Bất ngờ với sáng chế kỹ thuật của nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ tỉnh Bắc Kạn

Với nhà nông, máy nông nghiệp là một tài sản không hề nhỏ, vậy nhưng bố mẹ anh Hoàng Văn Duẩn, thôn Nà Duồng, xã Bằng Lãng (Chợ Đồn), cũng đành bất lực nhìn cậu con trai tháo bung hai chiếc máy nông nghiệp trị giá gần 200 triệu đồng để... cải tiến kỹ thuật.

Giải pháp sáng tạo giàn nâng, gắp, xúc ủi gắn trên máy nông nghiệp của anh Duẩn đạt giải Nhất tại Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông toàn quốc lần thứ IX.

“Phá máy”… để cải tiến

Nhà Nông dân Việt Nam xuất sắc Hoàng Văn Duẩn, khi chúng tôi đến, dưới gầm sàn ngổn ngang phụ tùng, bu lông, cà lê, mỏ lết… có thể nói, chẳng khác mấy so với một xưởng cơ khí thực thụ.

Gầm sàn không đủ để bày đồ, Duẩn tận dụng luôn cả một góc vườn làm nơi tháo lắp những khung trục kích cỡ lớn. Anh bảo, từ năm 2018 đến nay mình đã tháo của gia đình hai máy nông nghiệp để cải tiến, tiền và công sức đổ vào cũng không phải là ít.

“Trót đam mê rồi thì không ai cản nổi đâu anh! Cũng là tự mày mò, đọc sách, rồi kết nối với các hội nhóm đam mê sáng tạo kỹ thuật để học hỏi thêm kinh nghiệm. Nói chung cũng không phải lúc nào cũng thành công”, Duẩn chia sẻ.

Trở lại câu chuyện về hành trình sáng chế của mình, Hoàng Văn Duẩn có chút trầm tư. Anh kể: Năm 2015, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Phát thanh truyền hình, mình khăn gói quyết định Nam tiến với mong muốn có được công việc ổn định.

Sau gần 3 năm lăn lộn với nghề phục vụ khách sạn, tích lũy chẳng được là bao, mình trở lại quê nhà. Khi đó nhà mình cũng vừa có cái máy nông nghiệp hiệu Kubota. Thấy ở quê nhiều việc nhưng máy nông nghiệp lại chẳng nhiều tính năng, mình đã quyết định nghiên cứu để cải tiến sao cho nhiều chức năng và hoạt động hiệu quả hơn.

Anh Hoàng Văn Duẩn tỉ mẩn nghiên cứu nâng cấp các tính năng của máy phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Theo anh Hoàng Văn Duẩn, rất nhiều phụ tùng anh phải lặn lội cả tuần ở các bãi máy của tỉnh Vĩnh Phúc, mang về nhưng không phù hợp đành phải bỏ. Đầu tư nhiều công sức, tiền của vào đó, công việc thì bỏ bê nên gia đình đã hết lời khuyên ngăn, nhất là khi thấy chiếc máy nông nghiệp mua về phải dừng hoạt động để cải tiến càng khiến bố mẹ xót ruột.

Sau 2 tháng mày mò, chiếc máy nông nghiệp đầu tiên đã được anh cải tiến thành công với hệ thống tời kéo cẩu. Duẩn bảo, khi công trình hoàn thành, bố mẹ thấy chiếc máy năng suất hơn mà mục đích sử dụng cũng đa dạng hơn nên đã không còn quyết liệt ngăn cản như trước nữa.

Để có tiền phục vụ cho “công cuộc” cải tiến, sáng chế, Hoàng Văn Duẩn cho biết: Tôi đã phải vay tiền từ bạn bè, rồi lao vào những công việc lao động chân tay nặng nhọc, cộng thêm và chắt bóp, tiết kiệm chi. Mỗi khi có tiền tôi lại lao vào đầu tư phụ tùng thiết bị để hoàn thiện thêm các chức năng mới.

Khi gia đình đầu tư thêm một máy nông nghiệp hiện đại hơn, Hoàng Văn Duẩn lại tiếp tục công cuộc sáng chế của mình, lần này anh đã hoàn thiện chức năng gắp, ủi. Anh bảo, riêng đầu tư bộ gắp cũng đã 64 triệu đồng, chưa kể thùng máy 330 triệu đồng nữa.

