Bấp bênh nhà giáo hợp đồng

Lương 3 cọc 3 đồng, cống hiến nhiều năm trời không thua gì giáo viên biên chế nhưng vẫn mãi thiệt thòi và dễ dàng bị tước đi giấc mơ làm nghề vì... cơ chế. Họ là những nhà giáo hợp đồng.

Những trang giáo án vẫn còn nhưng khả năng cô Hằng phải rời xa ngành giáo dục vì không được ký lại hợp đồng

Giáo viên kiêm chăn bò, nấu ăn thuê

Gian nhà chật chội và ọp ẹp trong thôn Kinh Môn (xã Trung Sơn, H.Gio Linh, Quảng Trị) có tới 4 gia đình thuộc 4 thế hệ sinh sống. Mẹ con cô giáo Phan Thị Thúy Hằng (33 tuổi) ở đó.

Chuyện đời cô Hằng, cho đến giờ buồn nhiều hơn vui. Cô lấy chồng từ thuở đôi mươi và sớm chia tay chỉ một năm sau vì chồng rượu chè cờ bạc, dù họ kịp có với nhau một đứa con gái. Cô dọn về nhà mẹ đẻ từ đấy.

Có cả bố mẹ là giáo viên (GV) nên cô cũng theo đuổi ước mơ làm nghề giáo, lần lượt đi học trung cấp rồi cao đẳng mỹ thuật. Năm 2009, ra trường và được nhận vào dạy hợp đồng ở Trường THCS Trung Hải (Gio Linh), cô những tưởng một tương lai tốt đẹp vừa mở ra cho mình. Hóa ra, đó chỉ là khởi đầu cho những ngày mỏi mệt với bao nỗi thiệt thòi… Hai năm sau, cô được về Trường tiểu học Trung Sơn, dạy môn mỹ thuật, vẫn với cái phận GV hợp đồng.

“Năm đầu tiên, tôi nhận lương tháng 500.000 đồng. Mười năm sau, lương nhích lên 2 triệu rưỡi, nhưng trừ bảo hiểm, công đoàn… thì khoản thực nhận chỉ gần 2 triệu đồng”, cô Hằng nhẩm tính rồi tặc lưỡi: “Ừ thì cũng đủ tiền lo cho con ngày 3 bữa. Còn tiền cưới hỏi, điện thoại, xăng xe thì cứ giật gấu vá vai”.

Mỗi tuần, cô Hằng dạy 23 tiết, ngoài ra còn dạy thêm các môn kỹ thuật, đạo đức… Để "có đủ cơm áo", cô nấu ăn thuê ở các đám cưới, cứ chiều hôm nay đi đến chiều hôm sau, với khoản tiền công 150.000 đồng. Thậm chí, cô không ngần ngại đi giữ bò.

Cô Nhung thu dọn lại sách vở, như khép lại quãng thời gian đi dạy - Ảnh: Nguyễn Phúc

Cách nhà cô Hằng không xa, cô Nguyễn Thị Tuyết Nhung cũng có bố mẹ là GV. Cô tốt nghiệp ngành sư phạm toán, làm giáo viên hợp đồng tại Trường THCS Gio An 2 năm trước khi có thêm 6 năm hợp đồng tại Trường THCS Trung Sơn. Cô Tuyết Nhung vẫn chung số phận với cô Hằng: không được UBND H.Gio Linh ký lại hợp đồng vào năm học 2017 - 2018. “Đến giờ tôi vẫn chưa tin mình bị cắt hợp đồng. Lẽ nào mình khép lại sách vở, đèn sách, giáo án rồi ư?”, cô Nhung nói như mơ ngủ.

Bà Nguyễn Thị Thiệp (cựu GV vừa nghỉ hưu được một năm) kể đứa con trai thứ 2 của bà đang học năm thứ 3 ngành sư phạm toán ở Huế bỏ ngang giữa chừng để đi… nghĩa vụ công an, vì thấy cảnh chị lay lắt với nghề “gõ đầu trẻ” mà ngán ngẩm. “Vợ chồng tôi cả đời làm nghề giáo, ông nhà từng làm hiệu phó. Truyền thống gia đình là vậy mà thằng em giờ bỏ học, mặc cho tôi khóc hết nước mắt. Còn con chị thì đã đứng tuổi lại bơ vơ giữa ngã ba đường không biết đi đâu về đâu”, bà Thiệp nói như khóc.

