Bảo tồn di sản nhìn từ việc lấn chiếm di tích gò Đống Thây

Nhìn lại việc bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia gò Đống Thây (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho thấy, đây là một trong những bài học xót xa về công tác quản lý di tích của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Vậy mà, không một ai bị hề hấn gì, trong khi di tích rơi vào một thực trạng 'buồn không kể xiết', buộc phải điều chỉnh khu vực khoanh vùng bảo vệ...

Tương truyền và thử lý giải

Tìm hiểu sâu kỹ trên tài liệu sách báo hiện còn, chúng tôi nhận thấy cơ sở khoa học, nghĩa là tiệm cận đến sự chân thực đối với di tích gò Đống Thây vẫn có điều gì đó còn mờ mờ, ảo ảo. Nói cách khác, sự “sờ thấy, chạm đến” của cái gọi là di vật, hiện vật nhằm chứng minh đấy đích thị gò Đống Thây là mồ chôn xác của quân Minh vẫn chưa được thể hiện rõ. Thậm chí, nhiều sách báo còn nhầm lẫn giữa gò Đống Thây với gò Đống Đa.

Phối cảnh dự án tu bổ di tích gò Đống Thây.

Trên trang thông tin điện tử quận Thanh Xuân cho biết: Khu vực gò Đống Thây ngày nay, xưa thuộc cánh đồng làng Cự Chính - Nhân Mục, là một vùng sình lầy, rậm rạp rộng lớn ven sông Tô Lịch. Qua hàng ngàn năm, miền đất này được nhân dân cần cù khai khẩn thành đồng ruộng, xóm làng và có tên Nôm “Kẻ Mọc” gồm 12 làng, sau này còn có tên chữ là Nhân Mục. Con đường chính chạy qua làng là đường Thượng Đạo để vào kinh đô Thăng Long, con đường Lai Kinh chạy qua các làng Mọc và cầu Nhân Mục để vào thành Thăng Long...

Đầu thế kỷ XV, quân Minh xâm lược nước ta, quốc gia Đại Việt lại một lần nữa rơi vào ách đô hộ của ngoại bang. Năm 1418, Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa tại vùng rừng núi Lam Sơn (Thanh Hóa), tập hợp được sức mạnh của toàn dân anh dũng chống lại quân xâm lược trải ngót 10 năm gian khổ. Trong những trận đánh nhằm bao vây, giải phóng thành Đông Quan thì 2 trận mở màn thắng lợi tại cầu Nhân Mục (cuối năm 1426) đã tiêu diệt được lực lượng lớn quân Minh đóng tại đây.

Sự kiện này đã được sách “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi rõ: “Hôm ấy (20/9 Bính Ngọ 1426) Lê Triện đánh nhau với quân Minh ở Nhân Mục, chém hơn 1.000 thủ cấp giặc, bắt được tên Đô ty nhà Minh là Vi Lượng (Viên Lượng)”; “Ngày mồng 6 tháng Mười Bính Ngọ (1426), Vương Thông nhà Minh đem các quân mới, cũ gồm 10 vạn tên, chia làm 3 đường đánh vào quân ta. Vương Thông từ Khâu Ôn tới qua cầu Tây Dương (Cầu Giấy), đóng quân ở bến Cổ Sở...

Phương Chính từ cầu Yên Quyết (Cầu Cót ngày nay) đóng quân ở cầu Sa Đôi, Sơn Thọ; Mã Kỳ tiến từ cầu Nhân Mục đóng quân ở cầu Thanh Oai. Quân giặc dàn doanh trại liền nhau đến vài mươi dặm, cờ xí rợp đồng, tự cho là đánh một trận là bắt được hết quân ta. Bọn Lê Triện, Lê Bí mai phục binh tướng ở đồng Cổ Lãm (Xốm ngày nay) cho du binh nhử đánh vào doanh trại quân Thọ, Kỳ rồi giả vờ thua chạy. Quân Minh đuổi theo, phi qua bờ cầu Tam La (Ba La ngày nay), chỗ ấy ruộng nước bùn lầy, quân mai phục của ta nổi dậy, đánh tạt ngang vào bọn giặc. Quân giặc sa lầy, ta chém hơn 1.000 thủ cấp, đuổi đến đầu cầu Nhân Mục. Xác giặc phơi ngổn ngang đến vài mươi dặm, ta bắt sống hơn 500 tên”.

