Bắt tay 'đánh thức' Hải Vân quan

Với Hải Vân quan, Chứng nhận Di tích cấp quốc gia là quan trọng để có được cái gọi là chính danh. Nhưng có lẽ quan trọng hơn nữa là cái bắt tay giữa Đà Nẵng và TT- Huế sau nhiều năm "vùng vằng", để vừa cùng nhau thực hiện công tác bảo tồn, trung tu, vừa làm sống lại và khai thác những giá trị lịch sử, văn hóa trên thiên hạ đệ nhất hùng quan.

Chấm dứt cảnh "một duyên hai nợ âu đành phận"

Hải Vân quan trên đỉnh đèo Hải Vân được triều Nguyễn xây dựng năm Minh Mạng thứ 7 (1826), nằm trong hệ thống phòng thủ của kinh đô Huế xưa. Ngày nay, địa danh này là vùng giáp ranh giữa TP Đà Nẵng và tỉnh TT-Huế. Số phận long đong của Hải Vân quan xuất phát từ nhiều yếu tố, nhưng nguyên cớ được xem là quan trọng nhất chính là việc hai địa phương chưa tìm được tiếng nói chung trong một vài vấn đề thuộc về ranh giới địa lý. Với một chứng tích mang trên mình nhiều ý nghĩa thì đây hẳn là một lý do không thỏa đáng.

Trước đây, TT-Huế đã từng một lần đề nghị công nhận Di tích tích lịch sử cấp quốc gia với Hải Vân quan nhưng Bộ VH-TT&DL chưa đồng ý. Cũng vì cái cảnh "một duyên hai nợ" nên trong sự biến thiên của tạo hóa, sự bào mòn của thời gian, Hải Vân quan nằm hoang phế "năm nắng mười mưa" ở đó suốt bao năm nay... Nhưng bây giờ đã khác, gạt qua những điều không đáng, Đà Nẵng và TT-Huế đã bắt tay cùng nhau phục hồi, tu bổ công trình có ý nghĩa lịch sử quan trọng này. Cũng là lúc Hải Vân quan có được chính danh: Di tích cấp quốc gia do Bộ VH-TT&DL xếp hạng.

Ông Lại Văn Hà, một người gắn bó với đỉnh đèo Hải Vân gần nửa thế kỷ, từng chứng kiến hết những câu chuyện thăng trầm của Hải Vân quan, tỏ ra không mấy bất ngờ với thông tin Đà Nẵng và TT-Huế sẽ cùng đón Bằng chứng nhận di tích cấp quốc gia cho di tích. "Huế với Đà Nẵng chứ phải mô nước này với nước nọ đâu mà để người ta phải chứng kiến sự xót xa kéo dài hàng thế kỷ như vậy. Ở đó, từng là một quần thể kiến trúc độc đáo, chứ không phải hoang phế, gãy đổ, phân tán như bây giờ đâu. Nhưng thời gian và cả con người đã lấy đi nhiều thứ, khiến nó trơ gan cùng tuế nguyệt. Bên ni và bên kia con đèo lịch sử, há chẳng phải là Việt Nam mình cả. Cớ chi giờ này mới có thể bắt tay nhau"-ông Hà tâm sự.

Ông còn bảo, phía sau cái quán nhỏ ông dựng lên đầu tiên trên đỉnh đèo này, còn một góc của phiến đá có in dòng chữ rất lạ kèm nhiều hoa văn, ông đào được dưới lớp đất mà hàng triệu khách du lịch đã đi qua một cách vô tình. Ngay khi hai địa phương cùng nhận Bằng công nhận di tích, rồi cùng bắt tay trùng tu, tôn tạo, ông sẽ tặng lại nó. Trên đỉnh Hải Vân này, bao năm qua, ông Hà còn âm thầm làm một việc là tạo ra khu vườn nhỏ, sắp đặt bằng những gì được coi là linh hồn của vùng đất này. Du khách được tham quan miễn phí, như là để bù cho sự hụt hẫng của họ trước sự hoang phế của Hải Vân quan.

