'Bên cạnh thu phí vỉa hè, TP. HCM nên tính thu thêm phí sử dụng hẻm'

Theo TS Dư Phước Tân, Trưởng Phòng nghiên cứu quản lý đô thị - Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, các quy định về việc thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường hiện chưa đề cập tới các hộ kinh doanh trong hẻm mà chỉ đang áp dụng với các trường hợp là cửa hàng mặt tiền muốn mở rộng kinh doanh, hay các chỗ để xe tự quản. Trong khi đó, TP. HCM lại có những con hẻm với diện tích lớn, khách bộ hành nhiều và cần tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh.

TS Dư Phước Tân, Trưởng Phòng nghiên cứu quản lý đô thị - Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM đề xuất thu phí sử dụng hẻm

“Đáng lẽ phải thu phí vỉa hè từ nhiều năm trước đây”

Tại buổi tọa đàm “Làm thế nào để khai thác kinh tế vỉa hè hiệu quả?”, PGS. TS Nguyễn Minh Hòa, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển TP. HCM, cho rằng việc thành phố đến bây giờ mới quyết định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố là có phần muộn và phải làm từ nhiều năm trước.

“Hiện tại, chúng ta đã có chủ trương và vấn đề còn lại là kỹ thuật thực hiện. Nếu làm thành công, thành quả mang lại không hẳn là nguồn thu ngân sách. Tôi cho rằng thành công của chủ trương này là việc thành phố sẽ có công cụ quản lý đô thị, quản lý vỉa hè hiệu quả, đảm bảo an toàn giao thông”, PGS. TS Nguyễn Minh Hòa cho biết.

Theo ông, các nước châu Á, điển hình như Thái Lan, Philippines, Malaysia, Singapore đã có khái niệm khoa học về nền kinh tế vỉa hè. Theo đó, vỉa hè được sử dụng để làm kinh tế, phục vụ cuộc sống mưu sinh.

“Việc TP. HCM ban hành quy định thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường là một quyết định đúng đắn và cần ủng hộ. Thái Lan, Singapore đã làm cách đây hơn 20 năm. Họ làm trên nguyên tắc vỉa hè là công sản, không thể sử dụng miễn phí mà phải trả tiền khi khai thác. Người khai thác vỉa hè thu về lợi ích kinh tế mà không phải nộp lại khoản nào. Sự vô lý đó đã tồn tại mấy chục năm nay. Trong khi đó, Nhà nước phải bỏ số tiền lớn để duy tu, bảo dưỡng vỉa hè hàng năm”, PGS. TS Nguyễn Minh Hòa cho hay.

Còn theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông Vận tải TP. HCM), nhiều quốc gia đã áp dụng việc thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè trong khi Việt Nam vẫn chưa làm được. Theo ông, để việc thu phí đi vào quy củ cần có quá trình.

Cụ thể, chính quyền địa phương cần xây dựng kế hoạch và lấy ý kiến, từ đó quy định khu vực được phép kinh doanh, phạm vi, cách bố trí nơi để xe.

“Tôi nghĩ đối với việc kinh doanh trên vỉa hè chúng ra đã có đủ cơ sở pháp lý. Điều quan trọng là tổ chức triển khai thực hiện, tuy nhiên sẽ khó tránh được vướng mắc. Vướng tới đâu chúng ta sẽ phối hợp, tìm phương án gỡ vướng tới đó”, ông Ngô Hải Đường cho hay.

Chưa có phương án cho người bán hàng rong

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Hòa, đề án của thành phố đang tập trung chủ yếu vào những người có cửa hàng, thuê mặt tiền để kinh doanh, trong khi những người bán hàng rong chưa được đề cập tới.

Tại TP. HCM, người bán hàng rong ngoài mưu sinh cũng có thể đóng góp cho ngân sách. PGS. TS Nguyễn Minh Hòa nhận định trước đây, quan điểm làm sạch thành phố, xóa các gánh hàng rong là không đúng.

“Khách du lịch châu Âu khi tới châu Á họ rất thích tìm hiểu những điều thú vị trên vỉa hè. TP. HCM cần có phương án đảm bảo các hoạt động bán hàng rong đi vào khuôn khổ, giữ gìn mỹ quan đô thị, trật tự giao thông chứ không thể như hiện nay”, chuyên gia cho hay.

Theo PGS. TS Nguyễn Minh Hòa, Việt Nam cần học tập mô hình của Bangkok (Thái Lan). Các khu du lịch lớn như Pratunam có chỗ dành riêng cho người bán hàng rong, cụ thể là những ô vuông rộng 1,4m dài 2,2m.

Ở Bangkok, hàng rong được bán theo từng xe đẩy như trái cây, nước ép, đồ ăn. Để bán hàng rong, người kinh doanh phải đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe, chứng chỉ hành nghề, kỹ năng an toàn thực phẩm. Cùng với đó, họ phải đăng ký và sở hữu địa điểm kinh doanh. Chi phí thuê hàng tháng là khoảng 3.000 bath (hơn 2 triệu đồng). Đặc biệt, người thuê không đứng một chỗ cả ngày mà có quy định phải đổi chỗ sau vài giờ.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Dư Phước Tân cũng cho rằng hoạt động bán hàng rong cần có phương án quy hoạch, bố trí để thu phí, giúp hoạt động kinh doanh này đi vào nề nếp.

"Đối với những người buôn bán hàng cố định lâu năm, đã có chỗ quen thuộc, chúng ta nên xem xét, thỏa thuận với các chủ hộ có mặt tiền để họ tiếp tục hoạt động. Đối với hàng rong lưu động, tôi nhất trí việc ngoài quy hoạch, đưa họ về một vị trí như quận 1 đã thí điểm (ở phố Nguyễn Văn Chiêm và công viên Bách Tùng Diệp), nên nghiên cứu các mô hình mới để nhân rộng", TS Dư Phước Tân cho hay.

Đề xuất thu phí sử dụng hẻm

Theo TS Dư Phước Tân, các quy định về việc thu phí sử dụng vỉa hè, lòng đường hiện chưa đề cập tới các hộ kinh doanh trong hẻm mà chỉ đang áp dụng với các trường hợp là cửa hàng mặt tiền muốn mở rộng kinh doanh, hay các chỗ để xe tự quản. Trong khi đó, TP. HCM lại có những con hẻm với diện tích lớn, khách bộ hành nhiều và cần tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh.

Vị chuyên gia này cho rằng, với định hướng phát triển phương tiện công cộng, xe buýt, metro, các con đường đi bộ từ trong hẻm ra mặt đường cũng cần phải thật thông thoáng.

“Chúng ta có nên quy hoạch thu phí đồng nhất các trường hợp sử dụng hẻm? Đây cũng là hình thức quản lý giúp người dân nâng cao trách nhiệm sử dụng hẻm, đất công, vỉa hè. Đương nhiên, phí sử dụng trong hẻm sẽ thấp hơn mặt tiền bên ngoài”, TS Dư Phước Tân cho hay.

Ngoài ra, khi vỉa hè đã thông thoáng, vấn đề lấn chiếm của các pháp nhân cũng cần tính tới. Đơn cử như việc các phương tiện là xe máy leo lên vỉa hè để di chuyển khi đường đông, tạo ra các xung đột, bất cập. TS Dư Phước Tân cho rằng các cơ quan cần tính đến các phương án đồng bộ để dù vỉa hè đã thông thoáng, các phương tiện cũng không thể di chuyển lên trên.

Hải Đường

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/ben-canh-thu-phi-via-he-tp-hcm-nen-tinh-thu-them-phi-su-dung-hem-20180504224294115.htm