Bát nháo liên kết dạy kỹ năng sống: Cấm hay quản?

Cần rà soát tổng thể các chương trình dạy kỹ năng sống trước khi đưa vào giảng dạy tại các trường phổ thông tránh hệ lụy xấu, đặc biệt tai nạn khi tham gia học tập trải nghiệm bên ngoài nhà trường.

Mặt trái của liên kết kỹ năng sống

Đầu năm học mới, nhiều phụ huynh phản ánh tình trạng nhà trường lạm thu. Trong đó, có những khoản thu phục vụ cho việc học sinh học tập trải nghiệm và trau dồi kỹ năng sống. Thực tế, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 dạy kỹ năng sống cho học sinh được nhấn mạnh. Do đó, chương trình đã thiết kế để học sinh có thời gian học nhiều kỹ năng sống và trải nghiệm để từ đó hình thành phẩm chất, năng lực của học sinh.

Cũng vì thế, các nhà trường đã đưa vào các chương trình trải nghiệm và dạy kỹ năng sống cho học sinh bằng cách liên kết với các doanh nghiệp, trung tâm ngoài nhà trường. Nhiều chương trình liên kết kỹ năng sống mang lại giá trị, ý nghĩa nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều chương trình ý nghĩa thì cũng không ít những chương trình đậm tính chất thương mại, thậm chí mang tính áp đặt để lạm thu.

Học kỹ năng sống là cần thiết nhưng không nên tổ chức tràn lan mà có chọn lọc. Ảnh nguồn Internet.

Liên kết dạy kỹ năng sống có đúng luật?

Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28/02/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc Ban hành Quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa; được Chính phủ quy định tại Nghị định 24/2021/NĐ-CP ngày 23/3/2021 quy định việc quản lý trong cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông công lập. Theo đó, tại khoản 2, Điều 6 Nghị định 24 nêu: “Cơ sở giáo dục được chủ động liên kết với các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở nghiên cứu, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các tổ chức, cá nhân và gia đình học sinh để tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với điều kiện của địa phương theo quy định của pháp luật”. Như vậy, việc mời các đơn vị ngoài nhà trường vào dạy học sinh là chủ trương cho phép.

Tôi bất ngờ vì sao phải thuê trung tâm bên ngoài về dạy học cho học sinh trong khi những kỹ năng đó đáng lẽ thầy cô giáo phải hướng dẫn cho các em” – Chị Hoàng Thị Loan ở Ba Đình Hà Nội chia sẻ khi biết trường con mình có chương trình dạy kỹ năng sống. Nhiều năm qua đã có những chuyến du lịch được thiết kế cho học sinh núp danh dạy kỹ năng sống, trải nghiệm. Nhiều trường đã tổ chức đi nghỉ xuyên đêm đối với học sinh phổ thông mà những chuyến đi như vậy tiêu tốn gần 1 triệu đồng/học sinh. Giá trị giáo dục mang lại cho các em rất hạn chế nhưng số tiền phải chi là rất lãng phí.

Chị Nguyễn Thu Hạnh ở Thanh Xuân, Hà Nội cho rằng, bỏ gần 1 triệu đồng để cho con đi trải nghiệm với các bạn hai ngày một đêm là điều không phải phụ huynh nào cũng có tiền để chi. Việc hằng năm các nhà trường tổ chức nhiều chương trình như vậy núp danh tự nguyện nhưng thực tế chả khác gì ép buộc. “Nếu bạn nào không đăng ký tham gia thì giáo viên họ thái độ ngay” - chị Nguyễn Thu Hạnh chia sẻ. Thậm chí, theo ghi nhận của phóng viên đã có trường học còn có hình phạt đối với những học sinh không đăng ký tham gia trải nghiệm như bắt đi dọn vệ sinh trong thời gian các bạn cùng lớp đi du lịch.

Sự hữu ích của những chuyến đi như này đối với học sinh như thế nào chưa thể đong đếm nhưng hậu quả thì đã xảy ra nhiều chuyện đau lòng. Từng có những tai nạn xảy ra gây thương vong học sinh xuất phát từ những chuyến đi núp danh giáo dục kỹ năng sống như đuối nước, tai nạn. Cụ thể, năm 2021 Trường THPT Đông Anh Hà Nội đưa 896 học sinh lớp 10 và 11 đi hoạt động trải nghiệm tại Khu du lịch Đảo Ngọc Xanh (Phú Thọ), 3 học sinh đã gặp nạn trong đó 1 em tử vong, 2 em bị thương nặng. Một học sinh lớp 4 Trường tiểu học Dương Lân (TP.HCM) tử vong ở Khu du lịch Đại Nam; học sinh Trường THPT Chuyên Nguyễn Thị Minh Khai (Sóc Trăng) tử vong khi đi trải nghiệm ở Đà Lạt; trẻ mầm non tử vong do tủ đè khi tham quan quan thư viện trường mới… Chưa kể việc học sinh đi trải nghiệm tập thể khiến việc hậu cần trở thành mối lo. Đã có nhiều vụ ngộ độc tập thể, nhiều trẻ phải cấp cứu khi tham gia tua cùng thầy cô.

