Bảy 'kỳ quan' của phố chợ Bến Thành 110 tuổi

Phố chợ Bến Thành tròn 110 tuổi, vẫn luôn sinh động và năng động, được nhiều thế hệ quý mến, nâng niu. Sẽ là một món quà tri ân trọng đại nếu phố chợ Bến Thành sớm được công nhận là di sản về kiến trúc, thương mại và văn hóa.

Một hình ảnh Sài Gòn không thể thiếu trong tâm khảm của nhiều thế hệ cư dân và du khách bốn phương chính là phố chợ Bến Thành. Từ lúc khai sinh cho đến nay, cả khu phố chợ tích hợp nhiều điều thú vị không đâu có. Khi đi chơi phố chợ kỳ thú này, bạn đừng quên tìm xem bảy “kỳ quan bỏ túi” dưới đây:

1. Lễ “Khai thị” tưng bừng và độc đáo

Đó là sự kiện diễn ra không chỉ trong một ngày, không chỉ một hoạt động và không chỉ một nơi. Báo Lục Tỉnh Tân Văn thông tin lúc đầu chính quyền dự định “khai thị” vào ngày 21.3.1914. Nhưng sau đó dời sang ngày thứ Bảy 28.3, bắt đầu từ 5 giờ chiều đến hết ngày thứ Hai 30.3. Trong ngày đầu tiên, sau diễn văn của Thống đốc Nam kỳ và Thị trưởng Sài Gòn là phần “cộ đèn” (rước các loại đèn thủ công), bắn pháo bông, phóng “huê đăng” (đèn trời). Ngoài ra còn có chợ đêm và “nhảy đầm” ở sân trước nhà ga đối diện cửa chợ.

Chợ Bến Thành năm 1921. Ảnh tư liệu.

Sang ngày Chủ nhật 29.3, từ 7 giờ sáng, tại nơi trên có các trò chơi “bổn quốc” (theo Vương Hồng Sển là múa lân, thí võ và hát bội). Thêm nữa, cách chợ không xa, tại vườn “Bờ Rô” (Tao Đàn) có “đấu cầu” (đá banh). Vào 3 giờ chiều diễn ra cuộc thi “cộ bông” (hình nộm thần thoại) của người Việt, Pháp, Hoa và “Chà Và” (Ấn Độ). Đồng thời có “đạo binh thủy trợ lực” (lính hải quân diễu hành hoặc chơi nhạc). Tối đến có bắn pháo bông, phóng “huê đăng” và chợ phiên. Ngày cuối cùng, lúc 9 giờ sáng tại “Dinh Xã Tây” (trụ sở UBND thành phố), chính quyền tổ chức xổ số và trao giải cho thi xe hoa. Theo một số tài liệu, ngày khai trương chợ còn có biểu diễn “đả hổ”.

Trước đó, Thị trưởng Cuniac vận động “hãng tàu lục tỉnh” (đường sông) và hãng xe lửa (xe tram và đường sắt) bớt phân nửa giá vé cho dân các tỉnh và Sài Gòn đi lại từ ngày 25 - 28.3. Chính quyền còn cho công chức được nghỉ ngày thứ Hai 30.3 để bù cho lễ khai thị kéo dài sang ngày Chủ nhật. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, chính quyền biết cách làm marketing và PR để hỗ trợ thương mại, rất tuyệt vời! Để kỷ niệm sinh nhật 110 tuổi của phố chợ Bến Thành, mong rằng chúng ta sẽ tái diễn và làm mới một “Lễ Khai thị” vừa ôn cố tri tân, vừa kích cầu giao thương và văn hóa "hoành tráng" không kém!

Chợ Bến Thành do Eli Lotar (1905 - 1969) chụp năm 1938. Nguồn: manhhai flickr.

2. “Đắc địa” giao thông và giao thương

Hiếm có khu phố chợ nào trên cả nước có được một đất nền rộng rãi và vị trí thuận tiện nhiều mặt như nơi đây. Cuối thế kỷ XIX, đó còn là khu “bùn lầy, nước đọng” mang tên Boresse, nằm ở cuối một con kinh tân lập, nay là đường Lê Lợi. Tuy nhiên, thời nhà Nguyễn, theo Trương Vĩnh Ký, xung quanh chốn này từng có xóm Vườn Mít và xóm Cầu Quan (di tích còn lại là đình Thái Hưng), xóm Buồm Đệm và Chợ Đũi (Ngã Sáu Phù Đổng).

