Bập bềnh theo con nước

Ông bà ta có câu 'Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo' hay 'Thứ nhất thả cá, thứ nhì gá bạc'. Ý nói, nghề nuôi cá mang nhiều lợi nhuận, rất nhanh giàu. Tuy nhiên, nghề nuôi cá lồng trên sông, lòng hồ tại xã Trung Xuân, huyện Quan Sơn có thật sự 'dễ ăn' hay lại bấp bênh, may rủi như đánh bạc.

Những bè nuôi cá lồng trên sông Lò. Ảnh: Tăng Thúy

Câu chuyện dưới lòng hồ

Sông Lò là phụ lưu của sông Mã, chảy qua huyện Quan Sơn và Quan Hóa thừa hưởng cái “hung dữ” của dòng Mã giang với những ghềnh thác “nước xô đá, đá xô sóng” nghe như lời oán trách dội ra từ vách núi. Nhưng, cái sự nóng nảy ấy bỗng “khựng lại” khi gặp lòng hồ Thủy điện Trung Xuân, nó ngoan ngoãn cuộn tròn bình yên trong lòng hồ, để mỗi độ xuân về con sông ấy lại xanh thẳm, mát rượi và long lanh nắng như mật trải trên mặt hồ.

“Nhìn vậy nhưng không phải vậy”, Chủ tịch UBND xã Trung Xuân Hà Văn Nghị đồng thời cũng là Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn xã, nói. Rút từ trong túi quần chiếc điện thoại thông minh, ông Nghị lần tìm những bức ảnh chụp nhiều lần ông và Nhân dân đi chống bão lũ, giữ lồng, giữ cá. Ông ví dòng sông Lò như cô gái Thái và nghề nuôi cá trên sông cũng đỏng đảnh như cô nàng đến tuổi trăng tròn vậy. “Cô gái này cá tính lắm nha, lúc hiền thì rất hiền nhưng khi nổi giận cũng “trời long đất lở”, ông nói.

Chở chúng tôi trên chiếc xe máy ra khu vực nuôi cá thuộc bản Phụn, ông Nghị bảo: “Nếu không có người quen đưa ra thì không gặp được ai ngoài bè đâu. Thường, chủ bè chỉ ra lồng khi cho cá ăn và cần dọn dẹp. Bởi, dân ở đây hiền lắm, không sợ mất cắp”.

Đoạn sông không rộng lắm nhưng có đến 72 lồng nuôi các loại cá theo tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi trồng thủy sản. Lồng được làm bằng các đoạn tre dài nối với thùng phuy đóng kín, phía dưới bao lưới. “Mùa này người ta hay thu bè lại, vì mưa lớn bè dễ bị cuốn trôi", ông nói với vẻ lo lắng và cho biết mỗi khi chuẩn bị đến mùa mưa bão UBND xã thường xuyên nhắc nhở, cảnh báo người dân cần củng cố các ô lồng nuôi thả cá”.

Theo ông Nghị, nghề nuôi cá lồng trên sông Lò chỉ mới xuất hiện sau khi lòng hồ thủy điện Trung Xuân tích nước, phần lớn diện tích đất sản xuất của người dân bị ngập. Để tạo sinh kế cho người dân địa phương, xã Trung Xuân đã tận dụng nhiều vị trí lòng hồ có diện tích bề mặt rộng từ 1 đến 2km2, mực nước sâu, nguồn nước sạch để vận động Nhân dân phát triển nghề nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện. Vì là mới nên ngay từ đầu những người dân nơi đây phải xác định đánh bạc “5 ăn, 5 thua”, chấp nhận sự may - rủi, bấp bênh và nhiều rủi ro của nghề. Khi làm nghề đòi hỏi người làm phải hiểu thật rõ đặc tính sinh trưởng, phát triển của từng loài cá thả lồng để nuôi. Thế là, chính quyền địa phương và các hộ nuôi cùng nhau tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăm sóc nuôi cá lồng bè nước ngọt. Họ cứ tự bảo ban nhau vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm.

