Bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp: Những kiến nghị từ thực tiễn

Công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển công nghiệp ở nước ta đang gặp nhiều thách thức.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm.

Phát triển kinh tế và gia tăng sự ảnh hưởng môi trường - hai mặt của một vấn đề

Phát triển công nghiệp là xu thế phát triển tất yếu. Tuy nhiên, thực tế vấn đề phát thải gây ảnh hưởng môi trường tỷ lệ thuận với sự phát triển ngành Công nghiệp. Công tác quản lý, bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển công nghiệp ở nước ta đang gặp nhiều thách thức. Đó là sự thiếu hợp lý trong quy hoạch các cụm, khu công nghiệp; khó khăn trong quản lý, xử lý chất thải phát sinh; khó khăn trong quản lý các ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm cao…

Đáng lo ngại, các sự cố môi trường tiếp tục gia tăng, nhiều vụ ảnh hưởng trên phạm vi rộng, diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác quản lý và khắc phục hậu quả.

Phát biểu tại Tọa đàm “Bảo vệ môi trường trong sản xuất công nghiệp: Những kiến nghị từ thực tiễn”, Báo Công Thương tổ chức ngày 15/9/2023, ông Vũ Ngọc Hưng - Trưởng phòng Bảo vệ môi trường Công Thương (Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương) nhìn nhận: Trong thời gian qua, xuất hiện nhiều điểm nóng về môi trường, nhất là các khu vực tập trung cho sản xuất công nghiệp và thương mại, một số nguyên nhân chủ quan dẫn đến thực trạng trên là do hệ thống chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT) còn có chồng chéo và bất cập. Bên cạnh đó, năng lực quản lý Nhà nước về môi trường của doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Mô hình tổ chức cơ quan quản lý về BVMT từ Trung ương xuống đến địa phương còn bất cập và hạn chế về năng lực, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý đối với một số lĩnh vực lớn, phức tạp, nhạy cảm đang gia tăng hiện nay.

“Ngoài ra, công nghệ khai thác và chế biến lạc hậu; thiếu sự đầu tư phát triển cũng là một nguyên nhân quan trọng làm thất thoát, lãng phí tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường”, ông Hưng nêu.

Nêu quan điểm về nội dung này, TS. Mai Thanh Dung - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường cho biết, tại thời điểm đa số ý thức nhận thức của doanh nghiệp về bảo vệ môi trường tăng lên và thậm chí họ làm rất tốt như các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực dầu khí, dệt may. Tuy nhiên vẫn còn không ít những doanh nghiệp để xảy ra vi phạm về môi trường, vi phạm này thể hiện có 2 cấp độ: Thứ nhất vi phạm khi thực hiện thủ tục hành chính; cấp độ thứ hai là vi phạm ở mức ô nhiễm môi trường chủ yếu là doanh nghiệp có công nghệ lạc hậu chưa cái thiện được xử lý chất thải, chất xả thải nên không đảm bảo trong công tác bảo vệ môi trường.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Tạ Hữu Doanh - Giám đốc Công ty CP Phát triển Hạ tầng Dệt may Phố Nối cho hay, khi tham gia đầu tư, thực hiện các nghĩa vụ về bảo vệ môi trường sẽ góp phần giảm thiểu chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp. Trong ngắn hạn, nếu các doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi công nghệ, quy trình sản xuất theo hướng góp phần bảo vệ môi trường có thể sẽ làm cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng lên nhưng trong dài hạn thì sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất thông qua giảm sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu giảm, các chi phí liên quan đến pháp lý bảo vệ môi trường, chi phí khắc phục sự cố môi trường, tạo ra không gian làm việc hiệu quả cho người lao động. Chính vì vậy, trong dài hạn thì hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tốt hơn nếu ngay từ đầu chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, ông Tạ Hữu Doanh bày tỏ, với khó khăn về nguồn vốn do phải đầu tư mới hoặc đầu tư cải tạo, nâng cấp; Tiếp cận khoa học công nghệ mới, tiên tiến còn hạn chế, dẫn đến hạn chế trong giải pháp cải thiện môi trường. Do đó, chưa có nhiều cơ chế của Nhà nước nhằm hỗ trợ các dự án phát triển xanh.

