Bây giờ 'chân biển, chân đồng'. Bài 2: Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

Cùng với việc khuyến khích người dân vùng biển tiếp tục nhân rộng các mô hình chuyển đổi sinh kế mang lại hiệu quả kinh tế, nhiều địa phương đã chú trọng làm tốt việc quy hoạch đất đai để di dời các trang trại, gia trại, cơ sở sản xuất ra các khu chăn nuôi tập trung xa khu vực dân cư nhằm từng bước giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi…

> Bây giờ “chân biển, chân đồng”. Bài 1: Bắt cát trắng “đẻ vàng

 Mô hình trồng ném mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Triệu Vân, Triệu Phong

Mô hình trồng ném mang lại hiệu quả kinh tế cao ở xã Triệu Vân, Triệu Phong

Khi nói về những mô hình chuyển đổi sinh kế mang lại hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn xã Trung Giang (huyện Gio Linh), Chủ tịch UBND xã Trung Giang Trần Xuân Tưởng cho biết, để tạo sinh kế bền vững, dài lâu cho người dân, thời gian qua xã đã triển khai thực hiện nhiều mô hình kinh tế thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai vùng cát bạc màu; quy hoạch quỹ đất để tạo điều kiện cho người dân thuê đất xây dựng trang trại, gia trại xa khu dân cư. Từ năm 2016 đến nay, người dân trên địa bàn xã Trung Giang đã xây dựng được 10 trang trại trong đó có 6 trang trại chăn nuôi lợn và 4 trang trại chăn nuôi gà. Các trang trại, nhất là trang trại chăn nuôi gà trên địa bàn xã đã chăn nuôi theo hướng công nghiệp; liên doanh, liên kết với các công ty phân phối, bao tiêu sản phẩm. Bình quân mỗi trang trại chăn nuôi khoảng 4.000 - 5.000 con/lứa (3 lứa/ năm). Thu nhập của mỗi trang trại khoảng 100 - 200 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã hiện có mô hình trồng dưa lưới ở thôn Cang Gián; mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn… mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Qua 3 năm thực hiện việc chuyển đổi sinh kế, đời sống của người dân xã Trung Giang đang từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 là 20 triệu đồng/ năm thì nay tăng lên 30 triệu đồng/năm. Trên cơ sở những mô hình chuyển đổi sinh kế đạt được hiệu quả kinh tế trong thực tế, thời gian tới xã Trung Giang sẽ khuyến khích người dân trên địa bàn tiếp tục nhân rộng mô hình. Có thể nói rằng, hiện tại người dân xã Trung Giang có thể khá lên, giàu lên từ “chân biển, chân đồng”. Bên cạnh đó, để khắc phục tình trạng các trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và nguy cơ lây lan dịch bệnh, xã Trung Giang với sự hỗ trợ tích cực của UBND huyện Gio Linh đã tiến hành quy hoạch khoảng 200 ha cát trắng. Trong những năm tiếp theo, xã sẽ huy động nguồn vốn để đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện để người dân thuê đất phát triển các mô hình kinh tế.

“Sau bao toan tính, trăn trở để tìm hướng đi phù hợp cho người dân vùng cát sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, đến nay xã Hải Khê (huyện Hải Lăng) đã tìm ra lời giải cho bài toàn phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chú trọng bảo vệ môi trường”, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Khê Hà Văn Hiếu nói với chúng tôi như vậy khi gặp anh ở trụ sở UBND xã. Toàn xã Hải Khê có 410 hộ làm nghề biển; 353 hộ làm nghề dịch vụ liên quan đến hậu cần nghề cá. Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, đến nay hầu hết ngư dân thôn Trung An, Thâm Khê (xã Hải Khê) đã trở lại với nghề biển. Định hướng về lâu dài của xã Hải Khê vẫn là tập trung ưu tiên phát triển ngư nghiệp bao gồm cả đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy, hải sản. Chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp trên cát với việc khuyến khích, hỗ trợ người dân xây dựng các mô hình kinh tế để từ đó nhân rộng ra toàn xã. Từ năm 2016 đến nay, xã Hải Khê đã xây dựng 65 mô hình chăn nuôi lợn, bò, nuôi cá nước ngọt và trồng ném... Bên cạnh đó, để tránh việc phát triển trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư, xã đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung với tổng diện tích 10 ha (vốn đầu tư 900 triệu đồng) tại thôn Trung An. Khu chăn nuôi tập trung có hệ thống đường giao thông dài 550 m; hệ thống điện chiếu sáng 550 m…

Đầu năm 2018, xã đã tiến hành phân lô, cấp đất cho các hộ dân làm trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Khu chăn nuôi tập trung này hiện đã hoàn thiện hệ thống đường giao thông, đường điện và đang phục vụ cho 12 hộ chăn nuôi… Xã Hải Khê cũng đang chuẩn bị hoàn thành thêm khu chăn nuôi tập trung thôn Thâm Khê với diện tích 5 ha. Hiện tại, xã đang tiến hành san ủi mặt bằng, phân lô cho các hộ có nhu cầu đến chăn nuôi ở khu chăn nuôi tập trung (đã có 12 hộ đăng kí). Được hỗ trợ đất, vốn làm ăn trong các khu chăn nuôi nên người dân rất phấn khởi, an tâm sản xuất…

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Nguyễn Hồng Phương cho biết, gần 3 năm trước, tỉnh Quảng Trị đã quyết liệt chỉ đạo, điều hành giải quyết sự cố ô nhiễm môi trường biển. Để ổn định cuộc sống lâu dài, bền vững cho người dân 16 xã, thị trấn bị ảnh hưởng sự cố ô nhiễm môi trường biển, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh đã có nhiều giải pháp phù hợp, hiệu quả. Trong các giải pháp, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh luôn quan tâm đến việc rà soát quy hoạch, cải tạo vùng cát trắng để xây dựng các mô hình kinh tế.

Nhiều mô hình chuyển đổi sinh kế hiện nay đã cho ra đời các sản phẩm chủ lực của địa phương. Đơn cử như các mô hình trồng dừa xiêm, đậu xanh, chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, nuôi cá nước lợ, bò sinh sản ở huyện Vĩnh Linh; chăn nuôi bò, lợn bản, gà, chim yến, chim cút và trồng nấm ở huyện Gio Linh; trồng mướp đắng, đậu xanh, gấc, kiệu, chăn nuôi bò thâm canh, lợn nái, lợn thịt, gà ở huyện Triệu Phong; trồng ném, trồng cỏ kết hợp nuôi bò thâm canh, nuôi lợn thịt, lợn nái, gà, vịt ở huyện Hải Lăng. Định hướng của ngành Nông nghiệp và PTNT để phát triển vùng cát trong thời gian tới là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; tiếp tục liên kết, mời gọi các doanh nghiệp có tiềm năng đầu tư vào liên kết với nông dân các xã vùng cát để tổ chức sản xuất trên quy mô lớn; hướng tới xây dựng các sản phẩm chủ lực của các địa phương trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh…

HTS - Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=77&modid=412&itemid=143803