Bất ổn ở Trung Đông thử thách vai trò ngoại giao hòa giải của Trung Quốc

Trung Quốc đang muốn mở rộng ảnh hưởng ở mọi nơi, kể cả ở Trung Đông, nhưng lại gặp khó trong việc giải quyết các vấn đề an ninh hóc búa của khu vực.

Các cột khói bốc lên sau khi Israel không kích vào Gaza. Ảnh: timesofisrael.com

Theo bình luận của hãng tin Reuters ngày 10/10, khi Trung Quốc công bố một thỏa thuận bất ngờ nhằm khôi phục quan hệ giữa Saudi Arabia và Iran trong năm nay, điều đó báo hiệu mong muốn của Bắc Kinh trở thành một cường quốc ngoại giao ở Trung Đông. Nhưng cuộc xung đột mới bùng phát giữa Israel và Hamas đặt ra những thử thách với tham vọng đó.

Sau thỏa thuận Saudi Arabia - Iran hồi tháng 3 năm nay mà Bắc Kinh làm trung gian, truyền thông Trung Quốc đã ca ngợi vị thế ngày càng tăng của nước này trong một khu vực do Mỹ thống trị từ lâu. Nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị cho biết nước này sẽ tiếp tục đóng vai trò mang tính xây dựng trong việc giải quyết các “vấn đề điểm nóng” toàn cầu.

Nhưng sau vụ tấn công của lực lượng Hamas và sự đáp trả của Israel hơn 3 ngày qua, phản ứng của Trung Quốc dường như khá nhẹ nhàng. Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc chỉ nhấn mạnh hai bên giảm căng thẳng và kêu gọi Israel cùng Palestine theo đuổi “giải pháp hai nhà nước” cho một Palestine độc lập. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng chưa có tuyên bố nào về sự kiện này.

“Chúng tôi đã nói rõ rằng Trung Quốc rất quan ngại về sự leo thang liên tục của cuộc xung đột Palestine - Israel và kêu gọi tất cả các bên liên quan ngừng bắn và ngừng giao tranh ngay lập tức", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin ngày 10/10 cho biết, lưu ý rằng Bắc Kinh sẵn sàng duy trì liên lạc với tất cả các bên và nỗ lực không ngừng vì hòa bình và ổn định ở Trung Đông.

Bill Figueroa, Phó Giáo sư tại Đại học Groningen ở Hà Lan và là chuyên gia về Trung Quốc - Trung Đông, nhận định rằng chắc chắn cuộc xung đột mới nổ ra giữa Israel và Hamas sẽ thử thách vai trò của Trung Quốc như là "tay chơi lớn" ở Trung Đông. Một số nhà quan sát cho rằng có lẽ tính trung lập của Trung Quốc phần nào làm suy yếu tuyên bố của Bắc Kinh như một nhà môi giới hòa bình không thiên vị trong khu vực.

Các nhà phân tích cũng cho rằng điều đó không có gì đáng ngạc nhiên. Ngoại giao của Trung Quốc từ lâu đã tránh rủi ro, và cuộc xung đột ngày càng leo thang giữa Israel và Hamas khiến các nhà ngoại giao của nước này rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, do sự ủng hộ mang tính lịch sử của Trung Quốc đối với người Palestine và sự cạnh tranh của nước này với Mỹ ở Trung Đông.

Sau khi từ bỏ chính sách "Zero-COVID" kéo dài gần 3 năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động một nỗ lực ngoại giao nhằm đối trọng với Mỹ và các đồng minh của nước này, những quốc gia mà Bắc Kinh cho rằng đang tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của họ.

Bắc Kinh đã tăng cường liên kết với các nhóm đa phương không phải do phương Tây lãnh đạo như khối BRICS, đồng thời duy trì mối quan hệ với Nga bất chấp cuộc xung đột ở Ukraine và tăng cường quan hệ với các nước ở Trung Đông cũng như "Nam toàn cầu" (các nước đang phát triển và mới nổi khác).

Mặc dù có cơ hội phát huy thành công sau việc môi giới bình thường hóa giữa Iran và Saudi Arabia, nhưng Trung Quốc khó có thể can dự sâu vào cuộc khủng hoảng hiện tại ở Trung Đông, khi chính sách không can thiệp lâu đời đôi khi có thể xung đột với mục tiêu trở thành cường quốc trên trường quốc tế của Bắc Kinh.

Steve Tsang, Giám đốc Viện SOAS về Trung Quốc có trụ sở ở London cho biết: “Trung Quốc đang muốn mở rộng ảnh hưởng ở mọi nơi, kể cả ở Trung Đông, nhưng cuối cùng họ lại gặp khó trong việc giải quyết các vấn đề an ninh hóc búa của khu vực".

Trung Quốc trước đây cũng đã từng tham gia giải quyết các vấn đề Israel - Palestine. Đặc phái viên của Trung Quốc tại Trung Đông, Zhai Jun, đã tiếp xúc với các quan chức từ Israel và chính quyền Palestine cũng như Liên đoàn Arab và EU trong năm ngoái để thảo luận về giải pháp hai nhà nước và công nhận cho Palestine tại Liên hợp quốc. Nhưng các mối quan hệ khu vực lâu đời của Trung Quốc, bao gồm cả với người Palestine, đã hạn chế các lựa chọn của nước này.

Với cuộc xung đột hiện tại, một số học giả Trung Quốc cho rằng việc không quan tâm đến người Palestine và thỏa thuận do Mỹ dẫn đầu nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Saudi Arabia và Israel là những nguyên nhân sâu xa thúc đẩy khủng hoảng.

Liu Zhongmin, Giáo sư tại Viện Nghiên cứu Trung Đông của Đại học Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói trong một cuộc phỏng vấn: “Yếu tố bên ngoài quan trọng nhất đằng sau cuộc xung đột giữa Israel và Palestine là nỗ lực của Mỹ nhằm thực thi Hiệp định Abraham (thỏa thuận hòa bình giữa Israe và các nước thuộc khối Arab). Việc đạt được hòa bình ở khu vực Trung Đông và việc giải quyết công bằng vấn đề Palestine là không thể tách rời”.

Về phần mình, Jean-Loup Samaan, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Trung Đông thuộc Đại học Quốc gia Singapore, kết luận: “Trung Quốc rất thành công trong môi trường ổn định ở Trung Đông khi có thể làm trung gian cho các thỏa thuận hòa giải giữa Saudi Arabia và Iran. Nhưng khi nói đến quản lý xung đột, đó lại là một tình huống rất khác. Và tôi không nghĩ Trung Quốc từng muốn đóng vai trò đó”.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo Reuters)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/bat-on-o-trung-dong-thu-thach-vai-tro-ngoai-giao-hoa-giai-cua-trung-quoc-20231010215333074.htm