Bảo tồn, phát huy giá trị di sản nghệ thuật của nhạc sĩ Văn Cao

Ngày 15-11, tại Hà Nội, Trung tâm UNESCO mỹ thuật Việt Nam (Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam) phối hợp với các đơn vị tổ chức lễ kỷ niệm 100 năm Ngày sinh danh nhân văn hóa Văn Cao (15/11/1923 - 15/11/2023) và hội thảo về thân thế, sự nghiệp Văn Cao.

Quang cảnh lễ kỷ niệm và hội thảo về thân thế, sự nghiệp Văn Cao.

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, đại diện gia đình nhạc sĩ Văn Cao, phân tích di sản tinh hoa về âm nhạc, thơ ca và hội họa của Văn Cao để lại cho đời, góp phần tạo nên diện mạo văn hóa và nghệ thuật mới cho nước nhà.

Nhạc sĩ, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nhận định, Văn Cao là một bậc tài danh của nền văn nghệ Việt Nam hiện đại. Tài danh của Văn Cao đặc biệt nhất là việc ông tự tỏa mình vào 3 loại hình nghệ thuật là âm nhạc, thi ca và hội họa. Đặc biệt hơn là trong 3 loại hình đó, ở loại hình nào cũng thấy bóng dáng của 2 loại hình kia.

“Trong thơ thì thấy ấn tượng của âm nhạc và hội họa. Trong hội họa thì thấy dạt dào chất nhạc và chất thơ, độc đáo rõ nét là ở trong các bức tranh lập thể. Còn trong nhạc thì cũng thấy thật trào dâng chất thơ trong ca từ, chất hội họa trong đường nét giai điệu”, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha nhấn mạnh.

Bên cạnh tôn vinh những cống hiến, đóng góp với văn học, nghệ thuật nước nhà của Văn Cao, đi sâu phân tích tài năng sáng tạo của nhạc sĩ, nhiều đại biểu, văn nghệ sĩ cũng chia sẻ những kỷ niệm với nghệ sĩ bậc thầy này.

Nghệ sĩ, Tiến sĩ mỹ học Thế Hùng cho biết, ông được nhạc sĩ Văn Cao quý như con. “Bác thường động viên tôi hãy nuôi dưỡng đam mê. Văn Cao là tấm gương tôi noi theo, thắp đuốc cho tôi đi vào con đường nghệ thuật và vì thế, bác cháu tôi có nhiều kỷ niệm sâu sắc”, Tiến sĩ Thế Hùng nói.

Hội thảo ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết, xúc động của các đại biểu, văn nghệ sĩ.

Nói về cha mình, họa sĩ, nhà thơ Văn Thao chia sẻ: “Cha chúng tôi vốn là người bình dị, yêu thương vợ cùng con cháu hết lòng, quý mến bạn bè và ân nhân hết mức, chia sẻ cho đồng nghiệp, các ca sĩ đã đến và thực hiện ca khúc của ông hết nghĩa chân tình và nhân ái. Chúng tôi bảo nhau cố gắng noi gương cha để làm việc, để cống hiến phần nhỏ bé về nghệ thuật”.

Đại diện địa phương quê hương nhạc sĩ Văn Cao, Phó Bí thư Đảng ủy xã Liên Minh (huyện Vụ Bản, Hà Nam) Nguyễn Văn Chiến cho biết, sinh thời, nhạc sĩ Văn Cao nhiều lần về thăm quê cha, đất tổ, được anh em họ hàng, bà con lối xóm đón tiếp trong niềm hân hoan, tự hào. Để ghi nhớ công ơn ông và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa mà ông để lại, Đảng bộ xã Liên Minh nhiệm kỳ 2020-2025 đã ban hành Nghị quyết quy hoạch xây dựng khu tưởng niệm Văn Cao diện tích 1,2ha, đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt và đang triển khai công tác giải phóng mặt bằng, vận động nguồn xã hội hóa kinh phí xây dựng.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến, khu tưởng niệm này cần được hướng tới trở thành công viên văn hóa nghệ thuật Văn Cao, gìn giữ và tôn vinh các tác phẩm âm nhạc, hội họa, thi ca của nhạc sĩ này.

Các đại biểu cũng đóng góp ý tưởng kiến trúc công viên văn hóa nghệ thuật Văn Cao tại xã Liên Minh (Vụ Bản, Nam Định) và Công viên văn hóa danh nhân nghệ thuật Hải Phòng - nơi sinh của nhạc sĩ Văn Cao...

Nhân dịp này, Ban tổ chức hưởng ứng kêu gọi của UBND tỉnh Nam Định, UBND huyện Vụ Bản và xã Liên Minh thực hiện tư vấn, quy hoạch, thiết kế công trình khu tưởng niệm Văn Cao và kêu gọi công đức cho công trình.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bao-ton-phat-huy-gia-tri-di-san-nghe-thuat-cua-nhac-si-van-cao-648019.html