Bất ngờ linh kiện UAV Lancet: Hầu hết toàn từ Mỹ!

Các chuyên gia Ukraine đã 'mổ' chiếc UAV tự sát Lancet của Nga để xem chip được sản xuất ở đâu, từ đó có biện pháp ngăn chặn; nhưng thật bất ngờ, nước đóng góp lớn nhất UAV Lancet chính lại là Mỹ.

Trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, loại máy bay không người lái tự sát (UAV) Lancet của quân đội Nga đã “tỏa sáng” trên chiến trường, phá hủy một số lượng lớn vũ khí hạng nặng của quân đội Ukraine và gây ra mối đe dọa lớn nhất cho quân đội Ukraine ở tiền tuyến.

Tại triển làm quốc phòng ARMY-2023, Nga đã trình làng thế hệ UAV tự sát Lancet mới, đó là phiên bản "Lancet 3" (tên mã trong nhà máy là Product 53 (Sản phẩm 53). Các phiên bản trước đó Product 52 và Product 51 lần lượt là Lancet 1 và 2. Trong đó Lancet 1 là loại nhẹ và Lancet 3 là loại nặng.

Lancet 3 có cải tiến lớn, hình dáng giống như Lancet 1 và 2, đều sử dụng 2 cánh lớn hình chữ X; nhưng ở phiên bản Lancet 3 sử dụng cánh gấp, xếp gọn vào trong ống phóng. Cánh Lancet 3 cũng được chuyển từ tâm của thân tên lửa sang vị trí tiếp tuyến của thân tên lửa; phương pháp bố trí cánh này khác xa Lancet 1 và 2.

Ở các phiên bản Lancet 1 và Lancet 2, trắc thủ thao tác phải lắp ráp UAV thủ công trước khi phóng (tất cả UAV Lancet được tháo rời giữa cánh và thân UAV và cho trong hòm); sau đó đặt nó lên ray phóng. Phương pháp phóng sử dụng sự đàn hồi của sợi dây cao su, tạo đà cho UAV phóng đi.

Nhưng ở phiên bản UAV Lancet 3, đã loại bỏ việc lắp ráp và phóng thủ công, mà sử dụng bệ phóng tích hợp. Lancet 3 được lắp ráp và chứa sẵn trong ống phóng, tích hợp cả việc cất giữ, vận chuyển và phóng; có thể dễ dàng bố trí trên các phương tiện cơ giới hạng nhẹ.

Sau khi phóng, UAV Lancet 3 sẽ tự động mở cánh sau khi rời khỏi ống phóng, đồng thời cánh quạt sẽ khởi động, chuyển sang trạng thái bay và bay đến khu vực mục tiêu (giống như UAV tự sát Switchblade 300 của Mỹ). Cải tiến này giúp triển khai chiến đấu nhanh chóng và có thể phóng loạt theo kiểu “bầy đàn”.

Công ty thiết kế UAV Lancet Zala Aero cho biết: "Lancet 3 sẽ khiến Quân đội Ukraine chống đỡ khó khăn hơn vì nó có thể hoạt động theo kiểu số đông; các UAV trong một lần phóng, có thể trao đổi thông tin và “cộng tác” với nhau, nhờ trang bị trí tuệ nhân tạo (AI)”.

Khi phóng UAV Lancet 3 theo kiểu “bầy đàn”, cụm UAV này có thể tự động phân tích và xác định mục tiêu mà không cần dùng đến tín hiệu điều khiển từ mặt đất; nó có thể dựa vào mô-đun tính toán trên UAV, để tuân theo logic ưu tiên, xác nhận mục tiêu của chính nó và cuối cùng tiến hành một cuộc tấn công một cách hiệu quả; đại diện Zala Aero cho biết.

Nếu Lancet 3 có thể đạt được những khả năng như vậy, điều đó có nghĩa là Lancet 3 của Nga đã có khả năng chiến đấu thực tế. Hiện tại, chưa có thông tin nào về việc Lancet 3 được đưa vào sử dụng trên chiến trường, nhưng kịch bản như vậy có thể xảy ra trong tương lai.

