Bắt nhịp sôi động thị trường xuất khẩu

Mới đầu năm nhưng giá trị xuất khẩu các loại hàng hóa của Việt Nam đã tăng vọt so với cùng kỳ năm trước, nhiều doanh nghiệp (DN) có được hợp đồng xuất khẩu lớn. Tín hiệu vui này hứa hẹn một năm bội thu với kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu năm 2024 sẽ tăng trên 6% so với năm ngoái.

Nông dân thu hoạch rau xà lách tại trang trại rau của Công ty TNHH Trang trại Trường Phúc (TP Đà Lạt) để đóng gói xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Ảnh: ĐOÀN KIÊN

Được mùa, được giá

Ghi nhận thực tế cho thấy, ngay từ đầu năm, nhiều nhóm hàng nông sản thực phẩm của Việt Nam đã “bật tăng xuất khẩu” khi được nhiều nhà mua hàng trên toàn cầu “săn đón”. Có thể kể đến 7 DN Việt Nam đã trúng 10/17 gói thầu cung cấp trên 300.000 tấn gạo cho Indonesia. Các DN cũng đang tiếp tục tham gia gói thầu khác của Indonesia khi nước này đã công bố kế hoạch tiếp tục nhập khẩu 2 triệu tấn gạo trong năm 2024.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc đã mở thầu nhập khẩu gạo và dành cho Việt Nam tổng hạn ngạch là 55.000 tấn. Riêng tại thị trường Philippines, Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ bán 1,5-2 triệu tấn gạo mỗi năm trong 5 năm... Những tín hiệu tích cực này đã ngay lập tức tác động mạnh đến hoạt động sản xuất lúa gạo tại khu vực ĐBSCL. Ngay sau kỳ nghỉ tết, các giao dịch bán buôn lúa gạo bắt đầu sôi động.

Tại 2 tỉnh đầu nguồn là An Giang và Đồng Tháp, các giống lúa Đài thơm 8 dao động ở mức giá 9.300-9.500 đồng/kg; lúa OM 18, OM 5451, nàng hoa… ở mức 9.200-9.400 đồng/kg. Hiện, các tỉnh ĐBSCL đã tuân thủ tốt lịch xuống giống để né hạn mặn, nên các trà lúa hứa hẹn bội thu với sản lượng ước đạt trên 10,6 triệu tấn lúa trong vụ đông-xuân này.

Cùng với nhóm hàng lúa gạo thì sầu riêng cũng đang là nông sản xuất khẩu được quan tâm. Tại Tiền Giang, ngay sau Tết Nguyên đán, sầu riêng được các thương lái thu mua giá cao ở mức 180.000-200.000 đồng/kg sầu riêng giống Mongthon, 140.000-160.000 đồng/kg sầu riêng giống Ri6... “Đây là mức giá cao nhất trong 2 năm qua, nhà vườn có thể lãi hơn 1,8 tỷ đồng/ha”, ông Lương Thành Tâm, chủ vườn sầu riêng ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) cho hay.

Hàng trăm hộ nông dân trồng sầu riêng ở các huyện Cái Bè, Tân Phước (Tiền Giang), Phong Điền (Cần Thơ), Giồng Riềng (Kiên Giang)… đang tập trung bón phân, tưới nước, ngăn mặn, kỳ vọng cây sầu riêng phát triển tốt, đạt năng suất cao trong vụ thu hoạch tới.

Còn tại khu vực Tây Nguyên, người dân đang thắng lớn khi giá thu mua cà phê, rau củ quả các loại lập kỷ lục mới. Ông Đoàn Mạnh Trình, Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Cà phê Tám Trình (huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) phấn khởi cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, đã xuất bán được gần 3.000 tấn cà phê, giá trị khoảng 300 tỷ đồng. Cà phê đang được thu mua ở mức khoảng 70.000-80.000 đồng/kg.

“Xuất khẩu cà phê đầu năm được giá là do DN đã chú trọng sản xuất cà phê hữu cơ, xây dựng truy xuất nguồn gốc, vùng nguyên liệu. Ngoài ra, DN đã chủ động tìm kiếm thị trường nên tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn của các nước xuất khẩu, dẫn đến có được thị trường ổn định. Sản phẩm cà phê Tây Nguyên đã có mặt 64 quốc gia, vùng lãnh thổ trên toàn cầu”, ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai chia sẻ.

Ông Hoàng Khánh Duy, Phó trưởng Ban Quản lý khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng (tỉnh Lạng Sơn), phát biểu, trong dịp tết vừa qua đã có hơn 12.800 tấn nông sản và trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua các cửa khẩu ở địa phương này. Từ ngày 18-2 đến nay, tất cả 7 cửa khẩu ở Lạng Sơn đã thông quan bình thường trở lại, mỗi ngày có khoảng 400 xe hàng hóa được thông quan.

