Bất an xe khách giường nằm

Những bất cập của xe khách giường nằm không chỉ ở riêng một vài tuyến nào, mà đã phổ biến trên toàn quốc. Tới đây, Cục Đăng kiểm VN sẽ đề xuất Bộ GTVT không cấp phép cải tạo xe khách ghế ngồi thành xe giường nằm và vận động doanh nghiệp sử dụng xe khách ghế ngồi dạng có độ ngả lớn vừa đáp ứng nhu cầu hành khách vừa nâng hệ số an toàn trong quá trình phương tiện vận hành.

Xe khách giường nằm BKS 65B - 001.93 có dây an toàn nhưng hành khách không ai thắt, trong khi nhà xe vẫn biến lối đi giữa xe thành giường phụ

Quá nhiều bất cập

Những chiếc xe giường nằm hai tầng đầu tiên xuất hiện từ năm 2006, được doanh nghiệp vận tải Hoàng Long đưa vào khai thác tuyến TP. HCM - Hà Nội, nay đã phổ biến trên toàn quốc. Cùng là xe giường nằm hai tầng, nhưng mẫu mã, kiểu dáng của loại xe này lại muôn hình vạn trạng, có chiếc được thiết kế thành 3 dãy giường (đơn), nhưng cũng có xe chỉ 2 dãy giường đơn. Nhiều xe được bố trí cả nhà vệ sinh bên trong, nhưng có chiếc không khác gì nhà kho di động…

Về mặt kỹ thuật, số khách tối đa mà xe được phép chở đúng bằng số giường mới đảm bảo hệ số ổn định phương tiện. Tuy nhiên, trên thực tế còn khá phổ biến tình trạng nhà xe bố trí khách nằm không đúng theo giường.

"Cục Đăng kiểm VN không khuyến khích phát triển xe giường nằm 2 tầng và sẽ nghiên cứu đề xuất sửa đổi các thông tư quy định về hoán cải phương tiện và chất lượng loại xe này”.

Ông Trần Kỳ Hình
Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN

PV Báo Giao thông nhiều lần đi thực tế trên xe khách qua địa bàn tỉnh Quảng Trị và một số xe chạy tuyến Mỹ Đình (Hà Nội) - Móng Cái (Quảng Ninh), Mỹ Đình - Lai Châu, Mỹ Đình - Hà Giang,… đã chứng kiến nhiều bất cập của các xe giường nằm này. Lối giữa được tận dụng triệt để làm giường nằm, hành khách nằm trên giường tầng 2 không sử dụng dây đai an toàn. Trên các chuyến xe đi miền núi, hầu hết khách khi đặt vé đều yêu cầu nằm giường tầng 1, không ai muốn tầng 2 vì thường bị rung lắc mạnh khi vào cua.

Trong khi đó, tại phía Nam, PV Báo Giao thông cũng ghi nhận có trường hợp xe giường nằm bố trí cả chỗ nằm trên khoảng không phía trên dành cho lối đi giữa xe.

Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, thực trạng trên không chỉ ở riêng một vài tuyến nào, mà đã phổ biến trên toàn quốc. Nhiều nhà xe không chỉ tận dụng các khoảng không trên xe làm chỗ nằm cho khách, mà còn tự ý sắp xếp lại vị trí các giường để có thể bố trí được nhiều chỗ nhất, thay đổi vị trí nhà vệ sinh so với thiết kế của nhà sản xuất, không bố trí dây đai, không có búa thoát hiểm… Những thay đổi trên đều xảy ra sau khi xe đã rời trạm kiểm định, kéo theo khả năng chở quá tải và gây mất ổn định, sự cân bằng của phương tiện trên hành trình, là nguy cơ trực tiếp xảy ra TNGT.

Khuyến khích ghế ngả chất lượng cao thay giường nằm

Theo Cục Đăng kiểm VN, toàn quốc hiện có gần 4.500 xe khách giường nằm, trong đó có khoảng 10% được cải tạo từ xe khách ghế ngồi, số còn lại được sản xuất, lắp ráp trong nước. Loại xe này chủ yếu được đưa vào khai thác tại các tuyến có cự ly từ trên dưới 300 đến hàng nghìn kilomet.

Sau vài năm phát triển nhanh, được doanh nghiệp đầu tư theo phong trào, xe khách giường nằm 2 tầng hiện đang bộc lộ nhiều điểm bất hợp lý trong cả khai thác và vận hành, ảnh hưởng trực tiếp đến ATGT. Xe giường nằm có chi phí đầu tư lớn, giá vé lại không chênh nhiều so với ghế ngồi, nên được các chủ xe khai thác tối đa thời gian và ít có điều kiện quan tâm đến bảo dưỡng, dẫn đến xuống cấp kỹ thuật nhanh.

Dẫn chứng là trong 6 tháng đầu năm 2014, có tới 26,5% xe khách giường nằm không đạt yêu cầu kiểm định trong lần kiểm tra đầu tiên, trong đó một số phải khắc phục, sửa chữa 3-4 lần mới đạt yêu cầu. Tháng 3/2014 vừa qua, Thanh tra Bộ GTVT cũng phát hiện 630 trường hợp xe giường nằm vi phạm quy định về điều kiện an toàn phương tiện.

Theo ông Trần Văn Sang - Trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái Sở GTVT Tuyên Quang, nhiều người chọn xe khách giường nằm chỉ vì lý do tiện lợi là đi ban đêm và giá thành không quá cao. Còn xét về góc độ kinh tế và an toàn, việc cho phép xe giường nằm 2 tầng chạy các tuyến 500 -700km như hiện nay hoặc chạy trên đường đèo núi là không phù hợp. Bởi chỉ riêng về an toàn, với hạ tầng đường sá như hiện nay và chưa thể kiểm soát chặt chẽ sự tuân thủ quy định của chủ xe, lái xe (như tốc độ, chở quá tải, thời gian lái xe liên tục…) rất khó để kiểm soát chặt chẽ phương tiện, lái xe trên hành trình.

Cùng chung quan điểm, ông Tống Duy Kim - Phó Giám đốc Sở GTVT Điện Biên cho biết, quản lý xe khách giường nằm 2 tầng cần có yêu cầu, tiêu chuẩn đặc thù. Chẳng hạn, doanh nghiệp có quy mô đủ lớn, có bộ phận theo dõi an toàn suốt hành trình… mới được cho phép tham gia khai thác tuyến.

Ông Nguyễn Hữu Trí - Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm VN cho biết, Cục Đăng kiểm VN đề xuất Bộ GTVT không cấp phép cải tạo xe khách ghế ngồi thành xe giường nằm và sẽ vận động doanh nghiệp sử dụng xe khách ghế ngồi dạng có độ ngả lớn, ghế có chất lượng như ghế trên máy bay, để vừa đáp ứng nhu cầu hành khách vừa nâng hệ số an toàn trong quá trình phương tiện vận hành.

Hồng Xiêm - Duy Lợi

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/an-toan-giao-thong/201407/bat-an-xe-khach-giuong-nam-505942/