Bất cập trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp (Bài 1): 'Bức tranh' còn dang dở

Để góp phần tạo đà thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra cho tỉnh Thanh Hóa những năm qua là đẩy mạnh việc phát triển các khu, cụm công nghiệp (CCN). Kết quả bước đầu đã có, nhưng đồng thời không ít khó khăn, thách thức cũng đang đặt ra và đòi hỏi sự quyết tâm, nỗ lực rất lớn của cấp ủy, chính quyền các cấp trong giải quyết, tháo gỡ.

Nhà máy Luyện cán thép Nghi Sơn.

Diện mạo bước đầu

Xác định công nghiệp chế biến, chế tạo là một trụ cột tăng trưởng, do đó, cùng với việc tập trung phát triển công nghiệp, mà trọng tâm là công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng và công nghiệp chế biến, chế tạo; thu hút đầu tư các dự án công nghiệp mới quy mô lớn... tỉnh Thanh Hóa cũng đã chú trọng thu hút đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng các khu kinh tế, khu công nghiệp (KCN). Nhờ đó, đến nay toàn tỉnh đã có Khu Kinh tế Nghi Sơn (KKTNS) với 23 phân KCN, 8 KCN ngoài KKTNS và 45 CCN.

Với vị thế và tiềm năng to lớn, KKTNS đã được xác định là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản. Trên cơ sở đó, ngày 7/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1699/QĐ-TTg về việc điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng KKTNS, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, KKTNS có diện tích khoảng 9.057,9 ha, bao gồm: 7 KCN gắn với các dự án đầu tư lớn và đã được lấp đầy (KCN số 7 - Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn, KCN số 8 - Nhà máy Xi măng Nghi Sơn, KCN số 10 - Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 1 và 2, KCN số 13 - Nhà máy Xi măng Đại Dương, KCN số 14 - Nhà máy Xi măng Công Thanh, KCN số 18 - Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp, KCN số 2 - các dự án kho xăng dầu, phụ trợ cho Liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn); 4 KCN đã thu hút được nhà đầu tư hạ tầng gồm KCN luyện kim (KCN số 9), KCN số 1 (khu vực 67 ha phía Bắc đường 513), KCN số 3 và KCN số 15 (KCN Đồng Vàng); 11 KCN đã phê duyệt quy hoạch phân khu nhưng chưa có nhà đầu tư hạ tầng (KCN số 4, KCN số 5, KCN số 6, KCN số 6A, KCN số 11, KCN số 12, KCN số 17, KCN số 19, KCN số 20, KCN số 21, KCN số 22); 1 KCN đang trong quá trình lập quy hoạch phân khu (KCN số 16).

Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/2/2023. Trong đó, đến năm 2030 tỉnh Thanh Hóa được phê duyệt 19 KCN, diện tích là 6.045 ha và sau năm 2030 khoảng 6.809,1 ha. Hiện, có 8 KCN đã có trong quy hoạch (Công văn số 2269/TTg-KTN ngày 13/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh quy hoạch các KCN tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020), với tổng diện tích 2.035,61 ha (KCN Lễ Môn 87,61 ha; KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga 180 ha; KCN Bỉm Sơn 566 ha; KCN Hoàng Long 286 ha; KCN Lam Sơn - Sao Vàng 550 ha; KCN Thạch Quảng 100 ha; KCN Ngọc Lặc 150 ha và KCN Bãi Trành 116 ha). Đến nay, các KCN có 343 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 19.270 tỷ đồng; 50 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký đầu tư là 832,7 triệu USD. Hiện đã có hơn 330 dự án đi vào hoạt động ổn định, đóng góp rất lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cũng theo Quy hoạch phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 153/QĐ-TTg ngày 27/2/2023, trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 có 115 CCN, với tổng diện tích 5.267,25 ha. Hiện nay, tỉnh đã thành lập được 45 CCN, với tổng diện tích 1.642,96 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 11.654,36 tỷ đồng, lũy kế vốn đã đầu tư 1.885,24 tỷ đồng. Trong đó, khu vực đồng bằng có 23 CCN, với tổng diện tích 883,4 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 6.505,2 tỷ đồng; khu vực ven biển có 10 CCN, với tổng diện tích 304,04 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 2.335,7 tỷ đồng; khu vực miền núi có 11 CCN, với tổng diện tích 455,52 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký 2.813,5 tỷ đồng.