Cách không xa là các xóm Cầu Ông Lãnh, Cầu Gạo, Cầu Muối, Cầu Kho - làng Tân Triêm (chốn sinh thành của Nguyễn Đình Chiểu) đều là những phố thị trên bến dưới thuyền đông vui.

Từ cuối thập niên 1880, với tầm nhìn mở mang đô thị cho thế kỷ mới, đặc biệt là kiến tạo hệ thống đường sắt tỏa đi toàn Đông Dương, nối kết với thương cảng Sài Gòn, chính quyền Pháp chọn khu Boresse để xây dựng một trung tâm liên hoàn giao thông và giao thương lớn chưa từng có. Theo đó, từng bước chính quyền cho san lấp kinh rạch, xây dựng cống ngầm, mua lại đất tư nhân, tiến đến khởi công làm nhà ga xe lửa trung tâm (nay là Công viên 23 Tháng 9) và tòa nhà Công ty Hỏa xa Đông Dương và Vân Nam. Đồng thời tiến hành xây dựng chợ đầu mối kế cận. Hiện tại ở một số lề đường gần chợ Bến Thành và tòa nhà Hỏa xa vẫn còn một vài nắp cống bằng gang, sản xuất từ thập niên trên, là dấu tích khởi đầu của một kế hoạch lâu dài.

Quảng trường phía trước Cửa Nam của chợ quy tụ đến 8 con đường (Lê Lợi, Lê Lai, Trần Hưng Đạo, Hàm Nghi, Huỳnh Thúc Kháng, Phó Đức Chính, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh) trở thành một giao lộ lớn nhất thành phố. Từ năm 1914, quảng trường mang tên Cuniac, sau 1955 đổi thành Diên Hồng, sau 1963 mang tên liệt sĩ Quách Thị Trang. Đầu thập niên 2000, ở bến xe trước chợ có đến 25 tuyến xe buýt. Hiện tại dưới nền đất của Công viên 23 Tháng 9 đã xây dựng nhà ga trung tâm metro toàn thành phố.

Các sạp hàng bên trong chợ Bến Thành hiện tại. Ảnh: Trần Việt Đức

3. Thừa kế hai lần chợ Bến Thành cổ xưa

Phố chợ Bến Thành là “hậu thân” của một ngôi chợ cổ nằm ở vàm Bến Nghé (đầu đường Nguyễn Huệ), nơi có con kinh dẫn nước từ bờ sông vào đường thành phía Nam của Thành Quy Gia Định - 1790 (đường Lê Thánh Tôn). Cho nên từ thuở ấy người dân quen gọi là chợ Bến Thành. Năm 1819, thuyền trưởng Mỹ John White, khi vào thành để yết kiến Tổng trấn Gia Định, đã đi qua ngôi chợ này. Trong hồi ký, ông ghi lại cảnh buôn bán tấp nập, người dân hiếu khách và… mùi nước mắm lan tỏa khắp bến sông, đường đi.

Thực dân Pháp xâm chiếm Sài Gòn năm 1859, chợ Bến Thành xưa tan tác. Sau cơn binh lửa, “tân triều” lập lại chợ Bến Thành ở vị trí nằm giữa kinh Lớn (đường Nguyễn Huệ) và rạch Cầu Sấu (đường Hàm Nghi). Dần dần, chợ có 5 tòa nhà lồng khang trang, không vách, có cột gỗ nâng đỡ mái ngói. Các bản vẽ phối cảnh quy hoạch của thành phố năm 1890 và 1900 đều thể hiện khu phố chợ ngói đỏ bề thế ấy. Sau một thời gian dài hoạt động, vì nhiều lý do, trong đó có lúc do hỏa hoạn (1870) và do gió bão (1904), ngôi chợ bị hư hại, xuống cấp. Vì thế cùng với việc quy hoạch mới, vào năm 1912, chính quyền quyết định di dời chợ ra nơi khác và xây dựng mới hoàn toàn.

Năm 1914, chợ được dời đi nhường lại khu đất để xây tòa nhà Kho Bạc Nam kỳ. Tuy nhiên, mặt giáp đường La Somme (Hàm Nghi) vẫn lưu lại một nơi buôn bán, dân ta gọi là chợ cũ để phân biệt với chợ mới. Có thể nói những người kinh doanh ở khu phố chợ Bến Thành từ xưa đến nay đều là “truyền nhân” giao thương từ cả ba thế kỷ nối tiếp!