"Cuộc chiến" trên sông

Đợi một lúc thì ông Đoàn Xuân Quỳnh ở bản La từ nhà đến, chở theo một bì cỏ voi đã cắt khúc. Theo chân chủ bè, tôi men theo những cây luồng dập dềnh mà đi. “Nghe đài báo chiều nay mưa lớn, tôi về lấy đồ chuẩn bị giữ bè”, ông Quỳnh giải thích. “Mấy hôm thủy điện Trung Xuân xả lũ, sáng bình yên vậy đấy, nhưng chiều sẽ ầm ầm ngay”.

Đợt lũ hồi tháng 9/2023 khiến ông vỡ ra nhiều điều. Đứng trước sức mạnh của mẹ thiên nhiên, những chiếc bè trên sông chẳng khác gì những chiếc lá. Sóng cứ nhấn chìm lại đẩy trồi lên, những chiếc bè giằng chống vào nhau uốn éo như con rắn. “Trưa tôi về nhà ăn cơm rồi quay lại bè. Đến đầu giờ chiều, gió lớn, mình tôi “chiến đấu”. Chỉ 3 tiếng đồng hồ bão đổ bộ, cả người và vật đều tả tơi. Lúc đó, tôi chỉ biết cầu trời khấn phật”, ông Quỳnh cảm thán. “May mắn, lồng nhà tôi không trôi. Còn lồng bên cạnh thì không được như thế. Bè đứt khiến 6 tạ cá đến kỳ thu hoạch cuốn theo dòng nước lũ”.

Hiện ông Quỳnh đã phát triển được 2 lồng nuôi các loại cá trắm, lăng... Mỗi lồng, ông thả 30 - 50 con, hàng ngày ông đi cắt cỏ voi, sắn, cây bầu, bí làm thức ăn cho cá. Sau 1 năm nuôi, cá có trọng lượng khoảng 3 - 7kg, với giá bán khoảng 100.000 đồng/kg, ông thu về 30 - 50 triệu đồng. Trừ đi chi phí, mỗi lồng cá cho lãi từ 20 - 25 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, ông Quỳnh cho biết đó là chưa tính rủi ro, chứ cá bệnh, hoặc trôi lồng, vỡ lồng thì xem như trắng tay. Nhưng được cái nuôi cá lồng rất nhàn, không tốn công, không tốn của. Thức ăn sẵn có trong rừng. Mỗi ngày, chỉ cần một lần cắt cỏ, thả vào lồng cho cá ăn; nước sông sạch, nhiều khoáng chất, nhiều loại phù du nên cá ít bệnh, lớn nhanh.

Đầu năm 2021, HTX nông lâm nghiệp và thủy sản Trung Xuân được thành lập để xây dựng, phát triển mô hình nuôi cá lồng. Các hộ nuôi cá lồng trong xã cũng thành lập tổ, hội nuôi cá lồng để tiện lấy giống, chia sẻ cách chăm sóc cá và thống nhất giá bán ra thị trường.

Thời gian tới, để phát triển bài bản nghề nuôi cá trên sông Lò không còn là nghề dựa vào may, rủi, nhỏ lẻ, người dân cần đầu tư các loại lồng nuôi có kích thước lớn nhằm nâng cao năng suất, sản lượng; tăng diện tích nuôi và tỷ lệ lồng nuôi các loài cá bản địa quý hiếm, loại có giá trị kinh tế cao; nuôi thâm canh, bán thâm canh đối với các loại cá thông thường. Thu hút các nhà đầu tư phát triển nuôi cá lồng kết hợp với bảo quản, chế biến cá lồng và phát triển du lịch trải nghiệm. “Khi đó, thương hiệu cá lồng sông Lò sẽ được biết đến và việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn”, ông Nghị cho biết.

Tăng Thúy

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/bap-benh-theo-con-nuoc/209650.htm