Bất tử quân trong trận chiến thay đổi lịch sử trước Công nguyên

Bất tử quân là một đơn vị ngự lâm gồm 10.000 người, có nhiệm vụ bảo vệ vua Ba Tư và đập tan những đối thủ cứng cựa trên chiến trường.

Trận Marathon

Năm 499 TCN, các thành bang Hy Lạp ở Ionia, thuộc miền duyên hải phía tây Tiểu Á, nổi lên chống lại Ba Tư. Họ kêu gọi các thành bang tại trung Hy Lạp giúp đỡ, nhưng chỉ có Athens và Eretria hưởng ứng. Sau năm năm, cuộc nổi loạn Ionia bị dập tắt, song Vua Ba Tư Darius I không quên mối thù nên đã điều một đại hạm đội đi rửa hận vào năm 490 TCN.

Ảnh minh họa sách.

Sau một tuần vây hãm, hạm đội Ba Tư hạ được Eretria, sau đó tiến xuống Marathon cách Athens không xa. Nắm bắt được tình hình, Athens bèn cử nhiều lính truyền tin - trong đó có những chân chạy như Pheidippides - chạy hàng trăm dặm đến các thành bang Hy Lạp khác để xin cứu viện. Sparta đồng ý giúp, nhưng bấy giờ đang dịp lễ Carneia nên họ chậm trễ mất mười ngày.

Thấy đồng minh chưa thể đến ngay, hai vị tướng Athens là Callimachus và Miltiades dẫn 10.000 trọng giáp bộ binh hành quân 40 km từ Athens đến Marathon, vừa kịp lúc để ngăn cản Ba Tư tấn công.

Trong vài ngày tiếp theo, Ba Tư đưa kị binh trở lên tàu, chuẩn bị đánh trực tiếp vào Athens. Quân đội hai bên giao chiến sau khi Athens nhận thêm viện binh từ thành bang Plataea.

Trọng giáp bộ binh Hy Lạp dàn thành phương trận, suýt nữa bao vây được đối phương, song nỗ lực ấy có thể đã vô ích nếu như sau trận đánh, các chiến binh Athens không kịp rút ngay về thành, ngăn đội tàu Ba Tư đổ bộ.

Khi quân Sparta tới nơi, hai tướng chỉ huy Ba Tư là Datis và Artaphernes đành rút hạm đội trở về. Hy Lạp được yên bình mười năm trước khi Ba Tư xâm lấn lần nữa.

Phương trận bộ binh

Khoảng năm 700 TCN tại Hy Lạp, văn hóa đánh trận theo kiểu quý tộc như trong sử thi Homer bị thay thế bởi chiến thuật phương trận - một đội hình chiến đấu chắc chắn, kỷ luật, với chiều sâu tám hàng và binh lính toàn là công dân có sở hữu đất đai.

Mỗi người lính đều được trang bị giáo dài, đoản kiếm, giáp che ngực dày bằng đồng và một khiên tròn lớn gọi là hoplon, chữ hoplite (trọng giáp bộ binh) là từ đây mà ra.

Khi dàn trận chặt chẽ, những tấm khiên sẽ bảo vệ cho phần không được che chắn của người đứng bên trái người mang khiên. Giáo từ phương trận đâm ra tua tủa, khiến nó gần như bất khả xâm phạm. Khi hai phương trận giao chiến, hầu hết thương vong chỉ xảy ra khi một bên bị vỡ trận, bỏ chạy.

Chi tiết

Quân Hy Lạp đến Marathon, dựng trại bên một rừng cây, chặn đường Ba Tư tiến vào Athens. Tuy nhiên, vì sợ phải đối đầu với lực lượng Ba Tư cơ động hơn ở nơi đồng trống nên họ không tiến xa hơn, hy vọng viện binh Sparta sẽ đến kịp.

Khi một phần hạm đội Ba Tư, với hầu hết kị binh trên boong, rời đi Athens, hội đồng tướng lĩnh Hy Lạp vẫn phân vân chưa biết hành động ra sao. Tướng Miltiades đã thuyết phục họ đoàn kết lại để tấn công.

Chỉ huy Hy Lạp Callimachus cắt giảm số lính ở trung quân, tăng cường lực lượng hai cánh. Hy Lạp nhanh chóng áp sát, khiến cung thủ Ba Tư không kịp tung ra những làn mưa tên chết người. Nhận thấy trung quân đối phương yếu ớt, Ba Tư bèn tràn vào đấy, nhưng đúng lúc ấy, hai cánh quân của họ liền bị phương trận tấn công, đẩy lùi.

Từ hai bên, hoplite Hy Lạp đánh ép vào giữa, đe dọa bao vây toàn quân Darius. Binh lính Ba Tư tan hàng rã ngũ, bỏ chạy về tàu. Trên đường rút lui, họ bị hoplite truy kích, lọt vào vùng đầm lầy; hàng ngàn người bỏ mạng. Bảy tàu Ba Tư rơi vào tay Hy Lạp, số còn lại chạy thoát. Tuy liên minh Athens và Plataea giành được thắng lợi quan trọng và chỉ tổn thất 192 hoplite, nhưng những chiến thuyền Ba Tư đã rời đi từ trước, chở theo kị binh vẫn hướng tới Athens. Quân Hy Lạp quay về, bảo vệ thành công thành bang.

Bất tử quân

Bất tử quân là một đơn vị ngự lâm gồm 10.000 người, có nhiệm vụ bảo vệ vua Ba Tư và đập tan những đối thủ cứng cựa trên chiến trường. Ngoài Bất tử quân còn có các đội binh ưu tú khác, cũng được trang bị giáo dài và cung tên. Trong trận Marathon, họ tập trung ở trung quân Ba Tư, để cho những binh sỹ ít kinh nghiệm trấn giữ hai cánh.

Lợi thế chiến thuật

Nhằm chặn đường tiến của quân xâm lược Ba Tư, Leonidas đóng chốt tại Cổng Giữa của Thermopylae, thuộc miền trung Hy Lạp. Đây là cái khe hẹp vỏn vẹn 15m, với một bên là nước, bên kia là bờ dốc đứng. Dốc này cùng với một tường thành được xây hàng thập niên trước đó, tạo nên một địa thế gần như bất khả xâm nhập.

DK/Đông A - NXB Dân Trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/bat-tu-quan-trong-tran-chien-thay-doi-lich-su-truoc-cong-nguyen-post1466295.html