Bảo tồn giá trị văn hóa đặc sắc ở Tây Nguyên

Để vực dậy những biểu tượng sinh động, giá trị văn hóa tiêu biểu theo tập quán tín ngưỡng đa thần sơ khai của các dân tộc thiểu số, ngành văn hóa các tỉnh Tây Nguyên đang nỗ lực tái hiện, khôi phục và bảo tồn những lễ hội, tập tục truyền thống tốt đẹp của từng dân tộc.

Tín ngưỡng đa thần

Thực tế, cây k’nia, chim ch’rao, k’tia hay hoa p’lang, đàn t’rưng, voi… không hẳn là những biểu tượng làm nên linh hồn của vùng đất Tây Nguyên. Có nhiều thứ, hoặc do tự nhiên định hình, hoặc do bàn tay, khối óc con người kỳ công kiến tạo, còn vĩ đại, tiêu biểu hơn thế. Những con người tài hoa thiện lành, mộc mạc cư ngụ nhiều đời trên miền đất này đã đẩy những thứ tưởng chừng nhỏ nhoi, tầm thường trở thành biểu tượng sinh động, mà khi nghe tới nó, người ta mặc định nghĩ ngay đến miền đất Tây Nguyên.

Sử thi Bài ca chàng Đam San, văn hóa cồng chiêng, nhà rông… do các dân tộc thiểu số bản địa sáng tạo. Nó trở thành biểu tượng không thể nhầm lẫn với miền đất nào khác. Thi ca, nghệ thuật giúp cho những điều bình dị trên miền cao nguyên Trung phần trở thành hồn cốt thăng hoa và lan tỏa mãnh liệt.

Người K’ho trong một đám cưới được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng phục dựng theo phong tục truyền thống.

Với tín ngưỡng đa thần, các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên tin rằng con người và vạn vật xung quanh là bình đẳng, độc lập. Tất cả đều có sự sống, có linh hồn, niềm vui và nỗi buồn. Trong đó, con người là thực thể nhỏ nhoi, nương náu giữa đại ngàn, sống dưới sự che chở của các vị thần (Yàng). Với quan niệm đó, đời sống tâm linh, văn hóa truyền thống của các dân tộc ở Tây Nguyên rất phong phú. Có những quan niệm khác nhau về các vị thần nhưng về cơ bản, đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên chia các vị thần ra thành hai dạng: Thượng đẳng thần và Hạ đẳng thần.

Thượng đẳng thần là những đấng tối cao đã tạo lập ra trời đất, muôn loài và trông nom núi sông, làm ăn của con người. Các vị thần này được bà con tôn thờ, đặc biệt kính trọng, như Yàng bok, ză (thần ông, bà), Yàng bok glaih (thần sấm sét), Yàng đak (thần nước), Yàng kong (thần núi), Yàng xơri (thần lúa)... Hạ đẳng thần là các vị thần thường ẩn trong một vật thể cụ thể nào đó trên mặt đất, gắn liền và rất gần gũi với đời sống của con người, như Yàng xatok (thần ghè), Yàng long (thần cây), Yàng roih (thần voi), Yàng bok klah (thần ông cọp)... Chức năng và phạm vi quyền phép của Hạ đẳng thần thường hẹp hơn Thượng đẳng thần, chỉ về một phương diện hoặc một khía cạnh nào đó của cuộc sống, của cộng đồng hoặc một giai đoạn nhất định của một đời người.

Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên có niềm tin mãnh liệt rằng, con người chỉ là một thực thể nhỏ nhoi nằm trong sự xoay vần của vũ trụ bao la. Mọi sự vật, hiện tượng xung quanh đều có sự sống và linh hồn. Đó là những vị thần quyền lực thống trị vạn năng, chi phối mọi phương diện của con người. Điều này khiến con người phải khiếp hãi, tôn thờ và kính trọng Yàng.

Nương náu giữa đại ngàn, với tự nhiên, tạo hóa, con người thật nhỏ bé. Bởi thế, từ thời khởi thủy, cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã hình thành rất nhiều nghi thức, tập tục, lễ hội, thờ cúng, cầu xin các vị thần linh ra tay che chở, phù hộ cho người dân buôn, bản thoát khỏi dịch bệnh, ban phát sức khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, giống nòi sinh sôi… Rất nhiều phong tục, tập quán của bà con được hình thành từ cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, qua cách ứng xử giữa con người với con người, giữa con người với sự vật, hiện tượng.

