Bất động sản nhà riêng trong ngõ tại trung tâm Hà Nội liên tục ghi nhận mức giá tăng

Theo các chuyên gia, nhà trong ngõ tại trung tâm Hà Nội được đánh giá là loại hình có thanh khoản tốt kèm pháp lý đầy đủ, giá bán phải chăng, đem lại lợi suất cao từ việc cho thuê trong bối cảnh nhu cầu thuê, mua nhà để ở tăng cao.

Lượng giao dịch cao nhất trong vòng 5 năm

Trong điều kiện hạn chế về nguồn cung, giá căn hộ sơ cấp Hà Nội đang “neo" cao, các dự án mới mở bán đều có giá thuộc phân khúc cao cấp. Các căn hộ thứ cấp có giá quanh mức 3 tỷ đồng chỉ có ở các quận, huyện xa trung tâm, cũng đang được săn đón và ngày càng khan hiếm. Trong bối cảnh đó, một căn nhà riêng, nhà trong ngõ tại khu vực trung tâm có giá trên dưới 4 tỷ đồng với diện tích từ 30 - 40 m2 trở thành lựa chọn hấp dẫn của nhiều gia đình có mong muốn an cư.

Cùng với đó, kinh tế phục hồi, nhiều điều kiện thuận lợi về lãi suất cộng với bài học tăng giá trước đây khi “càng chờ, càng tăng" đang tiếp thêm động lực cho người mua nhà, khiến nhu cầu mua nhà để ở có xu hướng tăng trong thời gian vừa qua.

Mức độ quan tâm và giao dịch loại hình nhà riêng tại Hà Nội tăng trong quý I/2024. Ảnh: Mai Tấn

Mức giá tăng còn được thúc đẩy từ nhu cầu đầu tư. Theo đó, nhà trong ngõ được đánh giá là loại hình có thanh khoản tốt kèm pháp lý đầy đủ, giá bán phải chăng, đem lại lợi suất cao từ việc cho thuê trong bối cảnh nhu cầu thuê, mua nhà để ở tăng cao. Đặc biệt, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ trong ngõ nhỏ cũng đang duy trì xu hướng tăng trong thời gian qua, khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ có kế hoạch bỏ bớt gánh nặng chi phí trước thực trạng doanh thu chủ yếu đến từ các sàn thương mại điện tử.

Tại Hà Nội, mức độ quan tâm nhà riêng cải thiện rõ rệt ở các quận ngoại thành. Cụ thể, lượng tìm mua nhà riêng các quận ngoài trung tâm Hà Nội như Nam Từ Liêm, Hoàng Mai, Đống Đa tăng từ 26% - 43%.

Theo dữ liệu nghiên cứu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giá các căn nhà ở riêng lẻ đang được giao dịch đã tăng từ 5 - 15% so với cuối năm ngoái. Thống kê của batdongsan.com.vn cũng cho thấy, mức độ quan tâm và giao dịch loại hình nhà riêng tại Hà Nội dần cải thiện trong quý I/2024. Đặc biệt, mức độ quan tâm cải thiện rõ rệt ở một số quận ngoại thành khi các quận trung tâm không còn nhiều lựa chọn.

Thông tin từ một đơn vị hội viên VARS chuyên kinh doanh mảng thổ cư cũng cho biết, quý I/2024 là giai đoạn doanh nghiệp ghi nhận lượng giao dịch cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. VARS nhận thấy thị trường bất động sản nhà ở riêng lẻ đang hình thành mặt bằng giá mới khi nguồn cung tiếp tục chưa thích ứng kịp với nhu cầu của nhà đầu tư, cư dân - đặc biệt trong xu hướng đô thị hóa ngày càng rõ rệt như hiện nay.

Cần thêm chính sách phát triển nhà ở xã hội

VARS cho rằng, giá nhà trong khu vực nội đô Hà Nội sẽ khó giảm. Người dân có nhu cầu ở thực, nên cân nhắc tới việc xuống tiền mua nhà nếu tìm thấy sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính, nghĩa là không vay quá nhiều.

Lịch sử tăng giá cho thấy, giống như phân khúc căn hộ, giá nhà đất thổ cư Hà Nội cũng ghi nhận tình trạng tăng tương tự vào cuối năm 2021, đến giữa năm 2022, khi thị trường khó khăn, giá loại hình này có giảm nhưng không “thấm” gì so với mức tăng, đến nay lại tiếp tục tăng trở lại. Bởi, đây là loại hình luôn duy trì mức độ quan tâm khá ổn định kể cả trong giai đoạn ảm đạm.

Bên cạnh nhà riêng lẻ diện tích nhỏ, các tòa nhà chung cư trong ngõ cũng đang “nóng” trở lại khi lượng người thuê và tìm mua căn hộ chung cư mini dần phục hồi. Cùng với nhà ở riêng lẻ, các “chung cư" trong con ngõ hẹp này đang gây sức ép quá tải đô thị, hạ tầng và tiện ích chung, cùng nhiều rủi ro liên quan đến cháy, nổ.

Khác với việc phát triển nhà ở thương mại, phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp, các “chung cư” này không cần xây dựng các hạ tầng dùng chung và chất lượng xây dựng chỉ ở mức tối thiểu, đất dành cho giao thông rất ít và gần như không có đất dành cho cây xanh.

Cần có những giải pháp chính sách và cơ chế can thiệp đủ mạnh để phát triển nhà ở xã hội trong đô thị. Ảnh: T.L

Để giải quyết bài toán về nhà ở cho người dân, đồng thời giảm áp lực quá tải đô thị, Nhà nước cần có những giải pháp chính sách và cơ chế can thiệp đủ mạnh để phát triển nhà ở xã hội trong đô thị.

Bên cạnh đó, nâng cao công tác định hướng, phê duyệt quy hoạch và cấp phép xây dựng. Tiếp tục thúc đẩy đầu tư công để dịch chuyển nguồn cầu tập trung ở các khu vực nội thành, khu vực trung tâm ra các tỉnh và khu vực lân cận với giá cả hợp lý, quỹ đất lớn hơn. Đồng thời, tạo cơ chế khuyến khích phát triển nhà ở thương mại giá phù hợp...

Theo VARS, giải pháp khả thi nhất là phát triển các đô thị lớn theo chiều dọc, nghĩa là chuyển đổi nhà phố thành chung cư cao tầng. Đây cũng là hướng phát triển chung của các nước đã phát triển hơn Việt Nam, khi nhà xây dựng mới trong những năm gần đây hầu hết là căn hộ cao tầng.

Mai Tấn

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/bat-dong-san-nha-rieng-trong-ngo-tai-trung-tam-ha-noi-lien-tuc-ghi-nhan-muc-gia-tang-149032.html