Bảo vật ở Nhật Bản trở thành nạn nhân khủng hoảng năng lượng

Không chỉ tác động đến các hộ dân tại Nhật Bản, cuộc khủng hoảng năng lượng còn tạo áp lực lớn cho công tác bảo tồn các bảo vật nghệ thuật và văn hóa của nước này.

 Bảo tàng Quốc gia tại thủ đô Tokyo được thành lập từ năm 1872. Ảnh: AP.

Bảo tàng Quốc gia tại thủ đô Tokyo được thành lập từ năm 1872. Ảnh: AP.

Theo Bloomberg, Bảo tàng Quốc gia tại thủ đô Tokyo là một trong những cơ sở lâu đời và lớn nhất tại Nhật Bản chuyên lưu trữ và bảo quản các loại kiếm samurai cổ, tác phẩm nghệ thuật và văn kiện.

Trên tạp chí Bungei Shunju, ông Makoto Fujiwara, giám đốc của bảo tàng, dự đoán tiền điện tại cơ sở này sẽ tăng gấp đôi trong năm nay.

Tiền điện là một phần quan trọng trong quá trình bảo quản khoảng 120.000 hiện vật, có nguồn gốc từ Nhật Bản và nhiều khu vực khác của châu Á, đang được lưu trữ tại bảo tàng này.

"Các hiện vật văn hóa cần được bảo quản trong môi trường có nhiệt độ và độ ẩm phù hợp để đảm bảo chúng luôn trong tình trạng tốt", ông Fujiwara viết trong bài báo. Cũng theo ông, bảo tàng đã phải cắt giảm chi phí mua và sửa chữa các tác phẩm văn hóa để duy trì hoạt động trong năm nay.

Bảo tàng Quốc gia tại thủ đô Tokyo là nạn nhân mới nhất của tình trạng thiếu hụt năng lượng, khiến giá khí đốt tự nhiên và than tăng vọt trong năm 2022. Giá thành cao của những loại năng lượng này đã khiến giá điện tại Nhật Bản tăng mạnh.

Bảo tàng Quốc gia thủ đô Tokyo chịu trách nhiệm bảo quản 89 hiện vật được chính phủ Nhật Bản phân loại là "Bảo vật Quốc gia". Những hiện vật này bao gồm chiếc thắt lưng dùng trong nghi lễ cổ có từ thế kỷ II đến thế kỷ I TCN, tấm bình phong gấp từ thời kỳ Edo có nội dung mô tả khung cảnh của thành phố Kyodo.

Ngoài ra, bảo tàng này cũng chịu trách nhiệm bảo quản Mikazuki Munechika - một trong những thanh kiếm vĩ đại nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Cơ sở này dự kiến phải bỏ ra tới 3,4 triệu USD để chi trả tiền điện trong năm tài khóa 2023, cao gấp 2 lần con số 1,5 triệu USD được bảo tàng dành ra để chi trả cho nhu cầu khí đốt và điện.

Đối với một bảo tàng nhận được khoản trợ cấp 15 triệu USD hàng năm từ chính phủ Nhật Bản, ông Fujiwara cho biết cơ sở này không thể huy động thêm 1,9 triệu USD để trả tiền điện.

Người đứng đầu Bảo tàng Quốc gia tại thủ đô Tokyo cho biết ông đã yêu cầu Cơ quan Văn hóa Nhật Bản trợ giúp về mặt tài chính nhưng không được chấp thuận.

An Bình

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bao-vat-o-nhat-ban-tro-thanh-nan-nhan-khung-hoang-nang-luong-post1393021.html