Sự hiện diện của KKTNS và các KCN đang cho thấy vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa. Tính riêng giai đoạn 2021-2023, giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ - thương mại của KKTNS và các KCN đạt 546.143 tỷ đồng (KKTNS là 491.770 tỷ đồng, các KCN là 54.373 tỷ đồng). Giá trị xuất khẩu là 9.505 triệu USD (KKTNS là 6.453 triệu USD; các KCN là 3.052 triệu USD). Thu ngân sách đạt 52.747 tỷ đồng (KKTNS là 51.221 tỷ đồng; các KCN là 1.526 tỷ đồng). Giải quyết việc làm cho khoảng 97.970 người (KKTNS khoảng 35.699 người; các KCN khoảng 62.271 người). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 54.137 tỷ đồng (KKTNS là 51.086 tỷ đồng; các KCN là 3.051 tỷ đồng). Thu hút đầu tư mới đạt 168 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài và 15.868 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước...

Vẫn còn trì trệ

Nhìn vào những con số trên có thể cho hình dung bước đầu về diện mạo của các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, số lượng lại chưa phản ánh được đúng thực chất sự phát triển của các KCN, CCN lúc này. Bởi thực tế, tỷ lệ lấp đầy hay việc đầu tư hạ tầng trong các KCN, CCN hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, nếu không muốn nói là một điểm nghẽn lớn, khiến cho các KCN, CCN chưa phát huy được vai trò trong sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa. Chẳng hạn, lũy kế đến năm 2023, tỷ lệ lấp đầy các KCN trong KKTNS bình quân đạt 33,1%; KCN Bỉm Sơn 66,1%; KCN Lam Sơn - Sao Vàng 1,7%; KCN Thạch Quảng 6,1%...

Là KCN có tiềm năng lớn, nhưng đến nay KCN Lam Sơn - Sao Vàng có tỷ lệ lấp đầy rất thấp, với 1 dự án đầu tư thứ cấp (hình thành trước khi có dự án đầu tư hạ tầng KCN), tổng vốn đăng ký đầu tư là 175,76 tỷ đồng, vốn thực hiện đạt 160 tỷ đồng. Dự án đã hoàn thành xây dựng và hoạt động giai đoạn 1, đang triển khai thực hiện giai đoạn 2. Lý giải nguyên nhân của thực trạng này phần lớn là do hạ tầng KCN chưa hoàn thiện. KCN Lam Sơn - Sao Vàng được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Công văn số 687/TTg-CN ngày 18/5/2017. Sau quá trình thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, Ban Quản lý KKTNS và các KCN đã điều chỉnh GCNĐKĐT mã số 0128506653 lần thứ 2 ngày 2/12/2022, với tiến độ cụ thể: Giai đoạn 1 (đến hết ngày 15/1/2023): Hoàn thiện hồ sơ, thủ tục về đầu tư xây dựng và khởi công xây dựng hoàn thiện hạ tầng cụm số 1 với diện tích 121 ha, xây dựng hoàn thiện trạm xử lý nước thải giai đoạn 1. Giai đoạn 2 (đến hết ngày 31/12/2023): Đầu tư hoàn thiện hạ tầng CCN với diện tích 202 ha, xây dựng hoàn thiện trạm xử lý nước thải giai đoạn mở rộng (đạt khoảng 60%). Giai đoạn 3 (đến hết ngày 31/12/2024): Đầu tư hoàn thiện hạ tầng CCN còn lại với diện tích 214 ha và xây dựng hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải giai đoạn 2 (hoàn thành dự án 100%).

Theo đó, công tác giải phóng mặt bằng đã được các bên đẩy mạnh. Cụ thể, giai đoạn 1 với diện tích 98,81 ha và UBND huyện Thọ Xuân đã bàn giao cho nhà đầu tư 84,22 ha. Sau khi được bàn giao mặt bằng, nhà đầu tư đã tập kết máy móc, thiết bị, nhân lực để triển khai san gạt chuẩn bị khởi công dự án. Tuy nhiên, việc thực hiện dự án vẫn chưa bảo đảm tiến độ theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Nguyên nhân chính được cho là do việc thực hiện thủ tục thuê đất kéo dài; quá trình giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, việc bố trí kinh phí để thực hiện của chủ đầu tư chưa kịp thời, chưa chủ động, tập trung nguồn lực để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng dự án...

Với các KCN trong KKTNS, hiện chỉ có các KCN gắn với 7 nhà đầu tư lớn là được đầu tư đồng bộ và đã lấp đầy. Còn 4 KCN dù đã thu hút được chủ đầu tư hạ tầng nhưng tiến độ triển khai rất chậm. 12 KCN còn lại chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng. Với 8 KCN, hiện mới có 5 KCN (nằm trong quy hoạch KKTNS và các KCN) thu hút được nhà đầu tư hạ tầng (KCN Lễ Môn, KCN Đình Hương - Tây Bắc Ga, KCN Bỉm Sơn, KCN Hoàng Long, KCN Lam Sơn - Sao Vàng), nhưng tiến độ thi công rất chậm. Một số KCN hạ tầng hoặc chưa đồng bộ, hoặc đã xuống cấp dù có tỷ lệ lấp đầy cao, ví như KCN Tây Bắc Ga, KCN Lễ Môn. Ngoài ra, tất cả các dự án CCN hiện đều chậm tiến độ so với phê duyệt ban đầu, nhiều CCN còn tiếp tục chậm tiến độ so với phê duyệt điều chỉnh.

