Bến xưa còn cũ tiếng rao

Nói tới phố Hàng Chuối Hà Nội ắt phải nhắc tới bến Trường Tín áp mé sông Hồng chảy vào. Bến xưa vẫn được định vị gần chùa Trường Tín ở đầu phố. Hai câu đối trong chùa dường như vẽ lại bản đồ mảnh đất hai thôn cổ là Nhân Chiêu và Đức Bác làm nên phố Hàng Chuối (dài 460 mét). Những khu vườn hai thôn này nằm bên phía Đông hồ Hữu Vọng (phần hồ Hoàn Kiếm phía dưới đã bị lấp) trồng toàn chuối. Khi dựng phố mới, người ta đặt luôn tên Hàng Chuối cho tiện.

Thời gian có bao giờ phôi phai

Bến đò Trường Tín ở đầu phố đã được danh y Lê Hữu Trác viết trong “Thương Kinh ký sự” (1783), bởi ông đã xuống bến sông này để về quê mẹ ở Nghệ Tĩnh. Nghe nói chùa Trường Tín mãi sau này mới xây (1824) nhưng trước đó là cái am cổ bên hồ lớn. Bến đò Trường Tín đón khách đi về phương Nam. Không ít lần khi tôi tới đây thưởng trà đầu phố và nhớ tới câu thơ của danh y Lê Hữu Trác trên bến xưa: “Nửa đêm ba chén rượu/ Sáng sớm một tuần trà/ Mỗi ngày cứ như thế/ Thầy thuốc không tới nhà”. Rồi có lúc, câu chuyện “Chén trà sương” của Nguyễn Tuân lại ám ảnh tôi qua làn hương thơm chén trà sen. Tiếng rao của những cô gái bán cốm trong veo giữa phố luôn là âm thanh dịu dàng bên ngõ phố xinh xắn. Con đường lượn ven hồ ngày nào như một cung nhạc ngân nga dưới hàng cây cơm nguội rơi đầy hoa.

Phố Hàng Chuối đầu ngã ba đường Nguyễn Công Trứ (Hà Nội).

Hàng Chuối là phố mới hình thành sau này nên có nhiều biệt thự hiện đại được xây dựng vào cuối thế kỷ 19. Lòng đường phố tuy hẹp chừng 8 mét nhưng khá nhiều cơ quan nhà nước đã đóng trụ sở ở đây từ những năm đầu giải phóng Hà Nội (1954). Trước tiên phải nói tới trụ sở của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ Nữ Việt Nam với diện tích rộng nhất phố Hàng Chuối cùng ở số 39 với NXB Phụ nữ Việt Nam. Báo Phụ nữ Việt Nam ở số 47. Tại số nhà 16 là trụ sở của NXB Đại học Quốc gia Hà Nội; hay cách đó không xa là cơ quan của Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn quốc gia…Tiếng chim hót líu lo từ bên phố Tăng Bạt Hổ thường bay sang như lời vọng của đồng quê. Thật đúng là “Uống trà trong nắng sớm/ Vườn tâm đầy hương hoa”. Đó là câu thơ mà nhà báo Mạnh Hùng (Ban Văn nghệ, Báo Phụ nữ Việt Nam) hay đọc cho tôi nghe.

Quán trà chén nơi đầu phố ngã ba cắt đường Nguyễn Công Trứ là nơi hẹn hò mỗi khi chúng tôi tới gửi bài cho Báo Phụ nữ Việt Nam. Bạn bè thường gọi nhà báo Mạnh Hùng với biệt danh là Hùng “râu” vì anh có bộ râu quai nón khá đẹp. Có lần nhắc tới khí phách của Nguyễn Công Trứ, nhà báo Hùng “râu” đọc cho tôi nghe mấy câu thơ. Chất giọng gốc Bình Định của anh nhừa nhựa sảng khoái: “Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo/ Giữa trời vách đá cheo leo/ Ai mà chịu rét thì trèo với thông”.

Tôi là cộng tác viên với Báo Phụ nữ Việt Nam từ đầu thập niên 80 của thế kỷ trước nên ngôi nhà số 47 trở nên khá gần gũi. Phòng làm việc của Hùng “râu” ngày đó ở ngay góc bên trái dãy nhà dưới nhìn ra sân để xe đạp. Chúng tôi rất tiện đường ra vào và gọi nhau í ới. Nhà báo Hùng “râu” là cháu nhà văn Phan Tứ (1930-1995), yêu văn chương và thân thiện với những cộng tác viên làm thơ như chúng tôi ngày đó. Nhà anh thuê ở phố Dã Tượng như một cái lều lợp lá vậy. Chợt nhớ có ngày trời hun hút gió, tôi cùng Hùng “râu” đi xe đạp kẽo kẹt đèo nhau về nhà. Khi tới cuối Hàng Chuối chợt nghe thấy tiếng rao, chúng tôi dừng xe rồi sà vào hàng bánh mỳ ở ngã tư cắt ngang Hàn Thuyên. Một chiếc bánh mỳ nóng bẻ đôi thời kỳ bao cấp tuy là câu chuyện cũ nhưng vẫn hôi hổi sự ấm áp tình người không bao giờ quên.

Con sóng nào vẫn vỗ về vào đam mê

Sau này, mươi năm trôi qua Hà Nội tấp nập vào thời kỳ kinh tế thị trường nhưng đường phố Hàng Chuối vẫn khiêm nhường như ngày nào. Những ngôi nhà cũ mọc rêu xanh trùm lên mảng tường mốc thếch. Thậm chí có ngôi biệt thự rộng tới 300 mét bị bỏ hoang (số 51) như một ngôi nhà ma. Có lần người ta tìm đến lấy nơi đây làm bối cảnh quay phim kinh dị. Phố được khuấy động lên chút ít nhưng rồi lại trở về không khí nhu mì thầm lặng.

