. Toàn bộ diện tích hơn 1 mẫu đều bị xoăn lá và đọt. Bệnh xuất hiện từ năm ngoái với diện tích không đáng kể nhưng cũng ảnh hưởng và làm giảm năng suất sắn từ 1,5 tấn/ha xuống còn 1,2 tấn/ha. Năm nay, diện tích nhiễm bệnh nhiều thế này thì tôi sợ sắn không có củ”, bà Nguyễn Thị Luyến, thôn Đông Thành chia sẻ.

Nguy cơ giảm năng suất

Hiện nay, bệnh KLS đang có nguy cơ lây lan diện rộng ở các địa phương. Chỉ tính riêng tại xã Nam Trạch, diện tích sắn bị nhiễm bệnh KLS đã lên đến hàng trăm ha. Ông Võ Tuấn Trình, Chủ tịch UBND xã Nam Trạch cho biết: Hiện, toàn xã có tổng diện tích trồng sắn là 397ha, trong đó diện tích trồng lại giống sắn cũ là 367ha, số diện tích sắn bị nhiễm bệnh KLS chiếm khoảng 70% diện tích. Bệnh KLS đã bắt đầu xuất hiện từ năm 2023, nhưng chỉ xảy ra ở một số diện tích nhỏ. Theo người dân, năm ngoái năng suất sắn cũng không ảnh hưởng nhiều nên nhiều hộ vẫn chủ quan sử dụng lại giống cũ là KM94. Tuy nhiên năm nay, bệnh KLS xuất hiện nhiều và có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất sắn. Để phòng trừ và ngăn chặn bệnh KLS, xã sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu về tác hại của bệnh KLS và hướng dẫn người dân sử dụng giống mới cho vụ sau.

Cũng theo ông Trình, năm ngoái xã đã có công văn thông báo đến các thôn và bà con nhân dân không sử dụng giống sắn cũ, đồng thời xã cũng đã tổ chức lấy giống mới ở Quảng Trị về trồng thay thế, nhưng số lượng bà con đăng ký giống mới quá ít. Chính vì vậy, số diện tích sắn trồng giống mới chỉ đạt 30%. Các diện tích trồng giống mới phát triển khỏe mạnh, hoàn toàn không bị bệnh.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bố Trạch Nguyễn Cẩm Long cho biết: vụ sắn năm nay, bệnh KLS tiếp tục phát sinh, gây hại mạnh. Nhiều diện tích sắn bị bệnh sinh trưởng kém, nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng rất lớn. Bệnh do loại bọ phấn trắng gây hại. Để hạn chế ảnh hưởng của bệnh KLS gây thiệt hại cho bà con nông dân, huyện đã hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện các biện pháp, như: Tăng cường chăm sóc, làm cỏ, bón phân giúp cây tăng khả năng sinh trưởng, phát triển; phát hiện cây nhiễm bệnh để tiêu hủy và phun thuốc bảo vệ thực vật; đưa giống mới có tỷ lệ kháng bệnh cao vào sử dụng; thực hiện chuyển đổi cây trồng ở các ruộng bị nhiễm bệnh...

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/kinh-te/202405/bo-trach-benh-kham-la-san-phat-sinh-gay-hai-2218224/