Dự án Đầu tư xây dựng và khai thác hạ tầng KCN số 3 KKTNS, có diện tích khoảng 247 ha (tại 2 xã Tân Trường và Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn), do Công ty CP Tập đoàn xây dựng Miền Trung làm chủ đầu tư; với tổng vốn đầu tư 1.102 tỷ đồng. Đến nay, nhà đầu tư cơ bản đã hoàn thành hồ sơ thủ tục của dự án. Tổng diện tích đã thu hồi giải phóng mặt bằng gần 80 ha. Hiện nhà đầu tư đang thực hiện việc san lấp nền một số lô; xây dựng trạm xử lý nước thải; đồng thời, tiếp tục làm việc với các bên liên quan để được bàn giao mặt bằng và triển khai san nền theo tiến độ. Tuy nhiên, theo dự kiến tiến độ ban đầu thì dự án này đang có tiến độ triển khai rất chậm, gây ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thu hút đầu tư vào KKTNS. Nguyên nhân được cho một phần do UBND thị xã Nghi Sơn thực hiện giải phóng mặt bằng; một phần do chủ đầu tư chưa chủ động thực hiện, không tập trung nguồn lực để triển khai đầu tư dự án.

Bên cạnh các dự án trong KCN đang chậm tiến độ so với quy định thì nhiều CCN cũng đang ỳ ạch, tiến độ đều chậm và phải điều chỉnh tiến độ dự án nhiều lần, thậm chí một số CCN phải chấm dứt hiệu lực quyết định thành lập do không triển khai thực hiện được. Điển hình như CCN Tam Linh (Nga Sơn), chủ đầu tư là Liên danh Công ty CP Đầu tư Skyland - Công ty BNB Hà Nội, được UBND tỉnh chấm dứt hiệu lực quyết định thành lập tại Quyết định số 2352/QĐ-UBND ngày 4/7/2022. Nguyên nhân dẫn đến việc chấm dứt hiệu lực quyết định là do dự án chậm tiến độ; đồng thời chủ đầu tư có văn bản báo cáo tự nguyện hoàn trả lại dự án và đề nghị lựa chọn chủ đầu tư mới thực hiện dự án. Sau khi thu hồi dự án, UBND tỉnh đã thành lập CCN Tam Linh tại Quyết định số 4517/QĐ-UBND ngày 19/12/2022, với chủ đầu tư mới là Công ty CP Đầu tư Hà Thanh và hiện đang triển khai dự án bảo đảm tiến độ quy định.

Bên cạnh đó, có những CCN chậm tiến độ do nhà đầu tư không triển khai thực hiện. Chẳng hạn CCN Phúc Thịnh (Ngọc Lặc), thành lập tháng 4/2019, chủ đầu tư là Công ty CP 1268. Theo tiến độ quy định thì dự án phải hoàn thành thủ tục đầu tư giai đoạn 1 trước 30/6/2023; giai đoạn 2 trước 31/12/2024. Theo đó, dự án đã được điều chỉnh phân kỳ đầu tư, nhưng chủ đầu tư không phối hợp với UBND huyện Ngọc Lặc để triển khai dự án. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo giải quyết đề nghị của UBND huyện Ngọc Lặc về việc chấm dứt hiệu lực dự án đầu tư. Đồng thời, Sở Công Thương đã có giấy mời làm việc với UBND huyện Ngọc Lặc và chủ đầu tư (lịch làm việc ngày 26/7/2023). Tuy nhiên, ngày 24/7/2023, chủ đầu tư đã có văn bản xin hoãn hội nghị do người đại diện pháp luật của công ty bị ốm, phải nhập viện.

Có thể nói, “bức tranh” còn dang dở trong đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó không thể không nhấn mạnh đến các nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Để rồi, sự chậm trễ này đã và đang khiến cho việc khơi tiềm năng, lợi thế để biến các KCN, CCN trở thành cơ sở góp phần xây dựng nên trụ cột tăng trưởng - ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - càng trở nên khó khăn hơn...

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Bài 2: “Mổ xẻ” nguyên nhân.

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/bat-cap-trong-phat-trien-he-thong-ket-cau-ha-tang-khu-cum-cong-nghiep-bai-1-buc-tranh-con-dang-do/200159.htm