Bầu cử Mỹ 2016: Chưa thể có lựa chọn cuối

Khép lại cuộc tranh luận trực tiếp cuối cùng giữa hai ứng cử viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng - Hillary Clinton của đảng Dân chủ và Donald Trump của đảng Cộng hòa - những cử tri Mỹ còn lưỡng lự dường đã có thể có được sự lựa chọn của mình. Nhưng có lẽ vẫn còn quá sớm để nói về một lựa chọn cuối cùng khi thời gian cán đích còn hơn hai tuần nữa.

Hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ trong cuộc tranh luận lần thứ 3.

Đến với lần tranh luận này, tỷ phú Trump được đánh giá là khá kém cạnh so với đối thủ sau những sự thể hiện khá mờ nhạt trong hai lần tranh luận trước. Cùng với đó là những tiết lộ mới không mấy dễ chịu, những chỉ trích từ cử tri và chính giới. Trong khi đó, nội bộ đảng Cộng hòa cũng bộc lộ sự chia rẽ sâu sắc đối với ứng cử viên mà họ bất đắc dĩ phải ủng hộ này. Kết quả các cuộc thăm dò dư luận mới nhất đều cho thấy đại diện đảng Cộng hòa đang ở thế bám đuổi đối phương với cách biệt xấp xỉ hai chữ số. Tất cả tạo nên cảm giác thiếu an toàn cho những ai ủng hộ tỷ phú này. Vì vậy, các chuyên gia nhận định cuộc tranh luận lần thứ ba chắc chắn không dễ dàng này là cơ hội cuối cùng để ông Trump "đấu tay bo" với bà Clinton với hy vọng vực dậy chiến dịch tranh cử đang đến hồi nước rút.

Trong khi đó, bà Clinton đang ở thế thượng phong với một tỷ lệ ủng hộ ổn định cùng một êkíp hỗ trợ bài bản, kinh nghiệm lâu năm trên chính trường và sự hậu thuẫn tuyệt đối của các chính khách kỳ cựu trong đảng Dân chủ cũng như chính giới Mỹ nói chung. Dù vậy, vẫn có những đốm đen trên bức tranh của bà liên quan tới những cáo buộc về sử dụng địa chỉ thư điện tử (e-mail) cá nhân để xử lý công việc trong thời gian làm ngoại trưởng, vụ rò rỉ thư điện tử mới liên quan đến vụ tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi, Libya, năm 2012 hay quá khứ của chồng bà - cựu Tổng thống Bill Clinton.

Khác với hai lần trước, thay vì tập trung công kích lẫn nhau liên quan tới các vấn đề đời tư, trong cuộc tranh luận này, cả bà Clinton và ông Trump chú trọng tới các nội dung mang tính quốc gia đại sự, gắn liền với các chính sách đối nội và đối ngoại rõ ràng, đó là nợ công, người nhập cư, phát triển kinh tế, cuộc chiến chống khủng bố, quyền sở hữu súng đạn, nạo phá thai... Hai đối thủ đã thể hiện rõ ràng quan điểm khác biệt của mình trong từng vấn đề. Nếu như bà Clinton chủ trương tăng thuế đánh vào tầng lớp người giàu để đảm bảo an sinh xã hội, chú trọng đầu tư cho giáo dục, y tế vì các lợi ích lâu dài thì tỷ phú Trump coi đây là giải pháp không thỏa đáng, thay vào đó ông yêu cầu các nước đồng minh lâu nay được Mỹ hỗ trợ tài chính để đảm bảo an ninh phải hoàn trả cho nước Mỹ những số tiền đó. Trong vấn đề di cư, ông Trump vẫn bảo lưu quan điểm hồi hương người di cư bất hợp pháp, xây dựng tường rào an ninh dọc biên giới với Mexico, trong khi bà Clinton coi đây là kế hoạch "xé tan" nước Mỹ...

Đánh giá về cuộc tranh luận này, giới phân tích cho rằng cả bà Clinton và ông Trump đã có màn thể hiện khá nghiêm túc khi họ sẽ không còn cơ hội để "so găng" trực diện trước ngày bầu cử 8-11 tới. Đây cũng là điều mà các cử tri hy vọng ở hai ứng cử viên này khi chiến dịch vận động tranh cử tại Mỹ năm nay được đánh giá là có quá nhiều bê bối cá nhân không đáng có và sự nổi lên đầy bất ngờ của một chính trị gia xuất thân doanh nhân. So với hai cuộc tranh luận trước, ở lần này, cả hai ứng cử viên đã làm khá tốt vai trò của một chính khách trên đường đua hướng tới đỉnh cao quyền lực đầy quyết liệt và mạnh mẽ. Nhận định ban đầu cho thấy ông Trump đã thể hiện xuất sắc hơn ở hai cuộc tranh luận trước, nhưng cũng như những lần trước, chính khách / doanh nhân này vẫn chưa có đủ sức thuyết phục trước đối thủ Clinton. Trong khi đó, cựu ngoại trưởng vẫn giữ được phong độ ổn định, tạo được một cảm giác an tâm cho người đối diện.

Bầu cử Mỹ năm 2016 là cuộc cạnh tranh giữa một doanh nhân không có gì để mất trên chính trường và một nữ chính khách có sự nghiệp chính trị 30 năm với hai lần thử sức trên đường đua vào Nhà Trắng. Các chuyên gia cho rằng điều khiến cuộc bầu cử năm nay trở nên thú vị chính là ông Trump sẽ không thể trở thành một chính trị gia chuẩn mực trong khi bà Clinton đôi lúc bị dư luận đánh giá là người chỉ biết nói mà không biết làm khi bà nhấn mạnh quá nhiều vào chính sách cũng như việc “sẵn sàng” để bước vào Nhà Trắng. Mặc dù các cuộc thăm dò hiện tại cho thấy phần lớn cử tri sẽ bỏ phiếu cho bà Clinton, nhưng tất cả vẫn phải chờ tới ngày định mệnh 8-11.

M.Châu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/bau-cu-my-2016-chua-the-co-lua-chon-cuoi.aspx