Sau 2 trận đánh oanh liệt năm 1426 kể trên, nhân dân địa phương đã lưu truyền đến ngày nay là “gò Thất Tinh”, “khu mả Thất Tinh” và dần trở thành cái tên thông dụng như ngày nay: “gò Đống Thây”, ý nói thây giặc chất nhiều thành đống, thành gò.

Trong sách “Hà Nội danh thắng và di tích” tập 2 cũng cho biết tương tự như vậy. Chưa kể những thông tin trên cần phải được đính chính nhiều chi tiết, điều quan trọng hơn, theo tương truyền của dân gian mà cứ “mặc định” là gò Đống Thây, nơi chôn xác giặc Minh thì đã thực sự thuyết phục?

Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, khi viết chuyên luận “Chiến thắng Tốt Động - Chúc Động (ngày 5 đến 7/11/1426)”, GS Phan Huy Lê cho biết: Nhân dân xã Nhân Chính còn ghi nhớ một số di tích và truyền thuyết về trận đánh Nhân Mục như sau: Tên “đường Vỡ” được nhân dân đặt ra sau chiến thắng của nghĩa quân Lam Sơn để ghi nhớ chiến công đó vì trong trận mai phục ở cầu Nhân Mục, quân địch bị quân ta đánh cho tan vỡ trên đoạn đường này. Xác quân Minh bỏ lại ở chiến trường rất nhiều, nhân dân đã thu lượm và đắp thành 7 gò cao (gọi là Kình quán), 7 gò đó đã bị phá hủy 1, hiện còn 6 gò, nhân dân thường gọi là “đống thây”. Cuối đoạn, GS Phan Huy Lê viết rõ: “Chúng tôi chưa có điều kiện nghiên cứu để xác minh xem những gò đó có đúng là mả quân Ngô hay không. Hay là mộ Hán. Hay là gò đất thường”.

Tra cứu trên mạng và hỏi một số nhà khảo cổ, chúng tôi chưa tìm thấy thông tin đã có những cuộc khai quật khảo cổ tại di tích gò Đống Thây để nhằm xác minh ở dưới lòng đất nơi đó hiện đang lưu giữ những di vật, hiện vật gì. Cho đến thời điểm này, chúng ta vẫn đang dựa trên những ký ức lưu truyền trong dân gian để minh định về gò Đống Thây, chứ chưa có thêm những bằng chứng khác xác thực hơn.

Xin nhớ rằng, về mặt địa lý, di tích gò Đống Thây cách di tích gò Đống Đa không xa. Vì lẽ đó, cần lưu ý đến những ý kiến của GS Trần Quốc Vượng, khi ông viết “Giải ảo hiện thực về xứ Đống Đa và gò Đống Đa” sau những ồn ào trên dư luận rằng, 12 gò ở khu vực Đống Đa là gò chôn xác giặc Thanh: “Từ vài chục năm nay, trong giới văn hóa và trong nhiều tài liệu lịch sử truyền thống thường lưu hành một cách nhìn, sau đây sẽ được minh chứng là một giả - huyền tích (fake-lore) - rằng sau trận tiến công tiêu diệt đồn Khương Thượng của nghĩa quân Tây Sơn - Quang Trung, hàng vạn xác giặc Thanh nằm ngổn ngang trên chiến trường, người ta đã thu dọn xác giặc, dồn vào 12 gò đống, gọi theo tên chữ Hán là Kình quán hay Kình nghê kinh quán (gò chôn những quân lính hung dữ như kình nghê - loài cá lớn hung dữ ở biển)”.

Cuối bài viết, GS Trần Quốc Vượng tạm đóng: “Hồi tưởng địa hình xưa, kết với việc khảo sát thực địa hôm nay, giới địa lý học lịch sử có thể đưa ra một hình ảnh sau đây về cảnh quan - địa lý - địa hình của “xứ Đống Đa” xưa: Đấy là một dải bãi bồi và phù sa trên bãi, con đẻ của - và nằm kẹp giữa - hai con sông Kim Ngưu - Tô Lịch, với những hồ nước, đầm lầy - là vết tích của lòng sông cũ hay lòng sông mùa lũ - và với những đống gò “thiên tạo” là những thềm sót đã bị bóc mòn, hình thành khi nước lũ của hai con sông này - điểm xuyết thêm bởi những đống gò và hồ ao “nhân tạo”.

