Bắt đầu xét xử nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin và đồng phạm

QĐND Online- Sáng 27-3, Tòa án Nhân dân TP. Hải Phòng đã mở phiên tòa sơ thẩm công khai xét xử vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin). Phiên tòa do Thẩm phán Trần Văn Nhiên, Chánh Tòa kinh tế - Tòa án nhân dân TP.Hải Phòng làm chủ tọa.

Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, nơi diễn ra phiên tòa xét xử vụ Vinashin.

Có 9 bị cáo bị đưa ra xét xử tại phiên tòa sơ thẩm lần này về tội danh cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, quy định tại Điều 165, Bộ luật hình sự của nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tham dự phiên tòa có rất nhiều người làm chứng, người liên quan, các nhà báo trong nước và nước ngoài.

Theo bản cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, Phạm Thanh Bình - Chủ tich HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vinashin và các bị can: Trần Văn Liêm, Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Tuấn Dương, Tô Nghiêm, Trịnh Thị Hậu, Hoàng Gia Hiệp, Trần Quang Vũ, Đỗ Đình Côn, Hồ Ngọc Tùng, Giang Kim Đạt đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước ở các dự án: Dự án đầu tư mua tàu cao tốc Hoa Sen gây thiệt hại 469.564.547.716 đồng. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng gây thiệt hại 316.523.439.425 đồng. Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Diezel Cái Lân gây thiệt hại 66.575.536.228 đồng; Dự án đầu tư tàu Bình Định Star gây thiệt hại 30.484.469.917 đồng và việc bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang gây thiệt hại 27.323.137.568 đồng. Tổng số thiệt hại do hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án đã gây ra là 910.471.130.854 đồng.

Hậu quả thiệt hại do hành vi cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế của các bị can gây ra trong từng dự án cũng như tổng thiệt hại chung của vụ án này với giá trị đặc biệt lớn là thuộc trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Các bị can trong vụ án đều là những người có chức vụ, quyền hạn, được giao trọng trách quản lý, điều hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, tài chính, tài sản của Tập đoàn Vinashin và các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn này, trong đó Phạm Thanh Bình là người có cương vị cao nhất đồng thời lại là bị bị can chính, giữ vai trò tổ chức thực hiện tội phạm, các bị can khác trong vụ án là những đồng phạm với Phạm Thanh Bình, cũng có người thực hiện hành vi phạm tội trong các vụ việc độc lập, đồng phạm theo nhóm, nhưng đều cũng lợi dụng chức vụ,quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế thuộc Tập đoàn Vinashin. Ngoài hậu quả thiệt hai về tiền, tài sản của Nhà nước với giá trị đặc biệt lớn, hành vi phạm tội của các bị can còn làm đình trệ sản xuất kinh doanh, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư nước ngoài đối với ngành công nghiệp tàu thủy Việt Nam, tác động tiêu cực đến đời sống của người lao động .

Như vây, các bị can đã phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 Bộ luật hình sự.

Dự kiến phiên tòa sẽ diễn ra trong 4 ngày từ ngày 27 đến ngày 30-3.

Điều 165. Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây thiệt hại từ một trăm triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng hoặc dưới một trăm triệu đồng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:

a) Vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác;

b) Có tổ chức;

c) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

d) Gây thiệt hại từ ba trăm triệu đồng đến dưới một tỷ đồng hoặc gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.

3. Phạm tội gây thiệt hại từ một tỷ đồng trở lên hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Tin, ảnh: Đỗ Phú Thọ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/2/98/98/181804/Default.aspx