Vì thế, trong lễ cưới hỏi, thôi nôi, bỏ mả, cúng lúa mới, lễ cầu mưa... luôn gắn liền các nghi thức nhuốm màu sắc thần bí. Có một điểm chung, tất cả các nghi thức, lễ hội của bà con không thể tách khỏi không gian văn hóa cồng chiêng. Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên tin rằng, cồng chiêng gắn kết thực tại với quá khứ xa xưa, là ngôn ngữ của chốn trần tục với cõi tâm linh (các Yàng) và người quá cố…

Nỗ lực bảo tồn những giá trị tốt đẹp

Có một thực tế phải thừa nhận, ngày này không ít nghi thức, phong tục, tập quán tốt đẹp của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đã mai một đi nhiều. Những nét văn hóa truyền thống đang bị thu hẹp, trong đó nhiều nghi thức linh thiêng, huyền bí, có tính năng giáo dục cao cũng dần bị lãng quên, thậm chí đã trở nên xa lạ với thế hệ trẻ. Điển hình là cồng chiêng, một không gian văn hóa đã được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại.

Dù vậy, bây giờ nó chỉ được sử dụng phổ biến ở các khu du lịch, điểm giới thiệu văn hóa của các dân tộc thiểu số hoặc lưu giữ cộng đồng mang tính chất trưng bày là chính. Những người làm chủ được các giai điệu, âm thức của kiệt tác cồng chiêng không nhiều. Những thế hệ nghệ nhân chân chính, hành nghề có trách nhiệm với cồng chiêng bây giờ đa phần đã đi vào cõi thiên thu.

Các lễ hội truyền thống của dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đang được ngành văn hóa tái hiện, lưu giữ.

Điều này khiến nghệ nhân K’Tiếu ở xã Đinh Lạc, huyện Di Linh (Lâm Đồng) đặt ra nhiều trăn trở. Ông từng than thở với tôi, người biết chơi cồng chiêng ngày càng ít dần, thế hệ trẻ lại càng xa lạ. Sự thiếu chuyên nghiệp của người chơi đã tạo ra những tiếng chiêng lạc lõng, vô hồn và không chừng còn làm giảm giá trị của một kiệt tác. Đời sống tinh thần, hình thức giải trí hiện đại của bà con ngày càng đầy đủ khiến âm thanh cồng chiêng không còn nhiều sức hút. Các tập tục về cưới hỏi, lễ cầu mưa, cúng thần rừng, thần sông… gắn liền với những nghi thức linh thiêng, huyền bí của người K’ho, Ê đê, Gia rai, Ba na, M’nông, Xơ đăng… cũng đang bị mai một. Điều này đang đặt ra vấn đề tái hiện, duy trì và lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, bắt đầu từ việc phục dựng lại những nghi thức, lễ hội gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của bà con.

Những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng đã nỗ lực khôi phục, làm sống dậy một số nghi thức, tập tục truyền thống gắn liền với các dân tộc bản địa. Tại Lâm Đồng, lễ mừng lúa mới (nhô lir bong), lễ cúng thần mưa (nhô dơng), lễ cưới… của người K’ho nhiều năm qua đã được ngành văn hóa phục dựng, tái hiện sinh động, gắn liền với những nghi thức tốt đẹp, có giá trị giáo dục cao. Ngành văn hóa các tỉnh Tây Nguyên đã mở nhiều lớp dạy đánh cồng chiêng cho người dân tộc thiểu số. Chưa thể nói tất cả các học viên đều đã biết chơi thành thạo sau khi kết thúc khóa học nhưng nhiều người đã bắt đầu kỳ vọng vào những thế hệ học viên được đào tạo cơ bản dưới sự chỉ dẫn tỉ mỉ, trách nhiệm của các nghệ nhân kỳ cựu.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL tỉnh Lâm Đồng, tôn vinh và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số, khích lệ sáng tạo giá trị văn hóa sẽ góp phần giảm sự chênh lệch về mức sống và hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các dân tộc, gắn kết giữa phát triển kinh tế và phát triển văn hóa. Điều đó càng ý nghĩa hơn khi nhiều nghi thức, lễ hội, tập quán của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng đang dần bị mai một do ảnh hưởng của sự giao thoa, du nhập văn hóa trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin. Việc nỗ lực phục dựng, tái hiện các lễ hội, nghi thức truyền thống của các dân tộc thiểu số sẽ góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân tộc thiểu số, nhất là thế hệ trẻ trong công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Khắc Lịch

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/tieu-diem-van-hoa/bao-ton-gia-tri-van-hoa-dac-sac-o-tay-nguyen-i729731/