Bảo vệ môi trường bằng “kỉ luật thép” ở Singapore

Bên cạnh hòn đảo chôn rác nhân tạo đầu tiên trên thế giới, Singapore còn giữ được môi trường trong xanh bằng những hình phạt nghiêm khắc thông qua cảm giác bị xấu hổ trước công chúng để nhắc nhở mọi người dân không xả rác bừa bãi.

Hình phạt và ý thức của cộng đồng
Semakau Landfill nổi tiếng là hòn đảo chôn rác nhân tạo đầu tiên trên thế giới. Nhờ hệ thống này, từ 16.000 tấn rác mỗi ngày, sau khi đốt rác Singapore chỉ cần bãi đổ rác cho hơn 10% lượng rác đó. Đặc biệt, nhiệt năng sinh ra trong khi đốt rác được dùng để chạy máy phát điện đủ cung cấp 3% tổng nhu cầu điện của Singapore.
Tuy nhiên, điểm mối chốt trong quản lý môi trường đô thị ở Singapore chính là ý thức của mỗi dân đảo quốc Sư tử.
Nổi tiếng nghiêm khắc về mặt thi hành pháp luật, Singapore đã áp dụng một cách cứng rắn các hình phạt để giữ gìn trật tự kỷ cương của đất nước. Không chỉ vậy, các vấn đề về môi trường cũng được đặt lên hàng đầu với các hình phạt nặng nề đối với việc xả rác bừa bãi. Người xả rác bừa bãi lần đầu tiên sẽ bị phạt tối đa là 1.000 đôla Singapore, tái phạm thì mức phạt sẽ tăng lên 2.000 - 5.000 đôla và phải lao động công ích.
Trong khoảng vài giờ, người bị phạt trong bộ quần áo sáng màu đặc trưng sẽ phải làm sạch nơi công cộng, ví dụ nhặt rác tại công viên, đôi khi phương tiện truyền thông địa phương được mời đến để ghi lại sự kiện.
Nhà chức trách muốn thông qua cảm giác bị xấu hổ trước công chúng để nhắc nhở mọi người dân không xả rác bừa bãi. Tác dụng tích cực của động thái trên chính là đường phố Singapore vô cùng sạch sẽ, ý thức bảo vệ môi trường của người dân cũng được nâng cao.
Việt Nam: vừa cứng rắn vừa kiên trì

Việc áp dụng các biện pháp xử lý cứng rắn ở Singapore đối với hành vi xả rác bừa bãi như Singapore là gợi ý quan trọng trong quản lý môi trường ở Việt Nam.
Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 có quy định mức phạt từ 100.000 - 300.000 đồng đối với hành vi xả rác nơi công cộng. Tuy nhiên, mức xử phạt này vẫn ở mức “giơ cao đánh khẽ”.
Trong khi đó, việc xử phạt hành chính đối với hành vi xả rác bừa bãi vẫn cần thiết. Đó sẽ là mức phí để nâng cao ý thức trách nhiệm của cộng đồng đối với môi trường sống.
Báo chí đã nhiều lần phản ánh thực trạng các bạn trẻ sau khi tham gia các chương trình hội chợ, ca nhạc,… không hề có ý thức phải bỏ rác đúng chỗ. Nhiều người vẫn vô tư vứt rác xuống các con kênh, dòng sông, thậm chí vứt tàn thuốc lá xuống đường. Những hành vi này không chỉ gây hại cho môi trường sống mà còn ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị.
Người xả rác bừa bãi không chỉ phải nhận hình phạt từ phía chính quyền, mà còn nhận những ánh mắt lên án gay gắt của những người xung quanh. Cộng đồng sẽ là nhân tố quan trọng nâng cao ý thức bảo vệ từng con đường, từng mảng xanh hiện diện xung quanh.
Nắm bắt tinh thần này, ngày 18/8/2013 công ty TNHH Phát triển Phú Mỹ Hưng phối hợp cùng ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) và các đơn vị đoàn thể tổ chức chương trình “Ngày Chủ nhật xanh”.
Hoạt động chính của chương trình là tuyên truyền, vận động ý thức bảo vệ môi trường, đồng thời tổ chức thu gom rác ở khu vực công viên Cảnh Đồi, công viên Nam Viên và khu Kênh Đào trong khu đô thị Phú Mỹ Hưng. Hoạt động này đã thu hút hơn 1000 người tham gia. Đây là chương trình nằm trong chiến dịch “Phú Mỹ Hưng: Đô thị không rác” sẽ được Phú Mỹ Hưng tiếp tục triển khai, nhằm mục tiêu giữ cho khu đô thị này được xanh, sạch, đẹp, đồng thời kêu gọi ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân.

Với sự nỗ lực và trách nhiệm của các doanh nghiệp với cộng đồng, hy vọng đất nước chúng ta sẽ ngày một xanh hơn, tươi đẹp hơn, môi trường sống của chúng ta cũng ngày một trong lành hơn.
Anh Vũ

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/137119/bao-ve-moi-truong-bang--ki-luat-thep--o-singapore.html