Nhiều phụ huynh tại Hải Phòng từng chia sẻ, vào đầu năm học, khi họp phụ huynh, giáo viên phổ biến về các môn học ngoại khóa mà nhà trường triển khai trong đó có môn kỹ năng sống. Dù mong muốn trang bị thêm kỹ năng cho con ngoài kiến thức văn hóa được học tại trường nhưng tôi cũng rất băn khoăn về việc đào tạo kỹ năng tại nhà trường khi các thầy cô giáo dạy con mình lại được thuê từ các trung tâm khác, chẳng biết chất lượng ra sao.

Cấm hay quản?

Mới đây, tại Nghệ An, ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) thông tin trong thời gian tới tạm dừng việc các trung tâm liên kết dạy kỹ năng sống trong cơ sở giáo dục công lập, đồng thời rà soát các trung tâm, thẩm định chương trình dạy kỹ năng sống và tổ chức triển khai khi đầy đủ điều kiện, đảm bảo quy định. Việc dạy kỹ năng sống cho học sinh vẫn được các nhà trường triển khai thông qua lồng ghép, tích hợp vào các môn học, hoạt động trải nghiệm...

Ông Nguyễn Văn Khoa - Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cũng cho biết, thực tiễn triển khai nội dung này còn nhiều bất cập. Các khoản thu, chi chưa minh bạch khiến nhiều phụ huynh băn khoăn. Cụ thể: Việc tổ chức dạy kỹ năng sống theo hình thức liên kết giữa cơ sở giáo dục với các trung tâm cần huy động xã hội hóa để thực hiện (học sinh tham gia trên tinh thần tự nguyện và được sự đồng ý của phụ huynh). Khi tổ chức, trung tâm - nhà trường - phụ huynh cùng họp với nhau và thống nhất về các khoản thu, chi.

Cần rà soát tổng thể chương trình liên kết

Theo Sở GD&ĐT Nghệ An, hiện có những trung tâm dạy liên kết kỹ năng sống có cơ sở giáo dục chưa phù hợp, thiếu không gian cho hoạt động ngoài trời, sân chơi, khu trải nghiệm… Việc tái đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học kỹ năng sống từ nguồn thu chưa được quan tâm thỏa đáng. Nhiều trung tâm không đủ giáo viên cơ hữu để giảng dạy, làm nòng cốt hướng dẫn, tư vấn trợ giúp các giáo viên khác do trung tâm hợp đồng để dạy. Công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy kỹ năng sống chưa được chú trọng; Công tác tuyên truyền, phối hợp giữa nhà trường - gia đình - trung tâm chưa tốt, chưa nhận được sự đồng thuận của phụ huynh, học sinh cũng như dư luận xã hội... Chính vì vậy, Sở GD&ĐT Nghệ An cho tạm dừng triển khai.Xét trên địa bàn cả nước không thiếu những trung tâm kém chất lượng. Do đó, các địa phương cần thiết cũng phải có tổng rà soát. Tránh việc “mất bò mới lo làm chuồng”, tránh tai nạn thương tâm khi học sinh đi trải nghiệm, học kỹ năng sống là điều cần được phòng ngừa từ xa.

Trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, thầy Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội) cho rằng, việc các nhà trường liên kết dạy kỹ năng sống với các trung tâm bên ngoài xuất phát từ việc giáo viên tại trường phổ thông không được đào tạo cơ bản để giảng dạy các kỹ năng. Đáng lẽ thầy cô phải được trang bị, huấn luyện để giảng dạy cho học sinh nhưng hiện nay họ không được trang bị một cách chuyên nghiệp. Tuy nhiên, thầy Tùng Lâm cũng cho rằng, hiện nhiều trung tâm có những chương trình tốt vì thế việc liên kết cũng cần thiết, nhằm phát huy hơn nữa vai trò của các tổ chức ngoài nhà trường trong việc giáo dục đào tạo học sinh.

Việc địa phương cấm liên kết dạy kỹ năng sống là không nên, mà nên tiến hành thẩm định chương trình. Nếu các trung tâm, doanh nghiệp nào đảm bảo các yêu cầu thì cho phép liên kết. Không nên thả nổi lĩnh vực này để xảy ra tình trạng chương trình kém vẫn được đưa vào nhà trường. Thậm chí, để xảy ra tai nạn thương tâm trong quá trình tổ chức trải nghiệm cho học sinh. Đó là điều đáng tiếc.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bat-nhao-lien-ket-day-ky-nang-song-cam-hay-quan-post265488.html