Bảo tồn làng nghề truyền thống trước nguy cơ mai một

Quá trình đô thị hóa khiến nhiều làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố đối mặt với nguy cơ mai một, số lượng người dân gắn bó với nghề ít dần. Thời gian qua, các ngành chức năng, địa phương đã nỗ lực như thế nào để bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống? Đà Nẵng cuối tuần có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng về vấn đề này.Để một nghề được công nhận và ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không hề đơn giản, nghề đó phải trải qua ít nhất hàng trăm năm. Ông bà đã để lại những di sản văn hóa quý giá như bây giờ thì chúng ta cần phải phát huy và gìn giữ.

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng. Ảnh: Đ.H.L

* Xin ông cho biết thực trạng của các làng nghề trên địa bàn thành phố hiện nay? Nguyên nhân nào khiến các làng nghề có nguy cơ mai một?

Hiện thành phố có tất cả 7 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có 3 nghề thủ công truyền thống. Sang năm, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ tiếp tục làm hồ sơ xét duyệt di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho nghề bánh khô mè ở Hòa Châu và hướng đến nghiên cứu khôi phục nghề dệt chiếu Cẩm Nê.

Từ lâu, nghề dệt chiếu được xem là một hình ảnh văn hóa ở đình làng. Chẳng hạn như chiếu được sử dụng nhiều trong các lễ hội. Tuy nhiên, nghề chiếu vẫn chưa được đầu tư phát triển đúng mức.

Khó khăn hiện nay là thiếu nguồn nguyên liệu. Do tác động của quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp bị thu hẹp nên không có đất trồng nguyên liệu. Trong khi đó, người dân bây giờ chủ yếu ngủ nệm, chi phí làm ra một cái chiếu rất cao nhưng chỉ bán 100.000 đồng. Do đó, để phát triển nghề chiếu thì cần phải nghiên cứu mẫu mã sản phẩm đa dạng và phong phú hơn như chiếu Thanh Hóa.

Một trong những tồn tại lớn nhất hiện nay của các làng nghề là thiếu nguồn nhân lực. Hầu hết những người làm nghề truyền thống là người lớn tuổi, họ yêu mến nghề mà cố gắng gìn giữ; còn lớp trẻ vì cơ chế kinh tế thị trường, vì mưu cầu cuộc sống nên phải bôn ba kiếm sống. Nếu bám víu vào nghề, họ không thể trang trải cuộc sống. Trong khi đó, sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp vẫn chưa đủ

* Việc bảo tồn nghề truyền thống có vai trò quan trọng gì trong bối cảnh hiện nay, thưa ông? Công tác bảo tồn làng nghề thời gian tới như thế nào?

Để một nghề được công nhận và ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không hề đơn giản, nghề đó phải trải qua ít nhất hàng trăm năm. Được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia để làm gì? Thứ nhất là bảo tồn nghề; di sản càng nhiều thì sự phát triển đô thị đó mới bền vững và nó cũng sản sinh ra một thế hệ gìn giữ di sản tiếp theo, giúp di sản văn hóa ông cha ta để lại không mai một.

Thời gian qua, để gìn giữ và bảo tồn các làng nghề truyền thống, Bảo tàng Đà Nẵng thường xuyên xuống tận nơi để khuyến khích, vận động bà con tiếp tục nhân rộng mô hình làng nghề truyền thống và hướng dẫn con cháu mình có sự kế thừa, nhất là vận động phụ nữ trong làng không đi lao động ở các thành phố lớn nữa mà quay về quê hương để cùng chung tay sản xuất kinh doanh làng nghề.

Tất cả các nghề sau khi được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Bảo tàng Đà Nẵng đều tham mưu cho địa phương ban hành các đề án bảo tồn, phát huy làng nghềđể có những chính sách hỗ trợ cho người dân kịp thời, để giúp bà con sống được với nghề. Làm văn hóa là phải làm kinh tế văn hóa, phải có những chính sách đặc thù, cơ chế mở, hỗ trợ cho người dân thì người dân mới sống được với nghề, mới giàu lên từ di sản. Ông bà để lại cho chúng ta những di sản văn hóa quý giá như bây giờ thì chúng ta cần phải phát huy và gìn giữ.

