Bảo vệ quyền của người dưới 18 tuổi phạm tội

Việc giới hạn loại hình phạt có thể áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội là cách phân biệt theo hướng khoan hồng hơn trong chính sách pháp luật hình sự Việt Nam.

Pháp luật Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều có những quy định phù hợp để bảo vệ, giáo dục, phòng ngừa các hành vi xâm phạm người dưới 18 tuổi hoặc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội.

Giới hạn loại hình phạt

Luật hình sự bảo vệ quyền con người thông qua quy định về trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với người dưới 18 tuổi phạm tội thể hiện ở nhiều quy định:

- Việc quy định giới hạn loại hình phạt hoặc loại hình phạt chỉ có thể áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội là một trong những cách thức thể hiện bảo vệ quyền con người đối với người chưa thành niên phạm tội so với người đã thành niên.

Một phiên tòa xét xử vụ án có người dưới 18 tuổi phạm tội ở phòng xử án hình sự. Ảnh minh họa: TRẦN LINH

BLHS năm 2015 quy định người chưa thành niên phạm tội chỉ bị áp dụng một trong bốn loại hình phạt đối với mỗi tội phạm: cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn. Không áp dụng hình phạt tử hình, chung thân và không áp dụng hình phạt bổ sung đối với người chưa thành niên phạm tội.

Việc giới hạn loại hình phạt có thể áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội là một xu hướng phân biệt theo hướng khoan hồng hơn giữa người chưa thành niên và người đã thành niên phạm tội của chính sách pháp luật hình sự Việt Nam thể hiện nhất quán trong các BLHS năm 1985, 1999, 2015 của Việt Nam.

- Giới hạn về mức hình phạt có tính chất khoan hồng đối với người chưa thành niên phạm tội so với người đã thành niên phạm tội.

Hiện nay, pháp luật hình sự Việt Nam mức tối đa phạt tiền, cải tạo không giam giữ là 1/2 so với người đã thành niên phạm tội tương ứng; còn đối với hình phạt tù thì mức hình phạt tối đa được phân hóa theo hai nhóm: người phạm tội từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì mức hình phạt tối đa là 12 năm tù, từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi thì mức hình phạt tối đa là 18 năm tù.

- Mở rộng các biện pháp miễn, giảm TNHS và hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội.

Cơ sở để mở rộng áp dụng rộng rãi các biện pháp miễn, giảm TNHS đối với người chưa thành niên phạm tội xuất phát từ mục đích xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu mang tính chất giáo dục, giúp đỡ họ tái hòa nhập xã hội và hạn chế áp dụng hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội.

Thay đổi nền tảng quy định tố tụng

BLTTHS 2015 đã quy định riêng một chương (chương XXVIII) gồm 18 điều, từ Điều 413 đến Điều 430 về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, trên tinh thần đảm bảo quyền lợi chính đáng cho họ do chưa phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần.

Điều 414 BLTTHS 2015 ghi nhận bảy nguyên tắc khi tiến hành tố tụng đối với vụ án có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi. Đây là một thay đổi nền tảng trong quá trình tố tụng đối với người dưới 18 tuổi, thể hiện sự tôn trọng và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời thể hiện quan điểm và chính sách nhân đạo của Việt Nam với mục đích tạo điều kiện để bảo vệ quyền và lợi ích của người dưới 18 tuổi.

Cơ quan tiến hành tố tụng phải nghiêm túc thực hiện những nguyên tắc này. Bất kỳ vi phạm hoặc thực thi không đầy đủ nào làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo lợi ích của người dưới 18 tuổi đều bị cấm. PL

Khoan hồng trước những lầm lỡ

Luật hình sự Việt Nam hiện hành bên cạnh các biện pháp miễn, giảm TNHS áp dụng chung cho cả người đã thành niên và chưa thành niên cũng đã quy định nhiều biện pháp khoan hồng dành riêng cho người chưa thành niên phạm tội với các điều kiện khoan hồng hơn như: miễn TNHS (khoản 2 Điều 91 BLHS), giảm hình phạt (Điều 105 BLHS), tha tù trước thời hạn có điều kiện (Điều 106 BLHS). Chẳng hạn, người chưa thành niên phạm tội chỉ cần chấp hành một phần tư (1/4) thời hạn thì có thể được giảm chấp hành hình phạt tù (Điều 106 BLHS). Điều này cho thấy trong chừng mực nhất định thể hiện xu hướng bảo vệ quyền con người đối với người chưa thành niên phạm tội.