Còn ở khu vực Tây Bắc, các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai không nghỉ tết do lượng hàng xuất khẩu tăng vọt. Chi cục Hải quan cửa khẩu Lào Cai thông tin, kim ngạch xuất khẩu qua Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai) trong kỳ nghỉ tết tăng tới 391% so với cùng kỳ năm 2023.

Thông suốt từ sản xuất đến thị trường

Dự báo tình hình xuất khẩu năm 2024, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải cho rằng, tính chung đến tháng 1-2024, xuất khẩu nông lâm thủy sản đã đạt 5,14 tỷ USD, tăng tới 79,2% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, năm nay kinh tế toàn cầu được dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Nông dân tỉnh Đắk Lắk sản xuất cà phê chất lượng cao nhằm nâng giá trị sản phẩm. Ảnh: MAI CƯỜNG

Về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong cả năm 2024, ở góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Tam Bình (huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang), cho biết, ngay sau tết, chính quyền địa phương đã vận động bà con thực hiện các giải pháp để cây ăn trái phát triển tốt, như nạo vét các mương vườn, gia cố các nắp bọng, đê bao, tích nước ngọt để tưới; chủ động tiết kiệm nước, ngăn mặn. Địa phương cũng đã đưa vào hoạt động 4 cống ngăn mặn trên địa bàn.

Với tỉnh Cà Mau, ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh, cho hay, sẽ tập trung xây dựng vùng sản xuất nguyên liệu tập trung ứng dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến phục vụ cho chế biến hàng xuất khẩu. Tỉnh Cà Mau sẽ hỗ trợ DN tăng cường liên kết trong việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến; tiếp cận thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu.

Ở góc độ quản lý, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng chia sẻ, bộ sẽ tăng cường hàng loạt giải pháp thúc đẩy xuất nhập khẩu trong năm 2024 như: tiếp tục đàm phán, ký kết các hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới… với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp Bộ NN-PTNT đàm phán với Trung Quốc mở cửa thêm thị trường xuất khẩu cho các mặt hàng rau quả khác và điều tiết tốc độ thông quan tại các cửa khẩu ở phía Bắc.

Bên cạnh đó, sẽ tăng cường tháo gỡ những hàng rào phòng vệ thương mại do nước nhập khẩu dựng lên, thúc đẩy công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của nước ta sang thị trường Hoa Kỳ.

Thúc đẩy giải pháp xanh hóa nông sản

Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, trong bối cảnh 3 “biến” (biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng thế giới) đã và đang tác động tiêu cực đến ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam nói chung và nông sản nói riêng. Từ đó, đòi hỏi doanh nghiệp, người dân, nhà quản lý và nhà khoa học phải bắt tay chặt chẽ hơn để đáp ứng rào cản, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng nghiêm ngặt của thị trường.

Ngoài ra, người sản xuất phải đảm bảo tuân thủ trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ môi trường thông qua việc giảm thiểu sử dụng đầu vào có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải. Chính từ bối cảnh ấy, Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 đã được ban hành. Qua đó, tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị; phát triển bền vững ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa...

Nâng quy mô hoạt động xúc tiến giao thương

Theo ông Vũ Bá Phú, Vụ trưởng Vụ Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương, năm 2024, bộ sẽ tổ chức hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại với quy mô lớn và đa dạng nhất từ trước đến nay. Ngoài những hoạt động xúc tiến truyền thống như Triển lãm quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt Việt Nam; Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam; Triển lãm quốc tế Công nghiệp thực phẩm Việt Nam… sẽ có thêm các hoạt động xúc tiến mới như triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu, hội chợ quốc tế cung ứng các sản phẩm công nghiệp năm 2024…

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng sẽ tổ chức xúc tiến thương mại mở rộng xuất khẩu tại 6 vùng kinh tế: trung du và miền núi phía Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, bộ sẽ tổ chức hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm DN Việt Nam tại nước ngoài, tạo điều kiện DN tiếp cận nhiều đối tác, nhà mua hàng trên toàn cầu, kỳ vọng đem lại các hợp đồng xuất khẩu lớn...

Xuất khẩu phần mềm tăng trưởng tích cực

Theo Cục Thống kê TP Đà Nẵng, tháng 1-2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hai chiều đạt 226 triệu USD, tăng 14,3% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Nổi bật nhất của Đà Nẵng chính là xuất khẩu phần mềm tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu phần mềm toàn thành phố đạt 147,8 triệu USD, đạt 101,25% so với kế hoạch và tăng 12% so với năm 2022. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu phần mềm tại TP Đà Nẵng duy trì được đà tăng trưởng 2 con số liên tục trong nhiều năm trở lại đây.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bat-nhip-soi-dong-thi-truong-xuat-khau-post727482.html