* Giải pháp nào để khai thác tốt tiềm năng và gìn giữ nét đẹp của làng nghề, thưa ông?

Sau khi các nghề được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chúng ta đã đánh giá lại thị trường nước mắm Nam Ô, bánh tráng Túy Loan… hay chưa? Mỗi năm, làng nghề làm ra sản lượng bao nhiêu? Nhà nước đã đầu tư như thế nào? Ngoài nghề đá mỹ nghệ Non nước phục vụ nhu cầu mỹ nghệ, nhu cầu cái đẹp thì các sản phẩm liên quan đến ẩm thực, chúng ta đã đầu tư ra sao? Đây là những bài toán cần lời giải.

Nghề bánh tráng Túy Loan vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Đ.H.L

Thứ nhất, người dân rất cần tạo ra những thương hiệu để họ nhận diện sản phẩm và sự đóng góp của mình ở trong làng nghề, từ đó được vinh danh, tự hào và hạnh phúc. Thứ hai, những sản phẩm thủ công truyền thống là đặc trưng của làng nghề. Nhà nước và doanh nghiệp phải có những chủ trương, chính sách cùng với người dân để đưa sản phẩm làng nghề ra thị trường trong nước và quốc tế; chúng ta không thể giao phó cho người dân sau khi nghề được công nhận

Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Do đó, chính quyền địa phương, cụ thể là các quận, huyện phải ban hành ngay đề án khai thác và phát triển làng nghề; đồng thời Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xét duyệt hồ sơ đón nhận làng nghề. Bởi, về mặt di sản, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận nghề là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng để công nhận là làng nghề thì phải là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Do đó, cần phải có sự chung tay của nhiều ngành, nhiều cấp, đặc biệt là: Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông và UBND các cấp trong việc ban hành các chính sách đãi ngộ như chính sách miễn giảm thuế cho doanh nghiệp khi đầu tư vào làng nghề; chính sách kích cầu để phát triển làng nghề. Chẳng hạn, khi đề xuất thành lập Trung tâm thương mại tự do, ai vào đó cũng được hưởng phi thuế quan thì làng nghề cũng được hưởng phi thuế quan.

Sở Công Thương phải chung tay cùng bà con làng nghề đưa các sản phẩm vào các gian hàng trong siêu thị; các doanh nghiệp, các tập đoàn đầu tư vào siêu thị tại Đà Nẵng cũng cần ngồi lại làm việc với Sở Công Thương để đưa sản phẩm thủ công truyền thống của ông cha ta đã được công nhận vào các kệ của siêu thị.

Cuối cùng, ngành văn hóa hằng năm phải thành lập hội đồng xét phong tặng nghệ nhân nhân dân cho những người dân thực hành nghề đó để tôn vinh các nghệ nhân tâm huyết với nghề, thậm chí tặng Huân chương vì sự nghiệp di sản. Để làm được điều đó, Sở Văn hóa và Thể thao chỉ đạo Bảo tàng Đà Nẵng công nhận những nghệ nhân, nhân dân và những người sống được với nghề, những người có công gìn giữ nghề truyền thống vì nếu không có họ thì không thể có nghề di sản.

Tóm lại, muốn gìn giữ, bảo tồn và phát huy làng nghề truyền thống thì cần nhiều yếu tố như con người và sự chung tay, chia sẻ, hỗ trợ, đóng góp, đồng hành của Nhà nước và doanh nghiệp. Đặc biệt, chính quyền địa phương phải tâm huyết, hướng dẫn bà con và kêu gọi các nhà đầu tư có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích đưa dây chuyền công nghệ vào sản xuất. Có như thế, làng nghề mới được duy trì và phát triển.

* Cảm ơn ông đã tham gia cuộc phỏng vấn này!

ĐOÀN HẠO LƯƠNG thực hiện

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202403/bao-ton-nghe-truyen-thong-bao-ton-lang-nghe-truyen-thong-truoc-nguy-co-mai-mot-3967095/