Bệnh gút biến chứng nặng đang gia tăng nhanh

Từ khi Viện Gút (TP.HCM) thành lập (năm 2008) đến nay đã ghi nhận có hơn 40.000 bệnh nhân mắc bệnh gút. Số lượng nhiều, đến từ các vùng miền, các lứa tuổi.

Bệnh gút (gout) là bệnh viêm khớp gây ra do sự lắng đọng các tinh thể muối urat tại các khớp. Nguyên nhân bệnh do cơ thể bỗng dư axít uric không đào thải hết qua thận, khiến axit uric tăng trong máu, lâu ngày tích tụ tinh thể muối urat tại các khớp, gây nên những cơn đau cấp.

Bệnh nhân gút với những biến chứng nặng nề

Gút từng được xem là “bệnh của nhà giàu” vì cho rằng chỉ nhà giàu mới có điều kiện ăn nhiều thực phẩm giàu đạm. Nhiều người còn ngộ nhận bệnh của các ông nhậu khi biết danh sách thực phẩm phải tuyệt đối kiêng khem là thịt đỏ (bò, cừu, dê), tôm, hàu, nội tạng động vật… Hoặc trước nay, người ta khoanh vùng đối tượng dễ bị mắc bệnh gút là nam giới trung niên và nữ giới ở độ tuổi sau mãn kinh. Tuy nhiên, thực tế bệnh nhân mắc bệnh này có rất nhiều người là phụ nữ, không ít bệnh nhân nhà nghèo, thậm chí có bệnh nhân ăn chay trường.

Theo BS Phạm Ngọc Nhữ, Giám đốc phòng khám Đa khoa Viện Gút (TP.HCM) cho biết, điều nguy hiểm của bệnh gút là dần dẫn đến các bệnh liên quan như tim mạch, huyết áp, thận, mỡ máu, suy chức năng gan thận, và khi các bướu tofi biến chứng “ăn mòn” làm tiêu các khớp xương, khiến người bệnh tàn phế.

Ông Nguyễn Đình Quang, Chủ tịch Viện Gút (TP.HCM) cho biết, từ khi Viện Gút thành lập (năm 2008) đến nay, đã ghi nhận có hơn 40.000 bệnh nhân mắc bệnh gút. Số lượng nhiều, đến từ các vùng miền, các lứa tuổi và các tầng lớp kinh tế.

Nói về dấu hiệu bị bệnh gút, BS Ngọc Nhữ nhấn mạnh: Dấu hiệu đầu tiên cho biết bị gút là xuất hiện cơn đau kinh hoàng tại khớp. Nhiều người lầm tưởng bị viêm khớp vì đau ở khớp. Tuy nhiên, dấu hiệu rõ nhất là bệnh gút thường đau ở ngón chân (hoặc tay) cái, mặc dù nó có thể xảy ra ở các khớp khác như khớp gối, cổ tay, khuỷu tay, khớp ngón tay… Sau 5 - 10 ngày thì các cơn đau lui dần và sẽ tái phát tùy chế độ dinh dưỡng và lối sống của người bệnh.

BS Ngọc Nhữ cho biết thêm, trước đây chỉ thấy bệnh nhân gút trên 40 tuổi, nay thì khá nhiều người trẻ, trong đó bệnh nhân bị gút trẻ nhất sinh năm 1996, quê ở Cần Thơ. Bệnh nhân bị gút có bướu tofi trẻ nhất sinh năm 1991, cũng ở Cần Thơ.

Theo BS Ngọc Nhữ cho biết, 30% lượng bệnh nhân đến viện gút trong tình trạng bị bướu tofi khá nặng. Nhiều bệnh nhân đã không đi lại được, có người bị tiêu các khớp xương tay, chân hoàn toàn. Tuy nhiên, tùy thể trạng từng người mà tiến triển bệnh khác nhau, nhiều bệnh nhân bị gút lâu và rất đau nhưng không có tofi hoặc tofi không to, nhưng có những người thời gian bệnh ngắn đã xuất hiện rất nhiều bướu tofi. Trước đây, khi bướu tofi vỡ, người ta chỉ làm sạch vết thương để tránh nhiễm trùng nhưng không điều trị dứt bệnh một cách bài bản. Bệnh gút có thể điều trị dứt nhưng lệ thuộc vào phác đồ điều trị phù hợp, bệnh nhân kiên trì tuân thủ chế độ tập luyện và chế độ dinh dưỡng.

LÂM THỤY

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/benh-gut-bien-chung-nang-dang-gia-tang-nhanh-post196096.html