Bảo vệ tài sản trí tuệ: Doanh nghiệp địa phương vẫn loay hoay

Khi xảy ra tranh chấp, xung đột về tài sản trí tuệ, doanh nghiệp chỉ biết chọn cách thay đổi luôn nhãn hiệu, kiểu dáng.

Vấn đề về Sở hữu trí tuệ (SHTT), đặc biệt là đăng ký, quản lý và sử dụng tài sản trí tuệ (TSTT) đóng vai trò sống còn với sự phát triển của các doanh nghiệp hiện nay. Tuy nhiên, thực tế triển khai các hoạt động về SHTT ở các địa phương còn gặp nhiều vướng mắc.

Trong buổi trao đổi với Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP.Hồ Chí Minh, TS Lê Công Nhường, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bình Định đã chia sẻ những khó khăn trong triển khai hoạt động SHTT của địa phương và đề nghị Sở KH&CN TP.HCM hợp tác hỗ trợ.

Ngoài lãnh đạo Sở KH&CN tỉnh Bình Định, thành phần trong đoàn còn có các cán bộ phụ trách SHTT, đại diện Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Bình Định và một số chủ doanh nghiệp ở địa phương.

Tỉnh Bình Định có nhiều làng nghề, sản phẩm đặc trưng. Số lượng doanh nghiệp địa phương đang có xu hướng tăng lên.

Nắm được vai trò và nhu cầu về SHTT, chính quyền và Sở KH&CN tỉnh Bình Định đã có nhiều hoạt động hỗ trợ các làng nghề, doanh nghiệp. Trong đó có thể kể đến chương trình hỗ trợ sản phẩm đặc trưng, xây dựng nhãn hiệu tập thể hay hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký kiểu dáng công nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh những gì đã làm được, hoạt động đăng ký, quản lý và sử dụng tài sản trí tuệ TSTT của Bình Định còn nhiều vấn đề nan giải.

Đại diện Sở KH&CN TP.HCM và đoàn Bình Định trao đổi tìm phương thức tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động SHTT 

Theo ông Huỳnh Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Bình Định cho biết cái khó đầu tiên là trình độ, kiến thức về SHTT của cán bộ địa phương cũng như doanh nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Do đó những khâu như mô tả sáng chế thường gặp khó khăn, dẫn đến doanh nghiệp còn ngại, không hào hứng với vấn đề TSTT.

Theo chia sẻ của ông Vũ Duy Bảo, giám đốc Công ty cơ khí và xây dựng Quang Trung thì đây cũng là lý do chính khiến cho các doanh nghiệp địa phương còn chưa hào hứng với vấn đề SHTT.

Ngoài ra, ông Trường cũng cho biết việc xử lý khi xảy ra tranh chấp, xung đột về TSTT cũng chưa hiệu quả. Điều này dẫn đến nhiều doanh nghiệp thay vì bảo vệ TSTT của mình thì chọn cách thay đổi luôn nhãn hiệu, kiểu dáng. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục, Bình Định sẽ rất khó xây dựng và phát triển được những thương hiệu bền vững.

Với các doanh nghiệp quy mô lớn hơn lại đối mặt với một vấn đề khác. Hiểu được vai trò của SHTT nhưng lại không đủ khả năng, trình độ nên nhiều doanh nghiệp phải chọn cách nhờ các công ty dịch vụ đăng ký cũng như quản lý TSTT giúp mình.

Ông Trường cho biết chi phí doanh nghiệp phải bỏ ra trong những trường hợp này khoảng 300-400 triệu. Đây là không chỉ là sự lãng phí lớn mà còn hạn chế nhiều sự chủ động của doanh nghiệp với chính TSTT của mình.

Trước những khó khăn đó, Sở KH&CN tỉnh Bình Định đề nghị Sở KH&CN TP.HCM hỗ trợ nâng cao năng lực cho cán bộ SHTT cũng như các doanh nghiệp của địa phương. Ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM đại diện cam kết hợp tác tổ chức các hoạt động SHTT với phía Bình Định.

Ngoài ra, tại buổi làm việc bà Hoàng Tố Như, Phó trưởng phòng Phòng Quản lý SHTT thuộc Sở KH&CN TP.HCM nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng. Liên quan đến những khó khăn mà phía Bình Định trình bày, bà Như cho rằng một phần là do cách làm của cán bộ địa phương chưa phù hợp.

Theo bà Như, với vấn đề TSTT của doanh nghiệp không nên làm theo phong trào mà phải tập trung vào nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng.

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước không phải người đi làm thay toàn bộ cho doanh nghiệp. Nhiệm vụ chính của nhà nước là hỗ trợ cơ chế, phát triển kỹ năng SHTT cho doanh nghiệp để từ đó doanh nghiệp tự phát triển chiến lược quản lý, sử dụng TSTT riêng của mình.

Phạm Sơn

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/bao-ve-tai-san-tri-tue-doanh-nghiep-dia-phuong-van-loay-hoay-c7a556268.html