- Mở rộng áp dụng các biện pháp giáo dục đối với người chưa thành niên phạm tội.

Các biện pháp giáo dục đối với người chưa thành niên hiện nay bao gồm: khiển trách, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (được áp dụng khi miễn TNHS đối với người chưa thành niên phạm tội) và giáo dục tại trường giáo dưỡng (biện pháp tư pháp áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội và có tính chất thay thế cho hình phạt).

Các biện pháp giáo dục này có thể áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội ở tất cả giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử (khiển trách, biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn) hoặc chỉ ở giai đoạn xét xử (giáo dục tại trường giáo dưỡng).

- Xử lý chuyển hướng và tư pháp phục hồi đối với người chưa thành niên phạm tội.

Trong luật hình sự Việt Nam, biện pháp tư pháp phục hồi đối với người chưa thành niên phạm tội là hòa giải tại cộng đồng (Điều 94 BLHS). Biện pháp này được áp dụng khi miễn TNHS đối với người chưa thành niên phạm tội. Do đó, về bản chất, nó là một biện pháp kết hợp giữa hai xu hướng: xử lý chuyển hướng và tư pháp phục hồi cùng một lúc áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội.

Tòa án thân thiện cho người dưới 18 tuổi

Một phiên tòa xét xử người dưới 18 tuổi phạm tội ở phòng xử thân thiện. Ảnh: SONG MAI

Tại Hà Nội, TP.HCM và một số tòa án cấp tỉnh khác, Tòa Gia đình và người chưa thành niên đã được thành lập. Riêng tại TP.HCM, TAND TP Thủ Đức là tòa án cấp huyện đầu tiên có thành lập Tòa Gia đình và người chưa thành niên. Còn các tòa án cấp huyện khác thì được bố trí phòng xử thân thiện đối với vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa Gia đình và người chưa thành niên.

Người tiến hành tố tụng trong các vụ án có người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng ngoài việc là người chuyên trách, có kiến thức pháp luật tốt thì họ còn được trang bị kiến thức về tâm lý trẻ em; tâm lý bị can, bị cáo, bị hại; kỹ năng nghiên cứu hồ sơ; kỹ năng xét hỏi; giao tiếp ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu.

Vụ án có người dưới 18 tuổi phạm tội xử ở phòng xử thân thiện (hoặc phòng xử được bố trí thân thiện) không có bục khai báo, thẩm phán xét xử không mặc áo choàng…, trừ những trường hợp phải xử ở phòng xử án hình sự quy định tại Điều 4 Thông tư 02/2018 của chánh án TAND Tối cao.

Không xét xử lưu động đối với vụ án hình sự có người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi.

Người dưới 18 tuổi tham gia tố tụng được chỉ định người đại diện hợp pháp (khoản 1 Điều 420 BLTTHS, khoản 3 Điều 423 BLTTHS)…; chỉ định người bào chữa (khoản 5 Điều 414 BLTTHS).

Các quy định về áp dụng biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế đối với người dưới 18 tuổi phạm tội trên tinh thần chỉ xem biện pháp áp dụng này là biện pháp cuối cùng, đối với người gây ra nguy cơ thực sự cho an toàn công cộng…

Cơ quan tiến hành tố tụng phải cân nhắc kỹ càng việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn không tước đi quyền tự do của người dưới 18 tuổi; và chỉ áp dụng các biện pháp giam, giữ khi các biện pháp trên không khả thi hoặc không phù hợp.

Khi quyết định hình phạt, tòa án chỉ có thể đưa ra án phạt đối với tội phạm dưới 18 tuổi nếu xét thấy việc miễn TNHS và áp dụng bất kỳ biện pháp giám sát hoặc giáo dục cụ thể nào cũng không mang lại hiệu quả giáo dục và răn đe.

Về án treo, theo Nghị quyết 01/2022 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 02/2018) thì trường hợp người dưới 18 tuổi phạm tội hai lần trở lên vẫn có thể được hưởng án treo. Đây là một trong những điểm mới của hướng dẫn về án treo, thể hiện tinh thần bảo vệ lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi, đảm bảo nguyên tắc giáo dục, giúp họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội.

PHƯƠNG LOAN

TS PHAN ANH TUẤN, Trường ĐH Luật TP.HCM

Nguồn PLO: https://plo.vn/bao-ve-quyen-cua-nguoi-duoi-18-tuoi-pham-toi-post766606.html