Bất chấp đối đầu công khai, Nga – Mỹ vẫn âm thầm 'nhịn nhau' ở hậu trường

Bề ngoài thì quan hệ Nga - Mỹ có vẻ đang 'bên bờ vực' xung đột nhưng hai đối thủ toàn cầu này hiện đang làm một điều khác ở hậu trường, đó là đối thoại.

Những cuộc đối thoại ở “hậu trường”

Nhìn bên ngoài, có vẻ có rất ít sự thay đổi trong quan hệ giữa Nga và Mỹ - hai đối thủ luôn tìm cách làm suy giảm ảnh hưởng của nhau trên trường quốc tế.

Các tên lửa có khả năng hạt nhân của Nga được phát hiện tập trung ở gần Ukraine. Moscow cũng thử tên lửa hành trình siêu thanh có thể lọt qua hệ thống phòng thủ của Mỹ và gần đây đã cắt đứt mọi mối quan hệ với NATO.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Geneva, Thụy Sĩ hồi tháng 6/2021. Ảnh: New York Times

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Geneva, Thụy Sĩ hồi tháng 6/2021. Ảnh: New York Times

Kể từ khi Tổng thống Biden nhậm chức cách đây 9 tháng, Mỹ cũng áp các lệnh trừng phạt mới lên Nga, tiếp tục hỗ trợ và huấn luyện cho quân đội Ukraine. Đại sứ quán Mỹ tại Nga gần như đã dừng việc cấp thị thực.

Khi các nhà lãnh đạo thế giới gặp nhau tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào cuối tuần trước ở Rome, Italy, Tổng thống Biden không thể có cuộc trao đổi trực tiếp với Tổng thống Putin bởi nhà lãnh đạo Nga tham dự sự kiện này trực tuyến do những lo ngại về dịch Covid-19.

Bề ngoài thì quan hệ Nga - Mỹ có vẻ như đang "bên bờ vực" xung đột nhưng hai đối thủ toàn cầu này hiện cũng đang làm một điều khác: Đối thoại. Hội nghị Thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Putin hồi giữa tháng 6/2021 đã mở ra hàng loạt cuộc tiếp xúc giữa 2 quốc gia, trong đó có 3 chuyến thăm Moscow của các quan chức cấp cao chính quyền Tổng thống Biden từ tháng 7 và nhiều cuộc gặp với các quan chức Nga tại những địa điểm trung lập ở Phần Lan và Thụy Sĩ.

Hai bên đang tiến hành một cuộc trao đổi nghiêm túc về kiểm soát vũ trang ở cấp độ sâu nhất trong nhiều năm qua. Cố vấn hàng đầu Nhà Trắng về an ninh mạng và các công nghệ mới nổi Anne Neuberger cũng đã tham gia vào hàng loạt cuộc trao đổi trực tuyến kín với người đồng cấp Nga.

Các quan chức của hai nước cho biết, những cuộc trao đổi trên cho tới nay hầu như đạt được rất ít kết quả thực chất nhưng đã giúp ngăn căng thẳng Nga - Mỹ vượt ngoài tầm kiểm soát.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden cho rằng Nga đã hợp tác rất chặt chẽ với Mỹ về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran và ở một mức độ thấp hơn là hồ sơ hạt nhân Triều Tiên.

Hướng tiếp cận có chừng mực của Tổng thống Biden đã nhận được những khen ngợi trong giới hoạch định chính sách đối ngoại của Nga, vốn coi sự hợp tác ngày càng gia tăng của Nhà Trắng là một dấu hiệu cho thấy Mỹ đang chuẩn bị tiến hành các thỏa thuận.

"Tổng thống Biden hiểu tầm quan trọng của một chính sách mềm mỏng. Điều quan trọng nhất mà ông Biden hiểu được là ông ấy sẽ không thể thay đổi Nga. Nga vẫn sẽ đi theo con đường của riêng mình", Fyodor Lukyanov, một nhà phân tích chính sách đối ngoại của Nga, đồng thời là cố vấn cho điện Kremlin nhận định.

Tuy nhiên, với Mỹ, hướng tiếp cận này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi chính quyền Tổng thống Biden có thể đối mặt với sự chỉ trích từ những người cho rằng, việc quá vồ vập hợp tác với Nga sẽ khiến những lợi ích của Mỹ bị suy yếu.

Các nhà chức trách châu Âu lo ngại Nga đang quyết tâm đạt được những điều mình muốn giữa cuộc khủng hoảng năng lượng của khu vực, trong đó có việc thông qua đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 trước khi cung cấp thêm khí đốt cho châu Âu. Một đoạn video đăng tải trên mạng xã hội ngày 29/10 cho thấy tên lửa và vũ khí Nga được huy động gần Ukraine, làm dấy lên suy đoán về khả năng Nga sẽ có hành động mới với nước này.

