"Bát sữa chia ba"

QĐND - “Ngày 3 tháng 6 năm 1968. Chúng tôi dậy từ 4 giờ 30 phút. Tiếp tục hành quân vòng xuống Quảng Trị. Tôi đi trước cùng Đại đội phó Cáp và bộ phận anh nuôi.

Tối qua, đổi được ít gạo nếp, sau bao ngày không có gạo, anh em được ăn bát cơm nếp thật nhớ đời. Tôi ăn một nửa, còn một nửa để dành sáng mai ăn thay cơm phụ.

Rời đường giao liên, dãy Trường Sơn lại sừng sững hiện ra trước mặt. Đường đi bắt đầu nhiều dốc. Đường lại trống. L19 vè vè liên tục trên đầu. Có nhiều cái dốc cao, khi xuống hai gối run như múa, nhưng khó khăn, gian khổ nào cản nổi bước chân chúng tôi. Nhận thấy sự phấn đấu của bản thân còn nhiều hạn chế, nhiều lúc tôi nghĩ cũng thấy chán nản, nhưng rồi lại tự nhủ, đây là cơ hội nghìn năm có một để thực hiện lý tưởng, hoài bão của mình, phải cố lên thôi. Sắp bước vào chiến đấu, điều kiện phấn đấu chắc là sẽ có nhiều hơn".

Một trang nhật ký của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi.

Hơn 10 giờ thì đến chỗ nghỉ. Tôi dẫn Trung đội 2, Trung đội 3 về chỗ nghỉ rồi mới về ăn cơm. Đang đào hầm thì trời lại đổ mưa. Xuống suối rửa chân tay, tôi về lại tổ liên lạc. Anh em chia nhau một bát sữa. Uống xong, tôi ngồi làm bài thơ “Bát sữa”. “Đại đội là nhà/Tổ ba ba là anh em ruột thịt/Câu chuyện tâm tình những buổi tối trong tăng/Lê Xuân Khoát tổ viên/Người quê hương Chùa Nấu/Quê hương anh bên cạnh đường băng/Lê Văn Thường, người tổ viên ít tuổi/Mà tổ tôi coi như cậu em/Những buổi đêm, ba chúng tôi ngồi tâm sự/Thường lại khoe, quê cậu đẹp, Vĩnh Yên… Chúng tôi thương nhau/Coi nhau như máu mủ/Những lúc lên đường/Hay trong chặng trú quân/Khi vắng nhau lòng buồn rười rượi/Mong nhau về, ấm áp mối tình quân/Sau những buổi hành quân/Đường xa nhiều dốc/Về đến nơi, vẫn đủ mặt bộ ba/Chúng tôi nhìn nhau phấn khởi/Ba thìa đường, một bát sữa chia ba…”

Toàn bộ những ghi chép trên nằm trong trang 52-53 của Nhật ký Nguyễn Văn Hợi: “Từ Khe Sanh đến Thành cổ Quảng Trị”, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, xuất bản tháng 6-2011.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi, khi đọc lại dòng nhật ký này đã ngậm ngùi kể: Đồng chí Lê Xuân Khoát mà tôi nhắc đến trong bài thơ, quê ở thôn Chùa Nấu, xã Hiền Linh, huyện Kim Anh, tỉnh Vĩnh Phúc; nay thuộc huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Lê Xuân Khoát đã hy sinh ngày 18-2-1970 trên đường tiến công tiêu diệt Mỹ-ngụy ở điểm cao 300 Đất. Còn Lê Văn Thường, quê ở xóm Gẩu, thị xã Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc. Khi bước vào chiến đấu, Thường là Dũng sĩ diệt Mỹ cấp ưu tú, thương binh hạng 4/4, đã phục viên. Một ngày vào khoảng năm 2005-2006, ông Hợi đi tìm lại ông Thường và đã gặp khi ông Thường đang làm bảo vệ cho Tòa án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc.

Bài thơ “Bát sữa chia ba” trở thành kỷ niệm không thể nào quên trong bước đường chiến đấu của cựu chiến binh Nguyễn Văn Hợi.

Bài và ảnh: Nguyễn Hồng

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/10/52/52/182146/Default.aspx