Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể

Trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 20 năm Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, ngày 29/11, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức hội nghị - hội thảo 'Thực hành di sản kỷ niệm 20 năm Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003-2023) và đánh giá hiệu quả thực hiện Công ước đối với Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt'.

Một tiết mục trình diễn tại hội thảo. Ảnh: Quý Phạm.

Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) thông qua năm 2003 (Công ước 2003). Ngày 5/9/2005, Việt Nam chính thức tham gia và là một trong 30 quốc gia đầu tiên gia nhập Công ước quốc tế quan trọng này, đánh dấu sự hội nhập, xác định vai trò quốc tế của Việt Nam trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể với UNESCO và các nước trên thế giới. Nhiều nội dung quan trọng về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở cấp quốc gia và quốc tế được quy định trong Công ước đã và đang góp phần hiệu quả vào phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội bền vững.

Việt Nam là một trong những quốc gia sớm đưa nội dung về di sản văn hóa phi vật thể vào Luật Di sản văn hóa (2001, 2009). Nhiều nội dung về di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào Luật. Luật Di sản văn hóa dành riêng 1 chương để quy định về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể. Các nội dung về di sản văn hóa phi vật thể quy định trong Luật Di sản văn hóa đã góp phần quan trọng vào thành quả bảo vệ di sản văn hóa nói chung trong suốt hơn 20 năm qua, làm cân bằng hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, phù hợp với tinh thần, quy định của Công ước 2003, được quốc tế đánh giá cao, góp phần bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, tạo bức tranh chung, đa dạng văn hóa của nhân loại. Việt Nam là một trong những nước đầu tiên đưa nội dung về di sản văn hóa phi vật thể vào Luật. Tinh thần, nội dung của Công ước 2003 hiện đang được duy trì và tiếp tục được hoàn thiện, lồng ghép và bổ sung trong các quy định của Luật Di sản văn hóa, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Di sản văn hóa và pháp luật liên quan.

Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Lê Thị Thu Hiền cho biết, với các di sản văn hóa phi vật thể trình và đã được UNESCO ghi danh vào các danh sách, thực hiện cam kết, Bộ VHTTDL đã trực tiếp thực hiện và chỉ đạo các địa phương có di sản thực hiện các biện pháp bảo vệ di sản theo cam kết. Cụ thể là, sau khi di sản được UNESCO ghi danh, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia đối với từng di sản, đồng thời chỉ đạo các tỉnh, thành phố có di sản được ghi danh xây dựng các dự án, đề án bảo vệ và phát huy giá trị di sản. Tính đến nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đều có các dự án, đề án bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh theo các giai đoạn khác nhau. Thực hiện các cam kết của Việt Nam với UNESCO, tất cả các di sản văn hóa phi vật thể thuộc các danh sách của UNESCO đều đã có hoặc đang xây dựng đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị. Các báo cáo thường kỳ của quốc gia thành viên Công ước được thực hiện, nộp đầy đủ, khoa học và theo quy định của UNESCO.

Cũng theo bà Hiền, nhiều tỉnh, thành phố cũng đã xây dựng đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong Danh mục quốc gia theo chỉ đạo của Bộ VHTTDL. Về việc xây dựng các báo cáo trình UNESCO đối với các di sản được ghi danh vào các Danh sách, theo quy định của UNESCO, Việt Nam đã nộp đầy đủ các báo cáo theo quy định gồm: Báo cáo chu kỳ 4 năm đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp (Báo cáo các năm 2013, 2017, 2021), Báo cáo chu kỳ 6 năm đối với di sản văn hóa phi vật thể trong Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Báo cáo các năm: 2012, 2018)…

“Việt Nam luôn là thành viên tích cực và có trách nhiệm của UNESCO và Công ước 2003, cũng như tự cường mạnh mẽ trong việc đóng góp vào bảo vệ sự đa dạng văn hóa và phát triển bền vững di sản văn hóa phi vật thể trên thế giới” - bà Hiền bày tỏ.

Cũng tại hội nghị - hội thảo, các đại biểu, chuyên gia đến từ các địa phương sở hữu các di sản văn hóa phi vật thể trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản và theo tinh thần Công ước 2003 nói chung và di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt nói riêng. Theo PGS.TS Trần Lâm Biền, khi “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu...” được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đã tạo niềm phấn khởi cho một bộ phận nhân dân khá lớn ở khắp mọi miền. Tuy nhiên, do không được hướng dẫn, giải thích cặn kẽ nên phong trào “hầu đồng” đã phát triển “bồng bột” thiếu sự hiểu biết đầy đủ về đạo, dẫn tới việc lên đồng tràn lan, không chỉ ở những phủ, điện có thờ Mẫu, mà còn diễn ra ở cả những nơi, trước đây, chưa từng có lên đồng. Họ đua nhau làm “điếc tai” thần thánh, có khi trong một điện mà có hơn một nhóm cùng hầu đồng một lúc, với âm thanh được mở hết cỡ, khiến cho sự thành kính ở cửa thánh bị hạn chế và tính thiêng bị giảm sút. Ông Biền cũng cho biết, cũng có khi, chỉ cần một màn vải căng lên, trên đó có hình Tam tòa thì ở nơi đó, được coi là thuận tiện có thể “nhảy múa” được rồi! “Phong trào” phát triển tới mức hội thảo, tọa đàm về việc thờ Mẫu và lên đồng cũng được một số cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội mở ra liên tục, dù cho nội dung chỉ na ná giống nhau, họ dễ dãi trong các tham luận, chỉ quanh quẩn trong hệ Tứ phủ, Tam phủ, không mấy ai bàn về những điều cơ bản mang tính cốt lõi của lên đồng, hầu đồng và tục thờ Mẫu...

Theo PGS.TS Trần Lâm Biền, hy vọng việc lên đồng, hầu đồng sớm đi đúng vào con đường thuộc văn hóa tâm linh mà tổ tiên ta đã truyền lại để hầu đồng không bị lợi dụng. Cần hạn chế những buổi lên đồng “vô bổ” núp dưới bóng liên hoan, dễ ảnh hưởng tới tính thiêng thuộc văn hóa tâm linh của tín ngưỡng này, và để tránh cho nó đi lệch hướng của truyền thống và của chính sách về tôn giáo tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước.

Hoàng Minh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-ve-di-san-van-hoa-phi-vat-the-10267736.html