Theo hãng tin Anh BBC cho biết, để đáp ứng năng lực mở rộng sản xuất UAV Lancet đang tăng cao trên chiến trường Ukraine, nhà sản xuất Zala Aerođã mua lại một trung tâm mua sắm và biến nó thành xưởng sản xuất, sản lượng hàng năm có thể đạt ít nhất 50.000 chiếc.

Nếu Quân đội Nga trên chiến trường Ukraine nhận được 50.000 hoặc 100.000 máy bay không người lái Lancet mỗi năm, đó sẽ là áp lực và mối đe dọa rất lớn đối với các thiết bị mặt đất do NATO hỗ trợ, mà quân đội Ukraine sử dụng.

Ngoài ra theo nguồn tin của BBC được biết, chi phí sản xuất của Lancet thấp. Truyền thông của Nga tiết lộ Lancet có giá 35.000 USD; nhưng BBC lại cho rằng, nó có giá chỉ khoảng 20.000 USD và thậm chí còn thấp hơn nữa khi sản xuất loạt lớn.

Một chiếc UAV Lancet trị giá 20.000 USD, nhưng có tầm bắn 70 km, tầm chiến đấu 40 km và thời lượng pin 1 giờ. Tất cả các mục tiêu trong phạm vi bay của nó, từ sinh lực ẩn, lộ tới các vũ khí hạng nặng như xe tăng, xe bọc thép, xe cơ giới sẽ phải chịu áp lực chiến trường rất lớn.

Với việc trang bị nhiều kiểu đầu đạn khác nhau (nhiệt áp hoặc nổ lõm), nên mặc dù đầu đạn do UAV Lancet mang theo chỉ nặng 5 kg, nhưng nó đủ để phá hủy một chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực được bọc thép dày, như Leopard 2 của Đức sản xuất.

Hơn nữa, việc sử dụng tên lửa phòng không truyền thống để đánh chặn (dù có ngăn chặn được hay không), cũng không hề tiết kiệm chi phí. Giá vũ khí phòng không rẻ nhất của Mỹ hiện nay là tên lửa phòng không Stinger có giá 400.000 USD/quả. 400.000 USD để đổi một chiếc Lancet 20.000 UAV, thì đó là loại vũ khí bất đối xứng rất hiệu quả.

Thực ra UAV Lancet không phải là vũ khí công nghệ quá hiện đại. Cách đây không lâu, người Ukraine đã thu được 2 chiếc Lancet 2 từ chiến trường và mang về để tháo dỡ. Họ phát hiện ra rằng, nhiều con chip trên bảng mạch tích hợp được sử dụng trong UAV Lancet là của Mỹ. Ví dụ bộ vi điều khiển NVIDIA Jetson TX2 và chip Xilinx Zynq.

Những linh kiện điện tử của Mỹ trên UAV Lancet không phải là sản phẩm có tính công nghệ cao, có thể là một số linh kiện điện tử được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm điện tử tiêu dùng, nên rất khó để hạn chế và ngăn chặn hoàn toàn.

Những linh kiện điện tử của Mỹ sử dụng trên UAV Lancet của Nga (và nhiều vũ khí khác), ngay cả khi Mỹ không nhập khẩu vào Nga, thì Nga vẫn có thể có được nguồn cung lớn các linh kiện đó, thông qua các kênh khác. Đặc biệt là trong bối cảnh thương mại điện tử toàn cầu đang chiếm ưu thế như hiện nay.

Theo ông Oleksandr ở “Trung tâm phân tích vũ khí Nga” của Ukraine, hầu hết các linh kiện công nghệ cao trong vũ khí Nga mà họ mổ xẻ, đều là hàng nhập khẩu phần lớn từ các nước phương Tây. Việc phát hiện ra những linh kiện trong vũ khí Nga, nhằm ngăn cản Moskva trong nỗ lực sản xuất tên lửa, UAV để tấn công Ukraine trong tương lai.

Xác xe tăng, xe bọc thép của Quân đội Ukraine bị quân Nga phá hủy ở Rabotino – Verbovoe. Nguồn Topwar

Tiến Minh (theo BBC, Military Today)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/bat-ngo-linh-kien-uav-lancet-hau-het-toan-tu-my-1905620.html