Bất bình đẳng khiến kinh tế tư nhân bị kìm hãm

"Kinh tế tư nhân bị coi là khu vực thứ yếu thì nền kinh tế nước nhà tụt hậu so với thiên hạ là điều dễ lý giải"- GS.TSKH Lê Du Phong.

Sáng 4/10, LHH Việt Nam tổ chức Diễn đàn khoa học "Vai trò của kinh tế tư nhân nhân trong phát triển kinh tế Việt Nam". Trong đó, ý kiến của GS.TSKH Lê Du Phong, Nguyên quyền Hiệu trưởng trường Đại học kinh tế quốc dân, Chủ tịch Hội cựu giáo chức nêu bật sự bất bình đẳng đối với nền kinh tế tư nhân khiến khu vực kinh tế này không phát huy đúng vai trò.

GS. TSKH Lê Du Phong nhận định: Trong 30 năm thực hiện đường lối đổi mới vừa qua, cùng với sự thay đổi của tình hình quốc tế và trong nước, nhận thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam đối với khu vực kinh tế ngoài Nhà nước (thực chất là kinh tế tư nhân) cũng đã có nhiều thay đổi đáng ghi nhận.

Doanh nghiệp tư nhân chịu bất bình đẳng dù đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế.

Thay đổi trong nhận thức của Đảng về kinh tế tư nhân

Kinh tế tư nhân được phép phục hồi và phát triển trở lại ở Việt Nam từ sau khi Đảng cộng sản Việt Nam quyết định từ bỏ mô hình Kinh tế XHCN vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung để chuyển sang xây dựng nền Kinh tế thị trường định hướng XHCN cuối năm 1986. Tuy nhiên, khác với Liên Xô và các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũ, Kinh tế tư nhân ở Việt Nam được phát triển từng bước khá thận trọng.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (12/1986), tuy đã bắt đầu thừa nhận nền Kinh tế thị trường, song vẫn coi Kinh tế tư nhân là Kinh tế phi XHCN, cần phải được tiếp tục cải tạo.

Đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (6/1991), kinh tế tư nhân không còn bị coi là kinh tế phi XHCN nữa, song chỉ là bộ phận kinh tế thứ yếu trong nền kinh tế của đất nước và chỉ được phát triển trong những khuôn khổ nhất định.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (1996) và lần thứ IX (tháng 4/2001) Kinh tế tư nhân được coi là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền Kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên, Kinh tế nhà nước vẫn là chủ đạo, kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể mới là nền tảng của nền kinh tế.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (4/2006) và lần thứ XI (1/2011) mặc dù vẫn giữ quan điểm kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân, song kinh tế tư nhân đã được thừa nhận là một trong những động lực của nền kinh tế.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (tháng 1/2016) đã có bước tiến lớn hơn, đó là thừa nhận “Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế”.

Cùng với việc thay đổi nhận thức của Đảng đối với kinh tế tư nhân, Nhà nước đã ban hành nhiều Bộ luật và luật, cũng như đưa ra nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và bảo đảm cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Kinh tế tư nhân đóng góp vô cùng lớn.

Sau 15 năm, số lượng các doanh nghiệp tư nhân tăng thêm 11,09 lần; số HTX tăng 1,99 lần, số hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp tăng 1,81 lần, tỷ trọng vốn đầu tư xã hội tăng thêm 15,8%; lao động làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân giảm khoảng 5% do có khu vực kinh tế FDI, song về số lượng thu hút tuyệt đối vẫn tăng thêm 11.569.100 người.

Khu vực kinh tế tư nhân rộng lớn nhất chính là khu vực sản xuất Nông- Lâm- Thủy sản. Khu vực này thu hút và giải quyết việc làm cho gần một nữa lực lượng lao động của cả nước và sản xuất ra gần như toàn bộ lượng lương thực- thực phẩm để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong nước cũng như xuất khẩu ra các thị trường trên thế giới và nhiều loại nguyên liệu phục vụ cho các ngành sản xuất công nghiệp trong nước.

Năm 2015 sản xuất Nông nghiệp đã tạo ra: 45.215.600 tấn thóc, 5.281.000 tấn ngô, 2.704.000 tấn quả các loại, 4.791.500 tấn thịt hơi các loại, 6.549.700 tấn thủy -hải sản, 8.671.60000 m3 gỗ, 1.445.000 tấn cà phê, 1.017.000 tấn mủ cao su khô...

Kết quả do sản xuất nông nghiệp mang lại đã bảo đảm an ninh lương thực quốc gia một cách vững chắc, đã đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia sản xuất nông nghiệp có tầm cở trên thế giới (Xuất khẩu gạo, hạt tiêu số 1, cà phê số 2, cao su, hạt điều thứ 3 thế giới), đặc biệt đã tạo điều kiện giữ cho nền kinh tế nước ta không rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng như một số nước trên thế giới đã gặp phải.

Kinh tế tư nhân ở Việt Nam chịu sự bất bình đẳng

Kinh tế tư nhân ở Việt Nam đang còn gặp không ít khó khăn, bất cập trong sự phát triển. Những khó khăn, bất cập này được biểu hiện trên nhiều phương diện, cả ở tầm vĩ mô lẫn trung mô và vi mô, đáng quan tâm nhất vẫn là 2 vấn đề lớn.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/bat-binh-dang-khien-kinh-te-tu-nhan-bi-kim-ham-3320205/