Danh chính, ngôn cũng thuận

Ngày 24-4 vừa qua có lẽ là một bước ngoặt với Hải Vân quan, sau khi Bộ VH-TT&DL chính thức xếp hạng Di tích cấp quốc gia, lãnh đạo ngành văn hóa của Đà Nẵng và TT- Huế đã cùng có mặt tại thực địa, bắt tay khởi động những công việc quan trọng để "giải cứu" di tích sau nhiều lần bàn thảo về chủ trương. Và hôm nay, Hải Vân quan sẽ được khoác lên mình chiếc áo mới. Quan trọng hơn nữa, những "vùng vằng" ngày xưa sẽ không còn, hai địa phương sẽ bắt tay cho quá trình trùng tu, tôn tạo và bảo vệ. Giám đốc Sở VH-TT TP Đà Nẵng Huỳnh Văn Hùng khẳng định, Hải Vân quan đã có đủ cơ sở pháp lý để được bảo vệ theo Luật Di sản. Việc đầu tiên hai Sở bàn bạc là phải có hành động cấp thiết khắc phục tình trạng xuống cấp di tích. Ông Phan Tiến Dũng-Giám đốc Sở VH-TT TT-Huế cũng cho rằng, việc cần làm ngay lúc này là ngành văn hóa hai địa phương phải tham mưu cho UBND tỉnh TT-Huế và TP Đà Nẵng chỉ đạo công tác cắm mốc khoanh vùng bảo vệ di tích theo hồ sơ khoa học; dựng biển giới thiệu về di tích (tiếng Việt và tiếng Anh) và bản đồ khoanh vùng bảo vệ di tích; ban hành quyết định phân cấp quản lý di tích.

Cả hai bên cũng đề xuất nghiên cứu để di dời, loại bỏ các bộ phận hạng mục công trình không liên quan đến các yếu tố gốc của di tích. Ngay sau khi nhận Bằng chứng nhận, một công việc hết sức quan trọng của hai địa phương chính là thực hiện cắm mốc vùng bảo vệ của Hải Vân quan. Khi đã cùng bắt tay để tôn tạo, quản lý thì việc ra đời một bộ tiêu chí quản lý, trùng tu, bảo tồn, phát huy di tích cũng là rất cần thiết, mà theo ngành văn hóa của hai địa phương thì sau này dù được quản lý bằng đơn vị nhà nước hay tư nhân thì đây cũng sẽ là điều phải được coi trọng.

Người dân buôn bán trên đỉnh đèo Hải Vân mấy chục năm nay chưa bao giờ thấy được cảnh tượng gần gũi, dễ chịu đến thế. Trước cổng Hải Vân quan, "tư lệnh" ngành văn hóa của Đà Nẵng và TT-Huế đã có cú bắt tay được xem là "lịch sử", đưa những "vùng vằng" vào quá khứ vì những giá trị văn hóa cần được hồi sinh. Chứng kiến cảnh đoàn người hối hả chuẩn bị lễ đón Bằng chứng nhận cho Hải Vân quan, bà Ngô Thị Phương, người đã 30 năm buôn bán tại đây vui mừng lắm. Bà nói, có chứng kiến việc du khách hỏi vì sao Hải Vân quan như rứa mới hiểu nỗi xót xa của những người đã gắn cuộc sống với đỉnh của thiên hạ đệ nhất hùng quan. "Giờ thì danh chính rồi, ngôn cũng thuận rồi, hai bên vui vẻ thế cơ mà. Cái chi cũng làm được, miễn là mình thuận chú à. Mấy bữa ni bà con vui lắm, Hải Vân quan hồi sinh, tụi tui như trẻ lại", bà Phương hể hả.

Công Khanh

Hải Vân quan sẽ được trùng tu, tôn tạo và bảo vệ. Ảnh: Công Khanh Khu tham quan miễn phí của ông Lại Văn Hà trên hải Vân quan.

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/113_166534_ba-t-tay-da-nh-thu-c-ha-i-van-quan.aspx