Bé trai nghi ngộ độc bánh mì ở Đồng Nai tiên lượng nặng

Sau khi chuyển từ Bệnh viện Nhi Đồng Nai đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), bệnh nhi 6 tuổi trong vụ ngộ độc bánh mì vẫn đang được các bác sĩ tích cực điều trị.

Bệnh nhi 6 tuổi đang điều trị ở Bệnh viện Nhi 1 (TP.HCM) trong tình trạng nặng. Ảnh: CDC Đồng Nai.

Trao đổi với Tri thức - Znews sáng 6/5, PGS.TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết em T.G.H., 6 tuổi, là ca nặng nhất trong vụ ngộ độc bánh mì tập thể, đang được điều trị tích cực. Trẻ được chuyển từ Bệnh viện Nhi Đồng Nai đến bệnh viện từ trưa 4/5.

"Bác sĩ trong khoa đang tập trung toàn lực để cứu bệnh nhi. Hiện em H. được lọc máu, thở máy và dùng thuốc vận mạch để trợ tim, nhưng vẫn tiên lượng nặng", PGS Quang nói.

Trước đó, em T.G.H. nhập viện trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở do sốc nhiễm trùng đường tiêu hóa trên nền thể trạng béo phì.

Bên cạnh đó, theo ông Tăng Quốc Lập, Phó chủ tịch UBND TP Long Khánh, Đồng Nai, sáng nay số ca nhập viện nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì không còn tăng thêm. Tất cả bệnh nhân sức khỏe đều ổn.

Tại Bệnh viện Nhi Đồng Nai, 12 trẻ đang được điều trị, trong đó còn một bệnh nhi rất nặng nhưng đã có phản xạ.

Ông Lập cho hay UBND TP Long Khánh đã giao cơ quan chuyên môn xác định hành vi vi phạm hành chính của cơ sở, tuy nhiên theo quy định, vụ này có dấu hiệu tội phạm nên phải chuyển qua cơ quan điều tra. Sau khi có kết quả, nếu không truy cứu trách nhiệm phạm tội thì UBND TP Long Khánh sẽ xử lý vi phạm hành chính.

Trước đó, ngày 1/5, có khoảng 70 người có biểu hiện nghi ngộ độc thực phẩm nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Tất cả người nhập viện đều có điểm chung là xuất hiện triệu chứng sau khi ăn bánh mì ngày 30/4.

Theo ông Nguyễn Đình Minh, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Đồng Nai, thời gian ủ bệnh trung bình của các bệnh nhân 4-8 giờ. Triệu chứng chủ yếu là tiêu chảy, nôn ói.

Cơ quan chức năng đã lấy mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm tại Viện Y tế công cộng TP.HCM. Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng ghi nhận tiệm bánh mì không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Nguyên liệu thực phẩm được chế biến và bán tại nhà.

Tính đến nay, có 560 người nhập viện vì nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì, với các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, sốt.

Nguyễn Thuận - Linh Thùy

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/be-trai-nghi-ngo-doc-banh-mi-o-dong-nai-tien-luong-nang-post1473903.html