Nga – Mỹ vẫn “nhịn” nhau

Nga đã tìm ra cách thức tận dụng mong muốn xây dựng một mối quan hệ "ổn định và dễ đoán hơn" với Moscow của Tổng thống Biden nhằm khai thác sự nhượng bộ từ Washington.

Khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland dự định thăm Moscow để trao đổi với điện Kremlin, chính phủ Nga đã không đồng ý ngay lập tức. Bị Moscow coi là một trong những người giữ lập trường cứng rắn với Nga có ảnh hưởng nhất ở Washington, bà Nuland ban đầu nằm trong danh sách đen những người bị cấm nhập cảnh vào Nga.

Tuy nhiên, Nga đã đề xuất một thỏa thuận. Nếu Washington thông qua thị thực cho một nhà ngoại giao Nga - người không thể vào Mỹ từ năm 2019 thì bà Nuland có thể đến Moscow. Chính quyền Tổng thống Biden đã chấp nhận đề nghị này.

Trong khi Tổng thống Biden không gặp trực tiếp Tổng thống Putin tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Rome hay Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu ở Glasgow thì người phát ngôn điện Kremlin Dmitri S. Peskov cho biết hồi tháng 10 rằng, một cuộc họp khác giữa 2 nhà lãnh đạo trong năm nay "dù theo hình thức này hay hình thức khác" là điều "khá thực tế".

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết hôm 31/10 rằng ông đã trao đổi nhanh với Tổng thống Biden ở Rome và Tổng thống "nhấn mạnh cam kết sẽ tiến hành thêm các cuộc tiếp xúc".

Các cuộc trao đổi đáng chú ý nhất giữa các quan chức Nga và Mỹ tập trung vào nội dung được gọi là "sự ổn định chiến lược" - bao gồm việc kiểm soát vũ trang truyền thống và giải quyết mối lo ngại về các các công nghệ mới, trong đó có việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để ra lệnh cho các hệ thống vũ khí, vốn có thể dẫn đến những cuộc chiến không mong muốn, hoặc làm giảm thời gian quyết định của các nhà lãnh đạo nhằm tránh xung đột.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman đã dẫn đầu đoàn đàm phán về những vấn đề này và các quan chức Mỹ gọi đây là "điểm sáng" trong quan hệ hai nước. Các nhóm làm việc đã được thiết lập, trong đó có nhóm làm việc thảo luận về "các loại vũ khí mới" như siêu ngư lôi hạt nhân tự hành Poseidon của Nga.

Trong khi các quan chức Lầu Năm Góc cho biết quá trình hiện đại hóa hạt nhân của Trung Quốc là mối đe dọa dài hạn chính thì Nga vẫn là một thách thức trước mắt.

"Nga vẫn là mối đe dọa trực tiếp nhất bởi họ sở hữu 1.550 vũ khí hạt nhân đã triển khai", Tướng John E. Hyten, Phó Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nhận định với báo giới ngày 28/10.

Trong những cuộc tiếp xúc khác, John F. Kerry, đặc phái viên về khí hậu của Tổng thống Biden đã dành 4 ngày ở Moscow hồi tháng 7. Robert Malley, đặc phái viên về vấn đề Iran cũng đã tiến hành các cuộc trao đổi ở Moscow hồi tháng 9.

Thứ trưởng Nga Aleksei Overchuk đã gặp Thứ trưởng Mỹ Sherman và Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan, đồng thời gọi những cuộc tiếp xúc này là "tốt đẹp và thành thật" trước truyền thông Nga.

Tổng thống Putin cũng hoan nghênh những diễn biến tích cực này. Các nhà phân tích đã chú ý đến việc gần đây, nhà lãnh đạo Nga gửi đi tín hiệu của mình. Khi được hỏi tại một hội nghị hồi tháng 10 rằng, liệu Tổng thống Biden rút quân khỏi Afghanistan có khiến quyền lực của Mỹ suy giảm hay không, ông Putin đã đáp lại bằng cách khen ngợi quyết định của ông Biden và từ chối cho rằng việc rút quân đầy hỗn loạn khỏi Afghanistan sẽ ảnh hưởng lâu dài đến hình ảnh của Mỹ.

"Thời gian sẽ trôi qua và mọi thứ sẽ đâu vào đấy mà không dẫn đến bất kỳ sự thay đổi quan trọng nào. Sức hút của một quốc gia không phụ thuộc vào việc đó mà phụ thuộc vào sức mạnh kinh tế và quân sự", Tổng thống Putin cho hay./.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: New York Times

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/bat-chap-doi-dau-cong-khai-nga-my-van-am-tham-nhin-nhau-o-hau-truong-902017.vov