Bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian các dân tộc thiểu số

Từ nay đến năm 2030, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh An Giang tiếp tục nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trong việc bảo tồn, phát huy tác phẩm văn học dân gian. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quảng bá tác phẩm vào sinh hoạt thường xuyên, định hướng ý thức giữ gìn, bảo tồn văn học dân gian của dân tộc mình.

Góp phần phát huy giá trị

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch An GiangTrương Bá Trạng, văn học dân gian của các dân tộc là thành tố quan trọng tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam độc đáo, đa dạng trong sự thống nhất, góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong cộng đồng DTTS. Những năm qua, hoạt động này được tỉnh gắn kết chặt chẽ với việc bảo tồn, phát huy các thành tố văn hóa khác, như: Phong tục tập quán, tiếng nói, chữ viết, trang phục, dân ca, dân vũ, dân nhạc… Đồng thời, kết hợp chặt chẽ với ngành, lĩnh vực giáo dục, an ninh, thông tin và truyền thông.

Trong quá trình bảo tồn giá trị văn học dân gian, tỉnh tiếp thu, phát triển, đảm bảo gìn giữ nội dung cơ bản, cốt lõi mang bản sắc dân tộc trong kho tàng văn học dân gian của các DTTS. Nghệ nhân và những người trực tiếp nắm giữ, thực hành văn hóa truyền thống của các DTTS đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị văn học dân gian, đóng góp vào sự phát triển bền vững của cộng đồng các DTTS.

Những năm gần đây, các ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, trọng tâm là công nghệ số để nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy, tuyên truyền, quảng bá tác phẩm văn học dân gian tiêu biểu (nhất là tác phẩm, thể loại có nguy cơ mai một).

Bảo tồn, tư liệu hóa

Để góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 527/KH-UBND, triển khai đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các DTTS đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2023 - 2026, tỉnh phấn đấu sưu tầm, nghiên cứu, kiểm kê hàng năm để lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể về văn học dân gian các DTTS trên địa bàn; sưu tầm, số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu số lĩnh vực này, góp phần lưu trữ, nghiên cứu, tổ chức xuất bản, phát huy, truyền dạy.

Tỉnh phấn đấu 20% tác phẩm (có nguy cơ mai một) được bảo tồn, tư liệu hóa; 50% tác giả, nghệ nhân thuộc lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể nói chung, văn học dân gian của các DTTS nói riêng được hưởng chính sách hỗ trợ trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị; 40% trường dân tộc nội trú và các cấp trường tại vùng đồng bào DTTS đưa văn học dân gian vào sinh hoạt ngoại khóa, ngày hội, giao lưu, liên hoan cho học sinh…

Ngoài ra, tỉnh phấn đấu hình thành 1 - 2 câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian vùng DTTS để thực hành, biểu diễn và trao truyền thể loại văn học dân gian. Phát động sưu tầm văn học dân gian của các DTTS trên phạm vi toàn tỉnh; tổ chức hội thảo khoa học về công tác này cấp khu vực hoặc toàn quốc.

Giai đoạn 2027 - 2030, tỉnh đặt mục tiêu hoàn thành công tác kiểm kê, đánh giá, phân loại và lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể văn học dân gian của các DTTS trên quy mô toàn tỉnh. Phấn đấu sưu tầm, số hóa, xuất bản 60% tác phẩm; 80% tác phẩm (có nguy cơ mai một) được bảo tồn, tư liệu hóa; 50% tác giả, nghệ nhân được hưởng chính sách hỗ trợ...

Để thực hiện các mục tiêu trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư yêu cầu sở, ngành, địa phương, đơn vị vận dụng triển khai cơ chế, chính sách cho tác giả, nhà nghiên cứu, nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền lĩnh vực bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các DTTS.

Cùng với đó, khảo sát, sưu tầm, kiểm kê, lập danh mục thể loại văn học dân gian truyền thống của các DTTS; xây dựng chương trình truyền dạy, bồi dưỡng, tập huấn về văn học dân gian; bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian các DTTS trong lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa, liên hoan văn nghệ quần chúng, không gian diễn xướng, thực hành phù hợp; lựa chọn tác phẩm văn học dân gian tiêu biểu đưa vào giảng dạy, giáo dục ngoại khóa tại trường học; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu tác phẩm văn học dân gian…

THU THẢO

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/bao-ton-phat-huy-gia-tri-van-hoc-dan-gian-cac-dan-toc-thieu-so-a370706.html