Toàn bộ ngôi chợ Bến Thành với diện tích hơn 10.000 m2 nhìn từ bên ngoài và trên cao thực sự mang hình ảnh của một tòa thành hùng tráng. Ảnh: Võ Hoàng Vy

4. Kiến trúc hùng tráng, giao duyên Đông - Tây

Người Pháp gọi khu chợ mới là Les Halles Centrales - chợ trung tâm chứ không dùng chữ chợ Bến Thành. Có lẽ các kiến trúc sư Pháp đã lấy mô hình ngôi chợ Paris Les Halles, xây dựng năm 1769, để thiết kế ngôi chợ vĩ đại nhất Sài Gòn. Tuy nhiên, điểm tương đồng giữa hai chợ chỉ là các gian nhà lồng cao to, gồm hai mái ngói trùm lên nhau, dàn hàng ngang, xếp đặt theo kiểu nhà xưởng và nhà ga xe lửa. Trong khi ấy toàn bộ ngôi chợ Bến Thành với diện tích hơn 10.000 m2 nhìn từ bên ngoài và trên cao thực sự mang hình ảnh của một tòa thành hùng tráng. Điểm nhấn của chợ là tòa tháp đồng hồ vuông vắn và đồ sộ mang kiểu dáng của một tháp canh oai vệ (*).

Vào năm 1918, nhà báo Phạm Quỳnh nhận xét chiếc tháp ấy đem đến cảm giác “vững vàng và lực lưỡng như một pháo đài”. Mặc dù vậy, đường nét và họa tiết trang trí bên ngoài tháp đều theo kiểu Phục hưng, thể hiện sự mạnh mẽ và phong lưu. Đáng chú ý, nổi bật trên đỉnh tháp, bao lấy cột thu lôi là hình một bầu rượu, tượng trưng cho sự sung túc trong quan niệm kiến trúc Việt Nam. Như vậy, bản thân kiến trúc chợ Bến Thành đã thể hiện phong cách kiến trúc Pháp - Đông Dương từ rất sớm.

Chợ Bến Thành được tu sửa lớn vào năm 1952, làm mới 4 cửa Đông Tây Nam Bắc, thêm các phù điêu nghệ thuật về nông sản bằng gốm Biên Hòa. Kế tiếp, vào năm 1985, bổ sung thêm các ô mái che vòng ngoài và gắn chữ Chợ Bến Thành dưới tháp đồng hồ ở Cửa Nam. Tuy mặt tiền thay đổi khá nhiều nhưng đến nay ngôi chợ vẫn giữ được phần lớn kiến trúc nguyên mẫu, nhất là tháp đồng hồ “độc nhất vô nhị”!

5. “Miếu” ta trong tháp Tây

Ít người dạo chợ biết rằng dưới tháp đồng hồ có một không gian tâm linh thiêng liêng của các chủ sạp hàng. Đó là một căn phòng khoảng 30m2, là nơi thờ cúng Phật, Thổ Công, Thần Tài, Ông Địa. Và đặc biệt là thờ Thành Hoàng của làng Tân Khai xưa - nguyên là khu đồi cao, nay là khu vực đại lộ Lê Duẩn trải dài xuống bến Bạch Đằng. Vào năm 1698, tướng Nguyễn Hữu Cảnh khi vào Nam đã đặt đại bản doanh tại làng Tân Khai, từ đó công bố lập phủ Gia Định - tức Nam bộ ngày nay. Trong đó, thủ phủ của miền đất mới là huyện Tân Bình - tên hành chính đầu tiên của Sài Gòn.

Phòng thờ cúng của bạn hàng chợ Bến Thành dưới tháp đồng hồ. Ở góc phòng có chiếc thang dẫn lên gian đồng hồ (chụp ngày 24.12.2023).Ảnh: Phúc Tiến

Việc tiểu thương chợ Bến Thành lập nơi thờ cúng nêu trên để tri ân thiên địa, tiền nhân và tiền chủ là điều rất đáng trân trọng. Đó là một phong tục tốt thường thấy ở các chợ nhưng không phải nơi nào cũng có được không gian tâm linh rộng rãi như vậy.

6. Đệ nhất chốn giao thương và du lịch

Chợ Bến Thành lúc đầu là nơi bán hàng tươi sống bao gồm thịt cá và rau quả. Về sau chợ mở rộng ra nhiều mặt hàng tiêu dùng đa dạng. Sau năm 1954, chợ được phân chia làm bốn khu bán hàng rõ rệt, bao gồm quần áo - vải vóc - túi xách - giày dép; bánh kẹo - trái cây - đồ khô; hàng lưu niệm; nông sản và thủy hải sản. Ngoài ra còn có tiểu khu ăn uống với đầy đủ các món ăn ba miền, trong đó thu hút nhất là các loại bún và chè đặc sắc. Từ xưa, nhiều đầu bếp khách sạn và nhà hàng lớn cùng các gia đình giàu có thường đến chợ để mua hàng tươi sống loại ngon nhất.

