Bật mí phía sau các cảnh cháy nổ, tai nạn trong Đi về phía lửa

Theo yêu cầu của đạo diễn, Đi về phía lửa chỉ có quay các cảnh thật, không sử dụng 'hàng giả'. Điều này đòi hỏi các diễn viên phải có sự tập trung cao độ, lăn xả.

Trần Thanh Huy là người đảm nhận vai trò đạo diễn của Đi về phía lửa. Bộ phim là câu chuyện về những người lính cứu hỏa, cứu hộ cứu nạn - một trong những nghề nghiệp được coi là nguy hiểm nhất thế giới.

Phim để lại ấn tượng cho khán giả bởi những cảnh thảm họa được dựng lại một cách chân thực, thảm khốc. Những vụ cháy, tai nạn giao thông với diễn biến dồn dập, bối cảnh rộng lớn mang lại sự dồn nén về cảm xúc cho người xem, quá trình cứu hộ cứu nạn như đang được diễn ra trước mắt khán giả, căng thẳng tới nghẹt thở.

Đạo diễn Trần Thanh Huy

Để bám sát quan điểm của đạo diễn Trần Thanh Huy “Cái gì thật thì mình quay, cái gì giả thì mình bỏ ra”, các diễn viên trong phim Đi về phía lửa đã lăn xả với vai diễn của mình và trực tiếp thực hiện nhiều cảnh hành động nguy hiểm tới mức nhiều phen bầm dập mình mẩy. Một cảnh đáng chú ý trong phim là vụ tai nạn xe khách mất thắng, lao xuống sông. Ê-kíp làm phim chọn sông Cu Đê ở Đà Nẵng để thực hiện cảnh quay này. Đây là khu vực có khung cảnh hùng vĩ với những ngọn núi bao quanh cùng làn nước xanh biếc.

Diễn viên Trần Ngọc Vàng

Khi đọc kịch bản về vụ tai nạn xe khách dưới sông, diễn viên Trần Ngọc Vàng (thủ vai Minh Long) nghĩ đạo diễn Trần Thanh Huy sẽ quay phim tại bể bơi và dùng thêm hiệu ứng kỹ xảo. Thế nên, khi bị đưa ra bối cảnh sông, nam diễn viên trẻ cảm thán: “Anh Huy làm cái gì cũng thật hết, tôi không biết mình đang đóng phim hay đang tham gia trải nghiệm thực tế?!”.

Chiếc xe khách 30 chỗ được dìm xuống lòng sông, dưới sự giám sát, hỗ trợ của các chuyên gia cứu hộ và Trần Ngọc Vàng cùng các diễn viên phải quay cảnh vật lộn dưới nước trong nhiều giờ.

Cảnh quay tai nạn xe khách được thực hiện dưới sự giám sát, hỗ trợ của các chuyên gia cứu hộ.

Cảnh quay này không chỉ được thực hiện một lần mà phải quay đi quay lại nhiều lần, với rất nhiều góc quay khác nhau. Chiếc xe khách liên tục được kéo lên rồi lại dìm xuống nước trong suốt một ngày dài. Khi quay dưới sông thật, Trần Ngọc Vàng cũng nhập tâm vào cảm xúc của nhân vật khi đứng trước lằn ranh sinh tử, phải đấu tranh tìm sự sống không chỉ cho mình mà còn cho những hành khách khác.

Để có những hình ảnh chân thực, vụ tai nạn xe khách được thực hiện nhiều lần để có được nhiều góc quay.

Ngoài cảnh tai nạn xe khách này, nhiều cảnh quay khác trong phim cũng được dựng với hiệu ứng chân thật nhất. Dàn diễn viên trải qua nhiều thử thách như phải mày mò diễn xuất giữa làn khói đặc, tập dượt trước các cảnh cháy nổ hay lăn từ trên núi xuống vực đầy những táng đá sắc nhọn. Nhiều lần, Lãnh Thanh, Xuân Phúc bơ phờ sau mỗi cảnh quay, không chỉ mệt về thể chất mà còn cả tinh thần do họ chưa thể thoát vai sau khi trải qua các cảnh quay nguy hiểm dồn dập. Tiêu chí làm phim chân thật của đạo diễn Trần Thanh Huy đã giúp các diễn viên tạo ra được cao trào cảm xúc, mang đến cho người xem những thước phim cảm động.

Với Trần Ngọc Vàng, Đi về phía lửa mang lại cho anh nhiều lần đầu tiên khác lạ. Đây là lần đầu tiên anh được đóng một phim hành động đúng nghĩa và là lần đầu tiên được ngồi trong một xe cứu hỏa để đi chữa cháy thật.

Theo yêu cầu của đạo diễn Trần Thanh Huy, tất cả các cảnh quay ở Đi về phía lửa đều được thực hiện trong bối cảnh thật.

Đi về phía lửa được truyền hình K+ đầu tư thực hiện nhắm tri ân sự hy sinh to lớn của những người lính cứu hỏa, cứu hộ, cứu nạn trên khắp cả nước, những người đã không quản ngại gian khổ, vất vả, sẵn sàng đánh cược mạng sống của mình để cứu hộ cho người dân.

Trailer phim Đi về phía lửa.

An An

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/bat-mi-phia-sau-cac-canh-chay-no-tai-nan-trong-di-ve-phia-lua-a649159.html