Bền lòng thắt sợi tơ hồng thời chiến

Trong căn nhà nhỏ, chúng tôi được cựu chiến binh Phạm Xuân Quý, nguyên Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn 1 Quảng Đà (R20) và vợ là Đoàn Thị Thơ, nguyên đội viên Đội Thanh niên xung phong (TNXP) Võ Như Hưng, K625 Ban lương thực Quảng Đà kể cho nghe 'sợi tơ hồng' đã thắt chặt hai người giữa bom đạn chiến tranh, để rồi họ cùng nắm tay nhau xây dựng mái nhà ấm yên, hạnh phúc...

Cuối năm 1968, ông Phạm Xuân Quý là Chính trị viên Đại đội 2, Tiểu đoàn vận tải 140, Mặt trận 44 Quảng Đà. Thời kỳ này, đơn vị làm nhiệm vụ vận tải đạn dược, vũ khí, lương thực từ vùng hậu cứ vượt sông Thu Bồn xuống vùng A, vùng B Đại Lộc để phục vụ chiến trường. Trong đêm 26-9-1969, ông Quý cùng đồng đội đang thực thi nhiệm vụ thì nhận được tin báo có địch đi càn nên nhanh chóng trú nhờ hầm của K625 đứng chân trên địa bàn huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Đợi đến khi hết nguy hiểm thì trời cũng đã sáng. Thấy vậy, ông Quý lệnh cho bộ đội tản ra theo chỉ dẫn của TNXP K625 để nghỉ ngơi dưỡng sức, đợi đêm tối sẽ tiếp tục nhiệm vụ. Ông Quý được nữ TNXP trẻ Đoàn Thị Thơ chỉ cho chiếc hầm kèo để xuống đó nằm ngủ.

Vợ chồng CCB Phạm Xuân Quý nâng niu những bức thư tình đã ố vàng theo năm tháng.

Dưới căn hầm ngột ngạt và nóng như đổ lửa, ông Quý trằn trọc thao thức, chỉ mong trời mau tối để cùng đồng đội tiếp tục thực hiện nhiệm vụ. “Có địch, đồng chí dậy theo tôi rút lui!”, tiếng nữ TNXP vọng vào hầm. Ngay lập tức, ông Quý bật dậy, nhanh chóng cơ động theo nữ TNXP ra hướng bờ sông và thoát khỏi sự truy quét của địch. Về đến hậu cứ, ông Quý chợt nhận ra mình đã để mất khẩu súng K59 và nhận kiểm điểm trước đơn vị. Kể đến đây, ông Quý quay sang bà Thơ cười, nói: “Bị kỷ luật đã thấy xấu hổ rồi, tôi còn bị đồng đội trêu chọc: "Chắc do chính trị viên “phải lòng” hoa khôi của K625 nên mới ở lại và mất súng, nếu không thì chẳng xảy ra cớ sự thế này". Giữa cái sống và cái chết, người chỉ gặp lướt qua, đến dáng hình, khuôn mặt như thế nào cũng không nhớ rõ, thế mà lại bị đồng đội trêu đùa, gán ghép nên trong lòng tôi cứ tức anh ách”.

Nghe ông Quý kể vậy, bà Thơ tủm tỉm cười: “Khi hay tin anh bộ đội người miền Bắc hôm nọ được mình đưa ra khỏi vòng vây vừa bị kiểm điểm và bị gán ghép với mình, tôi thấy “tội tội” và chắc do vậy nên những lúc nằm võng nghỉ ngơi, tôi lại nhớ đến anh”.

Đến năm 1971, ông Quý được tổ chức điều động làm Chính trị viên Tiểu đoàn 2 (V25, Bộ đội địa phương tỉnh Quảng Đà). Khi đơn vị tổ chức đánh địch bên bờ sông Thạnh Mỹ, ông vô tình gặp lại nữ TNXP đã giúp mình ngày nào. Nhớ đến chuyện ngày trước, trong lòng ông cũng dậy lên một tình cảm đặc biệt dành cho nữ TNXP Đoàn Thị Thơ. Sau nhiều lần bối rối, ngại ngùng, khi gặp mặt, ông đánh liều viết thư kết bạn.

Từ ấy, hai người trở nên thân thiết hơn. Đến năm 1973, khi ông Quý được điều về Kho K3 Đại Lộc thì bà Thơ cũng được chuyển công tác về địa bàn đó. Họ được gặp nhau thường xuyên hơn và trong mỗi lần gặp gỡ, họ lại kể cho nhau nghe những vui buồn thường nhật, về công việc, cuộc sống và cả những kỷ niệm thời thơ ấu ở trong vòng tay cha, mẹ, bạn bè... Tìm được sự đồng nhất trong lý tưởng, đồng điệu trong tâm hồn, hai người bắt đầu những tháng ngày “nhìn đâu cũng thấy thương”. Những cánh thư mang bao nhớ nhung cứ đi về dẫu ngoài kia bom vẫn nổ, máy bay vẫn không ngừng gầm rú. Tình yêu trong sáng, thuần khiết đã tiếp thêm động lực để hai người cùng nỗ lực vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Miền Nam được giải phóng, đơn vị ông Quý về đóng quân tại Hòa Cầm, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng (ngày nay). Bà Thơ chuyển về công tác tại Ban Lương thực Hội An. Cứ chiều cuối tuần, ông lại chở bà trên chiếc xe đạp để về thăm nhà. Tình yêu của hai người được sự ủng hộ của gia đình hai bên. Ông Quý tâm sự: “Khi đã ấn định và sắp đến ngày cưới, tôi bỗng nhận được tin: Mẹ tôi đã thay đổi quyết định, viết thư phản đối chuyện cưới xin vì không biết thông tin từ đâu mà mẹ tôi nghe rằng Thơ thể trạng rất ốm yếu, mẹ sợ tôi khổ chuyện gia đình, con cái”.

Nhận được thư bên nhà trai, bà Thơ tủi thân, mấy đêm liền nằm khóc đến sáng. Ông Quý đến tận nhà để động viên bà cùng nắm tay nhau vượt qua thử thách này, đồng thời ông viết thư gửi về nhà bày tỏ với mẹ tấm lòng của ông đối với bà Thơ và tình yêu của hai người. Những lá thư đã giúp mẹ ông hồi tâm chuyển ý và ngày 1-1-1976, tại Trung tâm huấn luyện Hòa Cầm, hai người được gia đình và đơn vị hai bên hỗ trợ tổ chức một đám cưới giản dị, ấm cúng.

Cuối năm 1976, bà Thơ sinh con trai đầu lòng. Năm 1978, ông Quý cùng đơn vị sang làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia. Bà Thơ tần tảo nuôi con, sắt son đợi chồng. Và rồi, không phụ tình yêu, sự thủy chung dành cho nhau, khi chiến tranh qua đi, hai người lại vỡ òa trong niềm vui hạnh phúc đoàn viên.

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, tổ ấm của ông bà vẫn luôn rộn tiếng cười, ngập tràn hạnh phúc với hai người con trai thành đạt, 4 đứa cháu nội ngoan ngoãn, chăm học. Đó là quả ngọt của sự kiên trì, dũng cảm theo đuổi tình yêu, nỗ lực vượt qua những trắc trở, chông gai, cảm thông, chia sẻ, làm chỗ dựa cho nhau, bền lòng thắt sợi tơ hồng kết nối tình yêu.

Bài và ảnh: THANH THÚY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/ben-long-that-soi-to-hong-thoi-chien-679370