Gắn sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường

Mục tiêu phát triển của đất nước đã được Đảng và Nhà nước ta xác định từ nay đến năm 2030, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp. Theo định hướng đó, dự kiến kế hoạch trong những năm tới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải được đẩy mạnh hơn nữa.

Theo đó, muốn phát triển các ngành sản xuất phải có khoa học - công nghệ hiện đại, đồng thời phải đặc biệt quan tâm đến mục tiêu kế hoạch bảo vệ môi trường, phát triển các vùng nguyên liệu. Sự kết hợp biện chứng về giữa hai mục tiêu này là đòi hỏi tất yếu khách quan hướng tới mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nêu bật giải pháp trong thời gian tới, về phía Bộ Công Thương, ông Vũ Ngọc Hưng - Trưởng phòng Bảo vệ môi trường Công Thương cho hay, để quản lý hiệu quả công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương, Bộ Công Thương luôn bám sát và thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1375/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành Công Thương, góp phần cải thiện chất lượng môi trường, phòng ngừa các sự cố, rủi ro môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành Công Thương.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm được giao tại Luật BVMT và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật, bao gồm các nội dung về phát triển ngành công nghiệp môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong ngành Công Thương, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, quản lý các chất ô nhiễm khó phân hủy, phát triển kinh tế tuần hoàn và các nhiệm vụ quản lý nhà nước về hoạt động BVMT khác. Đồng thời, tiếp tục phối hợp với Bộ TNMT trong quá trình rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường để đảm bảo tính khả thi và phù hợp với thực tiễn trong quá trình triển khai.

“Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, xây dựng, ban hành hoặc báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành các chính sách, quy định pháp luật liên quan đến hạn chế việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần và bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại chợ, siêu thị và trung tâm thương mại; quản lý, xử lý các tấm quang năng thải bỏ từ các nhà máy điện mặt trời; tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường”, ông Vũ Ngọc Hưng nêu cụ thể.

TS. Mai Thanh Dung cho biết, sắp tới đây Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ về nôi dung Hành động quốc gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Đây là nội dung quan trọng đặc biệt đối với các khu công nghiệp, khu chế xuất trong công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn tiếp theo.

Để giải quyết vấn đề môi trường, nâng cao trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ và quy trình sản xuất, phương thức quản lý để phát triển các sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường.

Đối với doanh nghiệp, ông Tạ Hữu Doanh đề xuất, Nhà nước sớm đưa ra chính sách phát triển sạch hướng tới sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường, mặt khác đóng vai trò người tiêu dùng lớn có tác động đến thị hiếu mua sắm và tiêu dùng sản phẩm, kích cầu các sản phẩm thân thiện với môi trường.

Trên cơ sở đó, phát huy vai trò của các tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc tuyên truyền, phổ biến, giám sát việc thực thi trách nhiệm bảo vệ môi trường của doanh nghiệp.

Theo đó, trong thời gian tới, để thành công của công tác bảo vệ môi trường còn là giải quyết tốt hàng loạt mâu thuẫn giữa lợi ích trước mắt và lâu dài, cục bộ và tổng thể. Cụ thể đối với công tác bảo vệ môi trường trường trong sản xuất công nghiệp đòi hỏi phải tập trung, kiên trì, giải quyết một cách hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế. Sự tăng trưởng như vậy là cần thiết nhằm làm cho đất nước phát triển hòa nhập với kinh tế khu vực.

Nhi Huyền

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bao-ve-moi-truong-trong-san-xuat-cong-nghiep-nhung-kien-nghi-tu-thuc-tien-361028.html