Bất cứ Bộ trưởng nào cũng có thể lên ghế nóng

Các đại biểu sẽ có 5 nhóm vấn đề lựa chọn để chất vấn như phương án xử lý các dự án thua lỗ, công tác luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ...

Theo nghị trình, từ ngày 15/11 Quốc hội sẽ bắt đầu các phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây cũng sẽ là các phiên chất vấn đầu tiên của Quốc hội khóa 14.

Chuẩn bị cho hoạt động này, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã gửi phiếu xin ý kiến các vị đại biểu về dự kiến nhóm vấn đề chất vấn để chuẩn bị cho phiên chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (sẽ diễn ra trong tuần tới).

Bên cạnh hai ô đồng ý và không đồng ý, phiếu xin ý kiến dành không gian để các vị đại biểu thể hiện ý kiến khác. Các vị đại biểu được đề nghị chọn 4 trong 5 nhóm vấn đề nói trên và hồi âm chậm nhất vào 11h ngày 10/11.

Được biết, trong phiếu chất vấn không nêu đề xuất về danh sách các Bộ trưởng, Trưởng ngành phải đăng đàn mà đưa ra dự kiến về 5 nhóm vấn đề để các đại biểu lựa chọn.

Nội dung của nhóm vấn đề 1 là đánh giá tổng thể, phương án xử lý các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả, các dự án đã có quyết định đầu tư nhưng không triển khai, để hoang hóa, lãng phí, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

ĐBQH lựa chọn các vấn đề chất vấn

Nhóm vấn đề thứ hai là tình hình thực hiện Luật Đầu tư công, giải pháp cụ thể để huy động các nguồn lực trong xã hội cho đầu tư phát triển, tăng cường quản lý, kiểm soát đầu tư công, lãng phí trong đầu tư công, trách nhiệm của bộ ngành trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia, việc thẩm định cấp phép đầu tư đối với các dự án nước ngoài đầu tư.

Nhóm vấn đề 3 là về tình hình thực hiện chương trình cải cách giáo dục và đào tạo, đổi mới giáo dục toàn diện, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo Nghị quyết 88 năm 2014 của Quốc hội khóa XIII. Thực hiện phân luồng cho học sinh cấp phổ thông để định hướng nghề nghiệp.

Cũng trong nhóm vấn đề này, Quốc hội dự kiến chất vấn việc thực hiện đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, giảm áp lực và tốn kém cho xã hội; giải pháp để ổn định việc tổ chức thi tốt nghiệp phổ thông và đại học trong giai đoạn 2016 – 2020.

Nhóm vấn đề 4 được đưa ra là việc thực hiện chính sách, pháp luật về xử lý chất thải của các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, khu dân cư. Việc xử lý trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc thẩm định triển khai các dự án để xảy ra sự cố môi trường. Quản lý xử lý về ô nhiễm môi trường và giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu. Việc quản lý, khai thác tài nghiên, khoáng sản.

Nhóm vấn đề 5 là về tinh giản biên chế, thực hiện đề án vị trí việc làm; giải pháp cải cách tiền lương, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật công vụ, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao chỉ số hài lòng của nhân dân trong đánh giá chế độ công vụ, công chức và đổi mới công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ.

Trước đó, ngày 3/11, hàng loạt ĐBQH đã từng chất vấn về các dự án tiêu tốn hàng nghỉ tỷ đồng thời gian qua. Giải trình trước QH, Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, không chỉ có 5 dự án tiêu tốn nghìn tỉ mà còn một số dự khác cũng đang có nguy cơ gây mất vốn, mất nguồn lực nhà nước.

Bộ trưởng cho biết, hiện 5 dự án gây lãng phí hàng ngàn tỉ vốn Nhà nước gồm: Đạm Ninh Bình, Giấy Phương Nam, Xơ sợi Đình Vũ, Gang thép Thái Nguyên và dự án về Ethanol.

“Ngoài ra còn một số dự khác cũng có nguy cơ kém hiệu quả gây mất vốn, mất nguồn lực nhà nước”, lời Bộ trưởng.

Ông cho biết, Bộ Công thương đang cùng các bộ ngành đang tổng hợp, báo cáo kiểm tra toàn diện các dự án này để đánh giá thực trạng, quá trình điều hành thực hiện, trách nhiệm cấp quản lý, chủ đầu tư và sẽ có giải pháp để không thất thoát vốn Nhà nước.

Người đứng đầu ngành công thương cho biết, sau xem xét sẽ xác định làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị liên quan.

Sơn Ca

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bat-cu-bo-truong-nao-cung-co-the-len-ghe-nong-3322711/