Hàng Chuối được coi là phố công chức trầm tĩnh cuối bến sông xưa đi qua cửa khẩu Vân Đồn (dốc phố Lương Yên). Vào đầu thập niên 2000 phố Hàng Chuối mới bắt đầu chuyển động với những nhà hàng và biệt thự được tu bổ mới lạ tinh tươm. Phố như cô gái được tô son môi đánh phấn trở nên xinh xắn dễ thương. Gần đây hương vị xưa cũ như cái duyên phố dịu dàng với những quán hàng thơ mộng. Có quán còn trưng biển với “Slogan” thú vị như: “Phố núi”; “Người yêu cũ”…

Vào giai đoạn này, thị trường báo phát triển mạnh, tôi tiếp tục cộng tác với Báo Phụ nữ Việt Nam. Cấu trúc số nhà 47 nguyên hình cũ kỹ như ngày nào cho dù được sơn lớp vỏ mới. Vẫn khuôn viên với sân rơi đầy lá vàng. Tôi đã may mắn cộng tác với nhà văn Nguyễn Võ Lệ Hà (thường gọi Lệ Hà). Ngày đó chị là Trưởng ban Văn hóa - Nghệ thuật (đầu thập niên 2.000). Mãi tới khi đó tôi mới biết nhà văn Lệ Hà chính là mẹ của siêu mẫu nổi tiếng Hà Anh (Vũ Nguyễn Hà Anh). Đồng thời chị là con dâu của cố Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam (khóa IV)-Vũ Tú Nam (1929-2020). Nhà văn Lệ Hà ngoài viết truyện ngắn còn là một dịch giả nổi tiếng. Trong đó có những cuốn “Chuyện cổ tích thế giới chọn lọc” (1998); “Nàng I-đo” (tiểu thuyết Gardonio Gezo, 2000, tái bản 2009) được dư luận đánh giá cao và phát hành rộng rãi.

Có lần nhà văn Lệ Hà kể mẹ chồng chị là nhà báo Thanh Hương (vợ nhà văn Vũ Tú Nam) đã từng làm Tổng Biên tập Báo Phụ nữ Việt Nam trong một thời gian dài. Câu chuyện về cuộc tình của nhà báo Thanh Hương và nhà văn Vũ Tú Nam rất lãng mạn với gần 500 bức thư không đề tên người gửi (vì giữ bí mật trong thời kỳ kháng chiến). Hai người yêu thương nhau từ năm 1949 tại vùng chiến khu ở Thanh Hóa.

Năm 1952 nhà văn Vũ Tú Nam và nhà báo Thanh Hương trao nhẫn đính hôn tại Việt Bắc. Hai năm sau họ mới tổ chức lễ cưới. Trong những ngày hoạt động kháng chiến xa nhau, hai người chỉ viết thư trao gửi tình yêu thương và động viên nhau sáng tác. Hàng trăm bức thư đó vẫn được hai người gìn giữ cho tới ngày nay.

Tại ngôi nhà số 47 Hàng Chuối ngày nào, Tổng biên tập Thanh Hương đã từng bao ngày đêm trực chiến hoàn thành công việc. Bà cùng với anh em phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam vượt qua bom đạn Mỹ dội xuống đường phố để tới tòa soạn. Giờ đây đi dưới hàng cây xum xuê cành lá tôi không khỏi bồi hồi với ký ức thân thương: “Người Hà Nội hôm nay ra đi/ Mang theo mình bao nhiêu nỗi nhớ/ Những ánh đèn qua ô cửa sổ/ Bầu trời đêm cháy bỏng tình yêu” ("Hà Nội trái tim hồng" - Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn).

Tiếng ai rao trĩu gánh hàng hoa

Cho dù được mang biển hiệu phố Hàng Chuối nhưng đây lại là đất vùng ven khu phố cổ (Hoàn Kiếm). Hàng Chuối thuộc khu dân phường Phạm Đình Hổ quận Hài Bà Trưng, nằm trong quần thể khu phố “Tây” (Hai Bà Trưng, Ngô Quyền Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo…). Chính vì thế hiện nay trên phố còn nguyên vẹn nhiều biệt thự với kiến trúc mang phong cách Gothic. Không ít ngôi nhà đã được tu bổ sửa chữa nhưng về cơ bản vẫn được bảo tồn. Đặc biệt những ngõ Hàng Chuối rộng rãi với hệ thống nhà cửa xây dựng hiện đại. Riêng ngôi chùa Trường Tín đã được tu bổ (năm 2007), tới nay trở thành nơi hoạt động thiện nguyện khá sôi động.

Hình ảnh thiền sư cách mạng Thích Thanh Quán (trụ trì chùa Trường Tín) đã bị giặc Pháp xử tử (năm 1947) như một dấu ấn lịch sử sâu đậm trên đường phố. Hơi thở mùa xuân đã cập kề bến sông xưa. Gió vờn trong nắng ấm. Tôi chợt nhớ tới bài thơ “Hoài cổ” của danh nhân Phạm Đình Hổ (tên đường cắt ngang giữa phố Hàng Chuối). Thơ rằng: “Năm nay hoa đào nở/ Cỏ xuân xanh lạ lùng/ Cô gái nhìn hoa cười/ Đề thơ tả nỗi lòng”. Phải chăng đó là nét duyên dáng của phố Hàng Chuối với hàng cây “Quanh quanh rộn rã tiếng chim ca/ Ngàn tấm lụa phơi nắng mái nhà/ Chuông chùa ngân vọng trên đường phố/ Xen tiếng rao trĩu gánh hàng hoa” (Hạnh An).

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/ben-xua-con-cu-tieng-rao-i716275/