Bảo vệ động vật hoang dã trong chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam

Theo GS-TSKH Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội động vật học Việt Nam: tài nguyên động vật gồm hai loại: động vật đã được thuần hóa và động vật hoang dã (ĐVHD). Động vật được thuần hóa đã mang lại lợi ích thiết thực cho con người như trâu, bò, dê, cừu, ngựa..., còn ĐVHD trên khắp các châu lục chưa được sự chăm sóc của con người, mặc dù chính những loài, giống này đã từng và sẽ mang lại cho loài người nhiều lợi ích to lớn.

Cho đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào lượng giá được hết các ý nghĩa và giá trị cụ thể của động vật hoang dã trong hệ sinh thái. Nhưng con người ý thức được rằng động vật nói chung và ĐVHD nói riêng là tài sản vô giá của nhân loại cần được bảo vệ, chăm sóc để phát triển. Động vật hoang dã ở Việt Nam thống kê được khoảng 21.125 loài. Trong đó 1.100 loài cá nước ngọt, 2.038 loài cá biển, 162 loài lưỡng cư, 840 loài chim, 310 loài thú, 17 loài thú biển, 296 loài bò sát, 7.750 loài côn trùng... Việt Nam là 1/16 quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất thế giới. Bảo vệ động vật hoang dã ở Việt Nam là một thách thức rất lớn, bởi các khu vực bảo tồn rất nhiều, với 126 khu đã được thành lập, nhưng chưa đảm bảo bền vững, chỉ được bảo vệ một cách thuần túy, chưa kết hợp giữa bảo tồn và phát triển. Các khu bảo tồn chưa thể hiện sự đóng góp cho nền kinh tế và cải thiện cuộc sống của cộng đồng trong vùng vành đai. Chính vì vậy, việc săn bắt, buôn bán trái phép động, thực vật hoang dã chưa thể ngăn chặn triệt để. Các loài quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng. Bảo vệ ĐVHD là bảo vệ môi trường, môi sinh, trong đó những cánh rừng già, những khu rừng ngập nước cần được chú trọng bởi đây chính là “nhà” của các loài động vật hoang dã, quý hiếm. Việc bảo tồn các khu rừng nguyên sinh sẽ ổn định được về môi trường, hình thành các vùng vành đai điều hòa tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu. Để làm được điều này, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế bảo vệ ĐVHD, như Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đa dạng sinh học (ĐDSH), đã được Quốc hội thông qua tháng 10/2008. Ưu tiên cho biện pháp bảo tồn nguyên vị, nhưng không được xem nhẹ biện pháp bảo tồn chuyển vị và đặc biệt chú ý việc bảo tồn thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu toàn cầu. Vì vậy, cần có sự hợp tác đa ngành, đa quốc gia gắn với tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ, bảo tồn động, thực vật hoang dã trong chiến lược lâu dài là phát triển bền vững của mỗi quốc gia./.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=374389&co_id=30085