Không dám nghĩ về… mùa hè

Tại huyện Gio Linh và nhiều địa phương khác ở Quảng Trị, việc ký hợp đồng với GV thường chỉ tính từ tháng 9 hoặc tháng 10 năm này đến hết tháng 5 năm sau (đúng thời điểm bắt đầu và kết thúc năm học). Còn mấy tháng nghỉ hè, UBND huyện, nhà trường và các GV hợp đồng… hết liên quan. Vậy nên, khác với học trò và GV biên chế, luôn muốn đến hè để được nghỉ học, vui chơi, đi du lịch thì những GV hợp đồng thường không dám nghĩ về… mùa hè.

Họ thường có câu đùa ra nước mắt rằng, nghỉ hè thì không dám ăn và không dám đau. Không dám ăn vì có lương đâu mà ăn. Còn không dám đau là vì bảo hiểm y tế chỉ tính đến hết tháng 5, thời gian này mà có gặp rắc rối về sức khỏe thì phải tự lo. Kể cả việc sinh nở của các cô giáo nếu vào mùa hè cũng… phiền phức không kém. Đó cũng là nỗi lo của cô giáo Hoàng Thị Lan Hương (30 tuổi, dạy môn công nghệ, Trường THCS Gio An), đang có bầu hơn 5 tháng.

Còn một điều “không dám” nữa cũng rất éo le đối với GV hợp đồng: không dám ra đường. “Vì ra đường thì sợ gặp học trò. Mỗi lần gặp, chúng lại bâu vào hỏi: Khi mô cô đi dạy? Năm ni cô chủ nhiệm lớp mô? Răng cô không chủ nhiệm bọn em?… Chúng tôi chẳng biết trả lời chúng thế nào. Bởi có biết phận mình sang năm học mới ra sao, có ký lại được hợp đồng hay không đâu?”, cô Nhung nói, mặt buồn rười rượi.

Những mùa hè mệt mỏi

Nhiều GV hợp đồng cứ phải trải qua những mùa hè khổ sở, nhất là tháng 8, tháng 9 mệt mỏi tính chuyện "chạy" cửa này cửa kia mong được ký lại hợp đồng. Có người vác hồ sơ lên nộp để làm GV vùng cao, nhưng vẫn “trượt từ vòng gửi xe” vì… chưa đến lượt. “GV hợp đồng nào dám so với GV biên chế, dù thường thì chúng tôi phải nỗ lực hơn để được ghi nhận. Mà bây giờ thậm chí GV biên chế người ta cũng "kêu", thì anh đủ biết cái phận hợp đồng bọt bèo đến nhường nào", cô Hằng nói.

Sau lễ khai giảng năm học mới 2017 - 2018, có 67 GV, cán bộ văn phòng các trường thuộc khối tiểu học, THCS ở H.Gio Linh (Quảng Trị) không được ký lại hợp đồng. Trong số họ, người có thâm niên ít nhất cũng 5 năm, người công tác nhiều nhất 12 năm. Những GV này đã trực tiếp gặp lãnh đạo UBND H.Gio Linh để trần tình. “Nhưng chúng tôi chỉ là GV, giờ trên huyện trên phòng đưa ra quy định này, văn bản nọ ra và vin vào cái gọi là “cơ chế” để cắt hợp đồng thì làm sao cãi được. Chỉ tiếc là chúng tôi đã mất cả chục năm ở đây, cả tuổi thanh xuân ở đây. Giờ ngót nghét 35 - 40 tuổi cả rồi, biết bắt đầu lại từ đâu khi chẳng có cơ quan, đoàn thể hay công ty nào nhận?”, cô giáo Phan Thị Thúy Hằng tâm sự.

Nguyễn Phúc

Nguyễn Phúc

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/giao-duc/bap-benh-nha-giao-hop-dong-883067.html