Tác giả bên trong tháp đồng hồ, cửa nhìn ra quảng trường Quách Thị Trang, tháng 6.2023. Ảnh: Ngọc Dân

Hiện tại tổng số sạp trong chợ là 1.538, riêng bán hàng tươi sống là khoảng 300 sạp, hàng ăn uống khoảng 80 sạp. Trong chợ có 2 trạm biến thế điện, hầm nước và hệ thống cống lớn. Từ những năm 1990 trở đi, chợ đón nhiều du khách quốc tế. Chợ bắt đầu có thêm các dịch vụ cắt may nhanh, làm móng, đổi tiền... Nhiều người bán hàng nói được các thứ tiếng Anh, Hoa, Thái, Malaysia và Hàn. Từ đầu năm 2023, chợ mở cửa đến 10 giờ tối, trở thành một trọng điểm của kinh tế đêm đô thị.

7. Hàng phố chung quanh tiếp nối sung túc

Từ thuở ban đầu, các hàng phố (shop-house) xếp hình chữ U chung quanh chợ Bến Thành đều là các dãy nhà liên kế ba tầng, kiểu dáng thanh thoát. Tất cả đem đến cảm giác hài hòa và đăng đối với kiến trúc ngôi chợ, hợp thành một khu phố chợ chỉn chu. Phía bên phải chợ, tiếp giáp nhà ga là đường Víenot (nay là Phan Bội Châu) từng là bến xe thổ mộ, xe đò tấp nập. Trên đường này, đối diện với Cửa Tây có con đường nhỏ mang tên Amiral Courbet, thông ra đường Amiral Rose (Trương Định). Còn bên trái chợ, giáp với đại lộ Bonard (Lê Lợi) là đường Schroeder (Phan Châu Trinh) cũng là bến xe đông đúc. Tại đây, đối diện với Cửa Đông là đường Sabouraine (Lưu Văn Lang). Dọc Cửa Bắc là đường Espagne (Lê Thánh Tôn) vào thập niên 1940 - 1950 trở đi có một loạt tiệm vàng.

Ngần ấy hàng phố làm giàu thêm hàng hóa và dịch vụ phong phú của chợ Bến Thành. Thời Pháp, nhiều nhà phố là các “tiệm nước”, “tiệm trà rượu”, “tiệm bánh trái”, “tiệm kim hoàn”, “khách lầu” và nhà thuốc tây, thuốc bắc. Trên đường Víenot có tiệm trà Ô Tòng Ký, tiệm bánh trung thu Đông Hưng Viên, tiệm vàng Kim Thành rất nổi tiếng. Còn đường Amiral Courbet và đường Sabouraine có nhiều tiệm vải, tiệm may, tiệm nữ trang của người Ấn Độ. Người Hoa, người Việt, người Ấn cùng buôn bán đan xen trong chợ Bến Thành và các phố chung quanh. Các trí thức yêu nước như Nguyễn An Ninh, Tạ Thu Thâu thường lui tới nơi đây để vận động quần chúng. Ở góc đường Espagne và Roland Garros (Thủ Khoa Huân), khách sạn Cửu Long Giang (nay là tòa nhà Pizza 4P) là nơi tổ chức đầu tiên đờn ca tài tử theo dạng phòng trà.

*

Phố chợ Bến Thành tròn 110 tuổi xuân, vẫn luôn sinh động và năng động, được nhiều thế hệ quý mến và nâng niu. Sẽ là một món quà tri ân trọng đại nếu phố chợ Bến Thành sớm được công nhận là di sản về kiến trúc cũng như về thương mại và văn hóa!

Phúc Tiến

__________

(*) Năm 1912, chợ Bến Thành được hãng thầu Brossard et Mopin khởi công xây dựng sau khi trúng thầu với giá trị xây dựng là 975.000 Franc. Khuôn viên chợ có hình chữ nhật, dài 100m, rộng 80m, được chia thành 4 phần đều nhau bằng hai đường đi cắt ngang rộng 20m. Bao xung quanh chợ là vỉa hè rộng 8m

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/bay-ky-quan-cua-pho-cho-ben-thanh-110-tuoi-42561.html