“Dành cả thanh xuân” cho sáng chế

Duẩn bảo, bạn bè mình con cái có đứa đã sắp vào THCS, mình thì vẫn “vườn không nhà trống” do còn bận mải mê với máy móc. Ngày thì đi làm, tối đến lại lọ mọ thắp điện gầm sàn kì cạch tháo lắp, chẳng có thời gian đâu mà đi tìm con dâu cho bố mẹ nữa...

Nói rồi Duẩn chỉ vào chiếc máy nông nghiệp đang được tháo bung để cải tiến thêm chức năng xúc trộn bê - tông khoe, riêng làm cùng một công việc mà dùng chức năng gắp, ủi bằng hơn 20 lao động đấy.

Đầu tư nhiều thời gian, công sức và tiền của vào sáng tạo và nâng cấp máy nông nghiệp vì đam mê.

Duẩn cho biết, máy này được mình cải tiến dùng phục vụ chủ yếu cho nông nghiệp. Từ khi hoàn thiện chức năng nâng gắp và ủi, việc nhiều, máy cho năng suất cao nên thu nhập cũng tạm ổn. Chỉ mỗi việc chở, gắp rơm cho trại bò ở Lữ đoàn 380 và các phụ phẩm cho các xưởng gỗ bóc, thu nhập mỗi năm cũng khoảng hơn 200 triệu đồng.

Duẩn chia sẻ, mình còn rất nhiều ý tưởng sáng tạo nhưng nguồn lực có hạn nên đành để ổn định kinh tế rồi thực hiện dần thôi. Với đam mê và sự miệt mài học hỏi, bạn bè, hàng xóm rất quý, thán phục và thường gọi anh là “Giáo sư” Duẩn. Duẩn gãi đầu, gãi tai bảo, biết họ gọi cho vui nhưng vẫn rất ngại. Cái mình làm chỉ cần chịu khó mày mò là làm được thôi mà, có gì to tát đâu!

Ông Hoàng Văn Thiện (bố của Duẩn) cho biết: Lúc đầu điều kiện kinh tế khó khăn, tôi khuyên giải mãi nhưng con nó đam mê quá không cản được. Sau quá trình mày mò sáng tạo, chiếc máy đã được cải tiến thành công khiến gia đình tôi rất tự hào.

“Nói chung gia đình làm nông chỉ biết ủng hộ tinh thần là chính. Được cái khi cải tiến xong, công việc và thu nhập của nó cũng tốt hơn nhiều”, ông Thiện bày tỏ.

Ông Vi Phát Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bằng Lãng cho biết: Qua quá trình thăm mô hình sản xuất kinh doanh giỏi, chúng tôi phát hiện anh Hoàng Văn Duẩn, hội viên Chi hội Nông dân thôn Nà Duồng có ý tưởng sáng chế, cải tạo máy móc để phục vụ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông. Từ đó, Hội Nông dân cấp xã, cấp huyện, tỉnh đã giúp đỡ và hướng dẫn anh Duẩn làm hồ sơ dự thi các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật và đã giành được nhiều giải thưởng. Chúng tôi mong muốn hội viên Hoàng Văn Duẩn tiếp tục nỗ lực sáng chế, biến các ý tưởng mới thành hiện thực”.

Giải pháp sáng tạo giàn nâng, gắp, xúc ủi gắn trên máy nông nghiệp của hội viên Nông dân Hoàng Văn Duẩn giành giải Ba Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn lần thứ VI và giải Nhất Cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật Nhà nông toàn quốc lần thứ IX (năm 2021 - 2022). Năm 2021, hội viên nông dân Hoàng Văn Duẩn vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn trao tặng Bằng khen vì thành tích Đạt giải Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh Bắc Kạn lần thứ VI. Anh Duẩn cũng là hội viên nông dân duy nhất của tỉnh Bắc Kạn lọt vào danh sách Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023./.

Chiến Hoàng

Nguồn Bắc Kạn: https://baobackan.com.vn/bat-ngo-voi-sang-che-ky-thuat-cua-nong-dan-viet-nam-xuat-sac-den-tu-tinh-bac-kan-post55277.html