Với cách nhìn nhận và giải thích trên, dù có thể chưa tạo nên sự đồng nhất về mặt địa dạng nhưng về khoảng cách không gian địa lý thì giữa gò Đống Thây và khu vực gò Đống Đa là không xa, nếu không nói là khá gần nhau. Vì thế, việc giải ảo hiện thực gò Đống Thây cũng nên được giới nghiên cứu lịch sử, văn hóa vào cuộc và đưa ra những lời giải đáp nhằm “xác minh” thêm đó là gì như một số câu hỏi mà cố GS Phan Huy Lê đã đưa ra cách nay hơn nửa thế kỷ.

Ai chịu trách nhiệm?

Trở lại với câu chuyện quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia gò Đống Thây, gần đây chính quyền địa phương đẩy mạnh việc triển khai dự án xây dựng nơi đây trở thành công viên văn hóa lịch sử và đang gặp phải phản ứng từ người dân trong diện phải di dời.

Nhà tạm quanh khu vực di tích gò Đống Thây.

Nhưng, điều đáng quan tâm ở đây vẫn là công tác quản lý. Di tích được Nhà nước xếp hạng từ năm 1990, tuy nhiên dường như thiếu vắng sự quản lý, bảo vệ nên người dân nhảy vào chiếm dụng. Đến năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ và lập dự án tu bổ tôn tạo di tích gò Đống Thây. Tại văn bản này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra thực tế vi phạm, lấn chiếm đất di tích để có kế hoạch bảo vệ di tích, giải tỏa vi phạm theo từng năm, không để phát sinh thêm các hộ dân vi phạm, lấn chiếm.

Đồng thời, cần giải trình, làm rõ lịch sử, hiện trạng sử dụng đất của di tích, đề xuất phương án điều chỉnh khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích, trong đó cần giữ gìn tối đa những yếu tố gốc cấu thành di tích là các gò; tính toán khả năng thực tế việc di dời 186 hộ dân trong khu vực bảo vệ di tích có khả thi hay không. Trước đó, diện tích gò Đống Thây được UBND thành phố giao tại Quyết định 1185/QĐ-UB ngày 26/3/1997 cho Ban Quản lý di tích và danh thắng Hà Nội là 2,6722 ha. Đến ngày 28/10/2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phải thống nhất điều chỉnh diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích xuống còn 1,5336 ha.

Việc điều chỉnh khoanh vùng bảo vệ di tích lịch sử quốc gia gò Đống Thây là sự “thụt lùi” trong công tác quản lý, bảo vệ di sản. Trong suốt một thời gian dài, chính quyền, cơ quan chức năng đã không tiến hành cắm mốc giới bảo vệ di tích, lập dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy di tích, khiến cảnh quan, môi trường di tích bị xuống cấp và bị xâm hại nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhìn nhận về sự việc này, cấp có thẩm quyền lại chưa truy trách nhiệm đến cùng trong việc quản lý, bảo vệ di tích khi để cho người dân lấn chiếm. Vì thế, việc triển khai dự án xây dựng công viên văn hóa lịch sử nhằm tôn lên giá trị di tích gò Đống Thây đã gặp phải không ít trở ngại theo kiểu “đi không nỡ, ở cũng không xong”.

Dư luận hoàn toàn đồng tình đã đến lúc cần triển khai thực hiện dự án công viên văn hóa lịch sử nhằm trả lại một phần không gian, cảnh quan di tích, nhưng mặt khác cũng cần làm rõ trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ di tích của các cấp chính quyền trong suốt một thời gian dài “cha chung không ai khóc”, khiến cho di tích bị “biến dạng” không thể nhận ra.

Nguyễn Thanh Sương

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/bao-ton-di-san-nhin-tu-viec-lan-chiem-di-tich-go-dong-thay-i727924/