Bé gái 3 tuổi trở thành 'nữ thần sống' ở Nepal

Bé gái ba tuổi đã trải qua nghi thức để trở thành Kumari (nữ thần sống) mới của thủ đô Kathmandu, Nepal. Cô bé sẽ giữ chức danh này và được thờ phụng cho đến khi dậy thì.

Mặc một chiếc váy màu đỏ, Trishna Shakya được đưa từ nhà tới cung điện cổ ở quảng trường Durbar lịch sử của Nepal, nơi em sẽ sống cùng những người giám hộ được chỉ định đặc biệt.

"Cảm xúc thật lẫn lộn. Con gái tôi đã trở thành Kumari và đó là một điều tốt, nhưng lại cũng là nỗi buồn vì nó sẽ bị tách rời khỏi chúng tôi", AFP dẫn lời bố cô bé, ông Bijaya Ratna Shakya.

Khi được chọn làm Kumari, Shakya sẽ được coi là hiện thân của nữ thần Hindu Taleju và chỉ được phép rời khỏi cung điện 13 lần trong năm vào những ngày lễ đặc biệt.

Trong quá trình di chuyển, nữ thần không được phép chạm chân xuống đất nên Trishna sẽ luôn có người bế. Ảnh: AFP.

Vào lúc nửa đêm, Kumari mới sẽ bắt đầu vai trò "nữ thần sống" của mình bằng việc tham dự lễ tế thú do các linh mục Hindu thực hiện.

Theo truyền thống, 108 con trâu, dê, gà, vịt và trứng được mang ra làm vật tế trong nghi lễ. 108 được coi là con số tốt lành trong Ấn Độ giáo, nhưng dưới áp lực của các nhà hoạt động vì động vật, số thú bị tế hiện đã giảm đi.

Lịch sử tuyển chọn Kumari đã tồn tại hàng trăm năm và theo những quy định khắt khe. Người được chọn phải là bé gái có độ tuổi từ 2 đến 4. Cơ thể Kumari không được có tì vết, lông mi phải "dày rậm như lông mi bò", giọng nói phải "thanh như tiếng vịt", đùi như "đùi nai". Các cô bé cũng phải vượt qua những bài kiểm tra bí mật về sự can đảm và khả năng giữ bình tĩnh.

Kumari luôn phải trang điểm kỹ lưỡng. Ảnh: AP.

"Kumari" trong tiếng Phạn có nghĩa là "công chúa". Truyền thống thờ phụng Kumari xuất phát từ cộng đồng Newar, những người bản xứ ở Thung lũng Kathmandu. Truyền thống này pha trộn giữa các yếu tố của Ấn Độ giáo và Phật giáo. Các Kumari quan trọng nhất đại diện cho ba vương quốc cũ của thung lũng: Kathmandu, Patan và Bhaktapur.

Truyền thống có liên quan mật thiết đến hoàng gia Nepal, nhưng nó vẫn được tiếp tục sau khi Nepal xóa bỏ chế độ quân chủ vào năm 2008.

Tuy nhiên, truyền thống Kumari bị các nhà hoạt động vì quyền trẻ em chỉ trích. Họ cho rằng việc này tước đi tuổi thơ của những cô bé vô tội và khiến các em sống biệt lập với xã hội, gây trở ngại cho sự phát triển về sau.

Theo Hoa Hạ (Zing)

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/tin-quoc-te/be-gai-3-tuoi-tro-thanh-nu-than-song-o-nepal-c5a573998.html