Bát Xát phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực

Huyện Bát Xát đã xây dựng thành công 12 sản phẩm nông nghiệp chủ lực và nâng cao chất lượng, thương hiệu các sản phẩm, tạo chỗ đứng bền vững trên thị trường.

Thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, xã Mường Hum xác định chè là cây trồng chủ lực, từ đó tập trung triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả kinh tế từ cây chè. Thôn Mường Hum hiện có 64 hộ trồng chè, với 46 ha và sản lượng chè búp tươi đạt trên 253 tấn/năm. Tại thôn có Công ty chè Mường Hum, Hợp tác xã chè Hướng Tâm và một số tiểu thương thu mua chè, nên người dân yên tâm sản xuất.

Ông Lương Bá Lập, Bí thư Chi bộ thôn Mường Hum cho biết: Chúng tôi thường xuyên phổ biến kiến thức, kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch chè cho đảng viên, sau đó phân công từng đảng viên phụ trách các nhóm hộ phổ biến cho người dân thực hiện. Trọng tâm là tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân về canh tác chè sạch theo tiêu chuẩn hữu cơ. Nhờ đó, giá chè búp tươi ổn định từ 8.000 - 20.000 đồng/kg.

Để phát triển cây chè, xã Mường Hum phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền, hướng dẫn người dân trồng mới, trồng dặm chè bằng các giống chè mới cho năng suất và chất lượng cao; chú trọng chăm sóc, thu hái, sản xuất chè theo tiêu chuẩn hữu cơ. Hiện xã có gần 120 ha chè, trong đó 75 ha đang cho thu hoạch. Xã phấn đấu đến năm 2025 có hơn 200 ha chè và từng bước xây dựng thương hiệu cho cây chè địa phương.

Xã Phìn Ngan tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện tự nhiên, nguồn lao động, khuyến khích, động viên người dân tận dụng, khai thác tiềm năng, thế mạnh tại chỗ vào phát triển kinh tế gia đình. Xã đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như vùng trồng dưa hấu gần 20 ha, trồng quế hơn 600 ha, nuôi lợn đen bản địa với tổng đàn gần 3.000 con, nuôi cá nước lạnh với 6.000 m3 bể nuôi, xây dựng các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng của địa phương…

Để thực hiện Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện Bát Xát đã rà soát các sản phẩm chủ lực và có tiềm năng của địa phương để quy hoạch vùng hàng hóa tập trung. Huyện phối hợp với Viện Rau quả, Viện Khoa học Nông - lâm nghiệp miền núi phía Bắc tư vấn trong việc quy hoạch, định hướng các loài cây trồng, vật nuôi, vùng sản xuất. Trên các cơ sở nghiên cứu, huyện lựa chọn “10 cây, 2 con” chủ lực theo hướng hàng hóa và liên vùng, gồm: Chè, dược liệu, chuối, dứa, quế, hoàng sin cô, dong riềng, cây rau, dưa hấu, cây ăn quả ôn đới và chăn nuôi lợn đen bản địa, ngựa.

Để chuyển đổi sản xuất hiệu quả, huyện chỉ đạo các xã rà soát tổng thể diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn, với diện tích canh tác nông nghiệp kém hiệu quả, các địa phương xây dựng phương án tư vấn cho người dân chuyển đổi sang các cây trồng chủ lực có giá trị kinh tế cao. Năm 2023, các xã đã chuyển đổi 15,5 ha đất trồng ngô, sắn, vườn tạp kém hiệu quả sang các cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn như chè, cây ăn quả…

Cùng với đó, huyện đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ và tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp ứng công nghệ cao, nông nghiệp an toàn. Hiện trên địa bàn huyện có 7 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm; xây dựng được 5 mã số vùng trồng chuối tại 5 xã, 8 sản phẩm được cục sở hữu trí tuệ bảo hộ (gạo Séng cù, lê Tai nung, táo Mèo, cá nước lạnh, đương quy, xuyên khung, miến đao sâm, hoàng sin cô); có 24 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên.

Thông qua thực hiện các giải pháp phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trên địa bàn huyện đã hình thành và mở rộng diện tích các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gắn với phát triển thương hiệu, như vùng trồng chè 255 ha; cây dược liệu 112 ha; chuối 925,4 ha; dứa 60 ha; quế 3.360 ha; hoàng sin cô 81,5 ha; cây ăn quả ôn đới 383 ha; rau an toàn 56 ha... Bình quân giá trị sản phẩm thu hoạch đạt 78 triệu đồng/ha, cao hơn 20% so với năm 2021. Bên cạnh đó, tổng đàn lợn 51.125 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng hơn 4.500 tấn/năm.

Ông Lý Khánh Lâm, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bát Xát cho biết: Để phát triển các sản phẩm chủ lực theo hướng bền vững, huyện chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp; tăng cường xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản; nâng cao nhận thức của người dân, thay đổi tư duy tiểu nông, chuyển sang phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiện đại…

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bat-xat-phat-trien-san-pham-nong-nghiep-chu-luc-post378253.html